Gìn giữ điệu then Tày

08:29, 27/02/2010

Trong các cuộc thi đàn tính, hát then toàn quốc những năm gần đây, các nghệ nhân hát then của Thái Nguyên đã tham gia và giành nhiều giải Vàng, Bạc. Hy vọng Then Thái Nguyên được khẳng định, được quảng bá rộng rãi như một di sản văn hóa là mong ước, trăn trở của các nghệ nhân Then…

 

Giống như con ong đầu đàn chỉ đường dẫn lối cho các ong thợ làm việc, các nghệ nhân của tỉnh đã và đang truyền dạy nghệ thuật Then cho thế hệ sau, với ước vọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Được biết ở Thái Nguyên hiện có 7 nghệ nhân đàn tính, hát then. Trong đó tập trung đông nhất ở Định Hóa (6 nghệ nhân). Chứng kiến những em nhỏ hát Then rất say sưa cùng ông bà, bố mẹ; những em học sinh biểu diễu hát then đàn tính trong các cuộc thi của trường tổ chức thời gian gần đây, chúng tôi hiểu đưa niềm say mê nghệ thuật đến với thế hệ trẻ, các nghệ nhân đang làm công việc “truyền lửa” của mình một cách thật giản dị, nhưng rất có ý nghĩa.

 

Giữa bộn bề cuộc sống vất vả mưu sinh, các nghệ nhân vẫn dành thời gian đắm mình với những điệu nhạc, hồn dân tộc, hồn văn hóa đang được họ lưu giữ và phát huy như thế! Từ khi Câu lạc bộ (CLB) Hát then của tỉnh thành lập đầu tháng 1/2007, các nghệ nhân càng phát huy vai trò của mình, góp phần thành lập thêm nhiều CLB hát then ở cơ sở, giúp nhiều người, nhất là thế hệ trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này. Các nghệ nhân tuy không giàu về vật chất, mỗi người một hoàn cảnh, một công việc nhưng đều có một điểm chung: rất nhiệt tình, đam mê nghệ thuật và ước mong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy vậy, trong quá trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các nghệ nhân đã gặp không ít khó khăn, trở ngại.

 

Chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Chủ nhiệm CLB Hát then để tìm hiểu về vấn đề này. Bà chia sẻ: Từ một cô gái thôn quê vùng Phượng Tiến - Định Hoá, năm 16 tuổi bà là diễn viên tại Đoàn Ca múa dân ca Việt Bắc cho đến năm 1990 về nghỉ hưu. Từ đó, bà tham gia văn nghệ tại Trung tâm Văn hoá của tỉnh và giọng hát của bà gây được nhiều chú ý của khán giả. Đầu năm 2007, Trung tâm Văn hoá tỉnh đã thành lập CLB Hát then do bà làm Chủ nhiệm. CLB thu hút 8 nghệ nhân đàn tính, hát then của tỉnh (hiện có một nghệ nhân đã qua đời) và trên 20 thành viên tham gia sinh hoạt. Trong CLB có nghệ nhân nhiều tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Lanh năm nay gần 70 tuổi, người ít tuổi nhất là các cháu 7 tuổi (hiện tham gia CLB Tài năng trẻ của Trung tâm Văn hoá tỉnh). Có 3 cháu thiếu nhi là Vân Anh, Nguyễn Thị Thuỳ Trang và Nguyễn Dương Nguyên đã tham gia nhiều chương trình lớn như: Liên hoan hát then đàn tính toàn quốc; ngày hội xứ trà, ngày giỗ tổ Hùng Vương. Nghệ nhân Bích Hồng cùng các nghệ nhân trong CLB đã không quản vất vả dạy cho các đối tượng trong Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và cả các hướng dẫn viên du lịch huyện Định Hóa, Đại Từ… Niềm vui đến thật nhiều với bà trong quá trình dạy hát Then vì có rất nhiều người yêu thích đã học, trong đó có cả người dân tộc Kinh, khắc phục khó khăn về ngôn ngữ để có thể đàn, hát Then bằng tiếng Tày.

 

Bà Hồng vui vẻ nói với chúng tôi: Bà truyền dạy hát Then cho các thế hệ vì lòng yêu thích, và hơn cả là niềm mong mỏi nét văn hóa này được lưu giữ và nhân rộng. Bà đã đi nhiều nơi để tìm hiểu, sưu tầm nhiều làn điệu Then và dân ca để tìm ra nét riêng của Then Thái Nguyên. Cùng với đó, bà sáng tác biên soạn lời mới mang nét riêng của Then tỉnh nhà. Nói về khó khăn của CLB Hát then tỉnh, bà Hồng cho biết: CLB thành lập trên cơ sở tự nguyện, nên không hề có bất kì kinh phí nào hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt. Không có địa điểm sinh hoạt nên các thành viên trong CLB phải tập trung ở nhà tôi tại Phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên để sinh hoạt từ 2-4 lần/tháng. Mọi chi phí đi lại, ăn ở các thành viên đều tự túc. Nhưng niềm say mê nghệ thuật và ước mong truyền lửa cho thế hệ sau của các nghệ nhân có thể nói đã vượt lên trên mọi khó khăn. Nghệ nhân Ma Văn Tào nhà ở tận Thần Sa (Võ Nhai) là một ví dụ. Nhà ông Tào đường xá đi lại khó khăn, kinh tế hạn chế nhưng không buổi sinh hoạt nào của CLB ông vắng mặt. Bà Hồng cho chúng tôi biết thêm: “Tháng 8/2008, tổ chức Văn hoá Việt Nam - Thụy Điển lên khảo sát và đã tặng dàn âm thanh cho CLB trị giá 20 triệu đồng. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn khắc phục và vượt qua”.

 

Với nghệ nhân Nguyễn Văn Lanh (xã Phú Tiến - Định Hóa) thì ông không chỉ say sưa với Then mà còn truyền niềm yêu thích đó đến con cháu và người dân, cùng các nghệ nhân và người yêu Then Định Hóa thành lập CLB Hát then ATK, tham gia sáng tác lời mới dựa theo những điệu then cổ. Mặc dù năm nay ông Lanh đã gần 70 tuổi, mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng ông vẫn ngày đêm say sưa với cây đàn tính và hát then. Đặc biệt là loại hình then cổ. Ngoài ra, ông còn sáng tác lời mới ca ngợi cuộc sống, quê hương đổi mới. Ông luôn bận rộn với công việc khi thì dạy đàn tính, hát then ở Trung tâm Văn hóa tỉnh hay Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc; khi thì đi làm lễ vào nhà mới hay cầu an cho các gia đình trong địa phương… Năm 2007, cùng với các nghệ nhân khác, ông đã thành lập CLB Nghệ thuật Then ATK tạo sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích then ở Định Hóa thu hút trên 20 thành viên tham gia.

 

Tìm đến nghệ nhân Lưu Xuân Lai (xã Phúc Chu-Định Hóa), chúng tôi được biết ông là một nghệ nhân đàn tính, hát then đồng thời còn là nghệ nhân sản xuất đàn tính nổi tiếng. Ông Lai bắt đầu làm đàn từ năm 2005, phục vụ cho các Trường Cao đẳng nghệ thuật, Hội Nghệ thuật của tỉnh và cả các khách hàng trên tận Cao Bằng. Mỗi năm sản xuất được 300 chiếc, bán với giá 200 nghìn đồng/chiếc. So với công làm đàn thì số tiền ấy chỉ đủ vốn. Làm đàn với ông không nhằm mục đích kinh doanh mà là để thỏa mãn niềm say mê và ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc. Ông Lưu Xuân Lai là một trong số các nghệ nhân đã truyền dạy hát then, đàn tính không chỉ cho con cháu mình mà còn góp phần thành lập CLB hát then ở xóm Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa). Ông còn là Phó Chủ nhiệm CLB dân ca các dân tộc huyện Định Hoá, nơi tụ họp của các hạt nhân văn nghệ và những tâm hồn yêu dân ca.

 

Với tất cả sự say mê, nỗ lực, ước nguyện gìn giữ và phát huy một loại hình nghệ thuật then, các nghệ nhân đã và đang góp phần làm tươi mới, sinh động hình thức sinh hoạt truyền thống của loại hình nghệ thuật này. Chia tay tôi, bà Bích Hồng chia sẻ nguyện vọng: “Các nghệ nhân chúng tôi mong muốn được góp phần định hướng tư tưởng, giáo dục thế hệ trẻ tình yêu nguồn cội, bắt đầu từ yêu những câu hát, điệu múa then.