Ngày Xuân trảy Hội Lồng Tồng

16:28, 23/02/2010

 Lễ hội Lồng Tồng thường gọi là Hội xuống đồng, là lễ hội lớn của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Đã trở thành nét đẹp truyền thống, sau một năm vất vả với công việc đồng áng, vui mừng trước thành quả lao động, nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa lại nô nức cùng nhau trảy hội Lồng Tồng...

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

Hòa mình trong không khí tưng bừng của lễ hội trong những ngày đầu xuân mới hiểu hết những cảm xúc của Nhà thơ Tố Hữu khi viết lên những vần thơ

 

“Áo em thêu chỉ biếc hồng

Mùa xuân ngày hội Lồng Tồng thêm vui”

 

Không biết từ bao giờ, lễ hội Lồng Tồng đã được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là lễ hội quan trọng nhất được tổ chức vào đầu xuân gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp trồng trọt. Lễ hội để người dân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mang lại no ấm hạnh phúc cho dân bản. Để tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong nhiều năm qua, huyện Định Hóa đã duy trì và tổ chức thường niên Lễ hội Lồng Tồng vào dịp mùng 9, 10 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội càng thiêng liêng hơn khi được tổ chức ở xã Phú Đình - nơi Bác Hồ, TW Đảng và nhiều cơ quan của TW đã từng sống và làm việc, được đồng bào đùm bọc, trở che. Và tại nơi đây, nhân dân thành phố Hà Nội đã xây dựng một công trình rất ý nghĩa, đó là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đỉnh đèo De.

 

Mở đầu của lễ khai mạc lễ hội, trước anh linh của Bác kính yêu, thay mặt đồng bào các dân tộc Thái Nguyên đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đã báo công với Bác và hứa với Người đồng bào các dân tộc trong tỉnh sẽ đoàn kết một lòng xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp. Sau lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, các già làng xã Phú Đình và đội trống đã đánh những tiếng trống đầu tiên khai hội. Mặt trời lên, trống hội giục, các mâm lễ được đưa ra để chuẩn bị cho lễ cầu mùa. Mâm lễ được xếp hàng, trên cùng là mâm của thầy mo-người được kính trọng nhất và cũng là người giữ vai trò chủ trì các nghi lễ trong ngày Hội. Một hồi chiêng vang lên, lễ cúng mở hội bắt đầu. Người làm lễ đứng vòng quanh mâm cúng khi thắp hương, thầy mo đọc lời khấn và bắt đầu những nghi thức cầu cúng như làm lễ tạ Thần Nông, Thiên địa, Sơn Thần, Thủy Thần... và thần Thành Hoàng, những vị thần được cho là có sự tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống của cư dân trong cộng đồng Tày - Nùng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, sinh sôi nảy lộc, bản làng yên ấm. Được biết phần lễ cầu mùa này được lưu truyền qua nhiều đời, song ở Định Hóa thì xã Bình Yên là nơi lưu truyền tốt nhất nền văn hóa phi vật thể này và được UBND huyện giao cho việc phục dựng.

 

Trao đổi cùng chúng tôi về việc phục dựng Lễ cầu mùa dân tộc Tày, đồng chí Ma Văn Thu, Phó Chủ tịch xã Bình Yên cho biết: “Trên địa bàn xã hiện vẫn còn một ngôi chùa và hằng năm vào dịp xuân sang, dân làng đều tổ chức Lễ cầu mùa để mong một năm mới mưa thuận gió hòa, hạt thóc căng tròn, khoai sắn đầy nhà, cây cối tốt tươi. Bao đời nay dân làng vẫn lưu giữ và bảo tồn Lễ cầu mùa, coi đây là một nét đẹp văn hóa tâm linh cần phải gìn giữ”.

 

Như thấu hiểu lòng người, Lễ cầu mùa vừa kết thúc cũng là lúc những hạt mưa xuân phơi phới bay giữa đất trời Định Hóa, chứng linh cho những điều nguyện ước tốt đẹp của bà con trong một năm mới sẽ thành hiện thực. Tại một mảnh ruộng tốt, một lão nông đánh trâu cày những đường cày đầu tiên để bắt đầu một vụ mùa mới, rồi các cô thôn nữ của 24 xã, thị trấn trong huyện quẩy mạ cùng nhau tham gia hội thi cấy lúa. Sau lời phát lệnh của Ban Tổ chức, chỉ trong nháy mắt, những rảnh mạ được chia đều, cắm thành hàng thẳng tắp. Tiếng cười nói rộn cả cánh đồng. Những chú trâu béo mọng được dịp ra sức kéo cày để chủ nhà gieo cấy kịp thời vụ. Với thương hiệu gạo Bao Thai (Định Hóa) đã được gây dựng, bà con nơi đây đang phấn đấu ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực, cây lúa trở thành hàng hóa, góp phần làm giàu cho nhân dân vùng chiến khu xưa. Không khí vui tươi phấn khởi của bà con lan từ cánh đồng lên sân lễ hội. Các nam thanh nữ tú xúm lại bên cây Nêu để tung Còn. Những quả Còn xinh xắn rực rỡ sắc màu với những tua vải dài vút lên không trung hướng tới hồng tâm trên ngọn Nêu nơi có hai vòng tròn cao thấp tượng trưng cho Âm-Dương cái gốc của vũ trụ và sinh ra vạn vật. Ai cũng hy vọng quả Còn của mình đi qua hồng tâm để Âm - Dương giao hòa, mùa màng tốt tươi, đầm ấm. Phía bên kia những đôi mắt, những bàn tay nhỏ nhắn đang chờ đợi quả Còn trao gửi tình cảm cho người mình yêu thương. Tiếp đó là những bài hát Shi mượt mà, đằm thắm, những câu Lượn trao duyên, rồi các trò chơi như đi cà khoeo, đánh quay, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ, kéo co... níu chân người xem không thể rời bước.

 

Chiều hôm trước (mùng 9 tháng Giêng), các cuộc thi khác cũng thu hút đông đảo người xem, cổ vũ như đá bóng, bóng chuyền, thi cắm trại, thi giã và làm bánh dầy. Tại lễ hội, Ban quản lý khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hoá đã khai mạc triển lãm tranh đá “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và bạn bè quốc tế”. Thông qua lễ hội, ngoài ý nghĩa tâm linh cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, đời sống ấm no, hạnh phúc, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, thì tâm nguyện của Đảng bộ, nhân dân Định Hóa được đồng chí Phạm Thái Hanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Tổ chức lễ hội gửi gắm tới đông đảo du khách thập phương là: Thông qua hoạt động này nhằm giới thiệu hình ảnh Định Hoá xa hơn, để quảng bá tiềm năng kinh tế du lịch, đây cũng là mục tiêu mà Đảng bộ và nhân dân trong huyện đề ra nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng. Với những người dự hội, chắc chắn sau khi trở về đều mang theo nỗi nhớ khó quên về những kỷ niệm nơi miền rừng, những tình cảm mộc mạc của bà con nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa, tự hẹn với lòng mình mùa xuân năm sau lại tìm về dự hội.