Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Yên Bái

08:51, 24/02/2010

Lễ hội “Lồng Tồng” hay còn gọi là Lễ hội “Xuống đồng” là lễ hội dân gian truyền thống của người dân địa phương, được tổ chức với mong ước một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

 

Ngày 23/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), người Tày ở Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và các vùng phụ cận như Đại Lịch, Chấn Thịnh, Cát Thịnh… tưng bừng tổ chức lễ hội “Lồng Tồng”, còn gọi là lễ hội “Xuống đồng” thu hút hàng ngàn người tham gia. Đây là lễ hội dân gian truyền thống của người dân địa phương, được tổ chức với mong ước một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

 

Giống như bất cứ một lễ hội nào mở đầu cho mọi sinh hoạt trong năm, lễ hội “Lồng tồng” của người Tày ở Thượng Bằng La cũng chia 2 phần rõ rệt: Phần lễ gồm các nghi thức cầu cúng thần nông, thành hoàng mong cho cả năm mưa thuận gió hoà, dân khang vật thịnh. Phần hội là không khí cộng cảm, chan hoà của tất cả những người tham dự trong các tiết mục múa xoè, múa trống, đẩy gậy, bắn cung nỏ, đánh đu.

 

Bà Hoàng Thị Chanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, lễ hội năm nay ngoài việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, còn có thêm các hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch của huyện, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương như: chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ… Bà Hoàng Thị Chanh nói: “Huyện Văn Chấn có 8 xã vùng ngoài tập trung rất đông đồng bào dân tộc Tày. Ước mơ của đồng bào là luôn mưa thuận gió hoà để mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc. “Lồng tồng” là lễ hội truyền thống, phản ánh giá trị nhân văn, ước mơ, khát vọng của người Tày cổ. Huyện cũng rất mong muốn được bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn của nó để đồng bào giữ được bản sắc văn hoá của mình”.