Quan bếp về trời

16:33, 05/02/2010

Ngày mai là Tết ông Công, ông Táo - 23 tháng Chạp, nhà nhà lại tấp nập mua sắm đồ cúng lễ tiễn quan bếp về trời.

Có lẽ hiếm đất nước nào lại lưu giữ một truyền thuyết đẹp về ông Công, ông Táo như ở Việt Nam, và câu chuyện tình yêu đẹp ấy đã đi vào cuộc sống hàng ngày, trở thành một nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Vào ngày này, nhà nào cũng vậy, giầu hay nghèo đều phải có trên ban thờ đồ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời, bẩm báo với Ngọc hoàng một năm buồn vui nơi hạ giới.

 

Ngày bé, tôi thường thích nhất là theo mẹ đi chợ mua cá chép ngày 23 tháng Chạp. Cả một dãy dài bao nhiêu hàng cá, khách mua vòng trong vòng ngoài rộn ràng một góc chợ. Tôi lăng xăng cầm ca, đựng sẵn trong đó một ít nước chờ mẹ lựa bắt từng con cá nhỏ bỏ vào đó rồi cứ thế ôm khư khư chiếc ca trước ngực đi khắp chợ. Ngày tôi còn bé, cá giành cho ông Công, ông Táo cưỡi về trời chẳng đẹp như bây giờ, chỉ là loại cá bình thường người dân nuôi trong ao hàng ngày, đến dịp Tết là bắt mang ra chợ bán. Thời ấy đa phần các gia đình đều cúng bằng cá sống chứ không hề có cá giấy, cúng xong lại rủ nhau đem cá đi thả ở các con suối gần nhà, không khí thả cá rộn ràng như ngày hội.

 

Hôm nay là 22 tháng Chạp, nhiều người dân T.P Thái Nguyên đã tấp nập đi sắm đồ cúng lễ tiễn quan bếp, mũ, giày, tiền, vàng mã cũng theo đó mà tăng giá hơn ngày thường. Tại chợ Thái, ở khu vực tầng hầm, nơi bày bán nhiều hàng mã không khí mua bán đã nhộn nhịp. Các mặt hàng cúng lễ đa dạng về mẫu mã sáng rực cả một góc tầng hầm. Một bộ  lễ cúng ông Công, ông táo gồm: mũ, quần áo, giày, chú cá chép giấy có giá dao động từ 35.000 đồng - 100.000 đồng. Cùng với đó, đồ cúng chúng sinh: lạc, khoai lang, trầu, cau, dầu rễ... cũng được bày bán kèm với lễ ông Công, ông Táo; quần áo chúng sinh có mức giá từ 20.000 - 35.000 đồng/100 bộ; mũ, dép, tiền, vàng được bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng.

 

Chủ một hàng mã tại chợ Thái cho biết:  Không chỉ hôm nay mà nhiều ngày trước các cụ về hưu đã bắt đầu đi mua đồ cúng. Nhu cầu và thị hiếu mua sắm đồ cúng của người dân dịp này cũng tăng hơn ngày thường nên chúng tôi cũng phải tăng số lượng hàng hóa, chủng loại, mẫu mã của các mặt hàng này. Giá các mặt hàng này cao hơn năm ngoái khoảng 5 - 10%”.

 

Ngoài chợ Thái là nơi bán hàng mã nhiều nhất thì tại các chợ nhỏ trong thành phố hoặc trên các ngõ của từng khu dân cư cũng thấp thoáng bóng dáng hàng vàng mã. Chỉ cần một chiếc chõng tre, một chiếc ghế ngồi là có thể bày một sạp hàng vàng mã nên nhiều người ngày thường không bán thứ hàng này cũng tranh thủ từ nay đến Tết bán thêm. Chị Dự bán vàng mã cổng chợ Minh Cầu, T.P Thái Nguyên cho biết: hàng ngày tôi bán cá biển nhưng giáp Tết ít người mua nên từ 23 tôi chuyển sang bán vàng mã. Ngày mai sẽ lấy thêm cá chép hồng từ sớm về bán vì nhiều người có thói quen tiễn ông Công, Táo vào buổi trưa.

 

Ngày mai, ông Táo, ông Công về trời nhưng từ hôm nay và những ngày trước nữa nhiều nhà đã tất bật đi mua đồ cúng tạo nên không khí đầm ấm, rộn ràng của ngày giáp Tết.