Tìm đời sống cho thơ

08:43, 25/02/2010

Ngày thơ Việt Nam đã dần trở thành một sinh hoạt văn hóa quen thuộc của những người làm thơ và yêu thơ. Nhưng để thơ có được một đời sống trong lòng công chúng hôm nay là điều không dễ

 

Năm nay là năm thứ tám Ngày thơ Việt Nam (28/2) được tổ chức.

 

Ngày thơ Việt Nam năm nay, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sẽ là một đại lễ hội thơ ca với những hoạt động độc đáo chưa từng có nhằm tôn vinh thơ và bày tỏ lòng yêu thơ của người Việt.

 

Cảm thơ phải bằng âm điệu, ngôn từ

 

Đại lễ hội thơ ca lần này được tổ chức trong một không gian rộng lớn, mở màn là Ngày thơ tại Hưng Yên (đã diễn ra vào mùng 6 tháng giêng), sau đó đến các tỉnh, thành: Quảng Ngãi, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Thọ, Phú Yên...

 

Điểm nhấn quan trọng của ngày thơ theo ban tổ chức sẽ là những hoạt động độc đáo diễn ra tại 3 TP lớn: TPHCM, Huế và Hà Nội.

 

Được tổ chức sớm hơn mọi năm, triển lãm thơ diễn ra trong 3 ngày, từ 26 đến 28/2 (13 đến 15 tháng giêng) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Mở màn là Sân thơ quốc tế với sự  tham dự của các nhà thơ quốc tế, các dịch giả nước ngoài.

 

Chiều 27-2, những người yêu thơ sẽ được chứng kiến màn rước lửa thiêng từ Đền Thượng (Đền Hùng) để thắp lửa tại Văn  Miếu vào sáng 28/2, cùng lễ rước Chiếu dời đô.

 

Bên cạnh các hoạt động đọc thơ, ngâm thơ và nhiều màn trình diễn của Sân thơ trẻ, khách thơ cũng được thưởng thức một không gian đặc biệt, trưng bày những câu thơ đã được nung qua lửa, khắc trên các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.

 

Lần đầu tiên, trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám, 550 bình gốm, đĩa gốm, lọ gốm khắc những câu thơ được bày chật kín khu vực hồ Thiền Quang trước cổng nhà Thái Miếu.

 

Sản phẩm được coi là kỳ công không kém cũng sẽ trưng bày trong ngày thơ là 15 chiếc bình gốm cao 75 cm khắc 15 bài thơ thời Nguyễn với nguyên bản chữ Hán, phần dịch ra tiếng Việt và phần dịch thơ tiếng Anh.

 

Cuộc trưng bày công phu này do nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai và một nhà thơ Mỹ dịch miệt mài suốt trong dịp Tết vừa qua.

 

Được chờ đợi nhiều nhất là sân thơ chính với chủ đề Vườn thơ trăm miền có sự hội tụ của 65 cây thơ từ 63 tỉnh, thành đặt dọc lối vào khu Văn Miếu...

 

Nhà thơ Trần Kim Hoa cho rằng thơ là thứ muôn đời để đọc bằng mắt, nghe bằng tai chứ không phải xem bằng mắt. Cảm nhận thơ phải bằng âm điệu, ngôn từ chứ không thể thay thế bằng những “trang phục” khác được.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng có chung quan điểm này khi cho rằng trình diễn thơ cũng là một hình thức đưa thơ đến với khán giả nhưng bản chất của thơ ca là phải đọc một cách lặng lẽ trong không gian yên tĩnh để những vần điệu đẹp có thể vang lên trong tâm hồn người nghe.

 

Theo ông, quan niệm trình diễn thơ để đem đến sự sống còn cho nghệ thuật này của nhiều nhà thơ trẻ là rất sai lầm. Ở nước ngoài, các nhà thơ rất ít trình diễn, đặc biệt là trình diễn với quá nhiều đạo cụ.

 

Còn lại gì sau ngày thơ?

 

Tổ chức hoành tráng, hàng ngàn khách thơ đủ cả gái trai, già trẻ chen chân thưởng ngoạn những màn trình diễn, những vần thơ hay. Thế nhưng, sau ngày Tết Nguyên tiêu sôi nổi, thơ lại trở về trạng thái trầm lặng của mình. Có thể là quá kỳ vọng nhưng những người yêu thơ mong muốn ngày hội thơ có tác động tích cực đến đời sống của thơ.

 

Hiện nay, vẫn có hàng trăm tập thơ của các nhà thơ tên tuổi và người làm thơ được xuất bản mỗi năm nhưng công chúng vẫn thờ ơ với thơ. Trước đây, thơ có điều kiện đi vào đời sống xã hội nhiều, thông qua những tác phẩm âm nhạc nhưng nay ca khúc phổ thơ cũng trở nên quá hiếm hoi. Hình như thơ ngày càng không tìm được tiếng nói chung với âm nhạc, không tìm được sự chia sẻ của công chúng?

 

Nhà thơ Trần Kim Hoa cho rằng việc làm thay đổi thái độ đối với thơ ca của công chúng là chuyện lâu dài chứ không phải một sớm một chiều.