Rộn ràng thi cấy, thi cầy ngày xuân

19:49, 17/02/2010

Trong không khí nồng nàn của một mùa xuân mới, sớm mồng 3 Tết (tức ngày 16/2) bà con nhân dân từ nhiều xã của huyện Phổ Yên đã nô nức dồn về làng Thanh Hoa, xã Trung Thành - nơi diễn ra lễ hội xuống đồng xuân Canh Dần 2010, với hội thi cấy, thi cày mang theo ước vọng về một mùa vàng bội thu… Hội thi cấy ở Thanh Hoa đã xuất hiện cách đây gần 20 năm, được tổ chức hằng năm vào tháng Giêng.

 

Ngoài thi cấy còn có phần thi trâu bò béo khỏe và phần hội có các trò chơi dân gian như: Chọi gà, kéo co, cờ người… để bà con trong làng vui tết, đón xuân nhưng vẫn không quên bám đồng ruộng để mùa màng được bội thu. Mọi năm hội tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng, nhưng năm nay, do biến đổi của thời tiết, ngày hội này được tổ chức vào mồng 3 Tết (tức 16/2 dương lịch) và được tổ chức với quy mô cấp huyện.

 

Trong háo hức hương xuân, chúng tôi hoà vào dòng người đến tham dự lễ hội, cảm nhận đầu tiên là chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị chu đáo, đúng 7 giờ mọi thứ đã sẵn sàng, nhiều người dân nóng lòng đến sớm hơn giờ đã định. 7 giờ 30 lễ hội chính thức bắt đầu. Phần lễ được tổ chức trang trọng với sự hiện diện của các đồng chí: Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội; Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND và các ban, ngành, đoàn thể của huyện. Về vui lễ hội còn có đông đảo người dân các xã, thị trấn trong và ngoài huyện. Sau màn trống khai hội, là phần thi cấy, thi cày, bừa hào hứng và sôi nổi.

 

Năm nay, hội thi cấy có 48 thí sinh tham gia chia làm 24 cặp, đây là những nông dân trực tiếp làm ruộng có độ tuổi từ 18-50, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã qua nhiều vòng lựa chọn. Các cặp thí sinh thi theo hình thức tiến hành cấy trên diện tích theo thứ tự đã quy định trên ruộng với số lượng mạ đã được chuẩn bị sẵn bằng giống lúa VL20. Yêu cầu của hội thi cấy năm nay cũng khá khắt khe, các cặp thí sinh phải cấy nông tay, thẳng hàng, đúng mật độ 45-50 khóm/m2 và chỉ được cấy 1 rảnh/khóm, cặp thí sinh nào cấy đúng kỹ thuật và được nhiều diện tích nhất là cặp đạt giải. Thí sinh Lã Thị Ngọ cho biết: Tôi đã nhiều lần tham gia hội thi cấy ở làng và đây là lần mà ban tổ chức đặt ra yêu cầu khắt khe nhất, song tôi cho rằng đây chính là cơ hội để tôi rèn luyện kỹ năng cấy của mình.

 

Điều đặc biệt ở phần hội năm nay là có thêm 6 thí sinh tham gia thi cày máy và bừa trâu. Ông Dương Văn Hiến, Phó Phòng nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Sở dĩ cày máy được đưa vào thi trong lễ hội năm nay là để vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ khí hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Nhưng cho dù dùng máy hay trâu thì cũng phải đạt các yêu mà Ban Tổ chức đề ra là đất sau khi cày bừa phải đảm bảo phẳng đều, nhuyễn, ngấu. Ngoài thi cấy, thi cày, phần hội còn có các trò chơi dân gian như: Chọi gà, cờ người, bịt mắt bắt dê… càng làm tăng thêm phần náo nhiệt.

 

Ông Lê Thanh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết: Trong vài năm trở lại đây do sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ làm cho đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, song với đức tính cần cù, cộng với sự nhanh nhạy của bà con nông dân trong huyện đã tích cực đưa những giống cây, con mới vào sản xuất làm cho sản lượng lương thực có hạt của huyện không ngừng tăng cao. Riêng năm 2009, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt 56.343 tấn, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất cả về quy mô, số lượng và an toàn dịch bệnh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 21% và tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần nghị quyết TW7 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

 

Với kết quả đó, lễ hội xuống đồng năm nay càng có ý nghĩa. Đây cũng là dịp để cổ vũ, động viên bà con tích cực thi đua lao động sản xuất, tăng cường bám ruộng lội đồng, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.