Triển lãm Thơ nung trên gốm sứ

08:31, 28/02/2010

Chiều qua  (27/2) tức ngày 14 tháng Giêng, triển lãm Thơ in trên gốm sứ đã khai mạc tại Văn Miếu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động chính thức nằm trong khuôn khổ Lễ hội Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

Triển lãm đã trưng bày 15 chiếc bình gốm sứ Bát Tràng cỡ lớn in 15 bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng từ xưa đến nay như: Từ Đạo Hạnh, Mãn Giác Thiền sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Chí Minh...

 

Theo ông Vũ Đức Thắng, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng cho biết, 15 chiếc bình gốm sứ cỡ lớn được in thơ trên 4 mặt, với 4 thứ tiếng gồm: tiếng Hán, tiếng Hán nôm, tiếng Việt và tiếng Anh. Trên bình còn in hoa văn và phong cảnh của các di tích nổi tiếng của Hà Nội như: Tháp Rùa, Chùa Một Cột, Ô Quan Chưởng, Cột Cờ, và một số phong cảnh thiên nhiên đất nước. Những chiếc bình cũng thể hiện được cảm xúc của nhà thơ và cả của người làm gốm.

 

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày gần 600 chiếc bình gốm sứ, lọ hoa, đĩa sứ cỡ nhỏ in 55 câu thơ hay của các nhà thơ đương đại Việt Nam. Bên cạnh đó, triển lãm cũng sẽ trưng bày 2 cây đèn gốm sứ cao 2m, 1 lư hương gốm sứ lớn nhất Việt Nam, 2 chiếc bình gốm sứ, 2 chiếc chum đặc biệt có hoa văn men màu đỏ do nghệ nhân làng Bát Tràng chế tác.

 

Nhận xét về triển lãm Thơ in trên gốm sứ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết: “ Thực ra, thơ khắc trên gốm đã có từ rất lâu đời, và có ở nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, nhưng đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đây là nét mới của lễ hội Ngày thơ Việt Nam năm nay nên tôi cảm thấy rất phấn khởi. Đây là một cách khác để giúp công chúng thưởng thức thơ. Công chúng được đọc thơ, được nghe thơ, giờ họ lại có cơ hội ngắm thơ trong một tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, cách in thơ trên gốm cũng là một cách lưu giữ và truyền bá thơ cho nhiều thế hệ sau. Tuy nhiên, không gian trưng bày dành cho triển lãm Thơ trên gốm sứ không được lớn lắm, và chỉ in 55 câu thơ trên gần 600 sản phẩm gốm sứ thì hơi ít. Các câu thơ bị lặp lại nhiều lần trên nhiều sản phẩm gốm, trong khi đó còn rất nhiều câu thơ hay của nhiều tác giả đáng để giới thiệu đến công chúng thì lại chưa được sử dụng.”

 

Theo nhà thơ Đỗ Trung Lai, thành viên Ban tổ chức Ngày thơ VN 2010, sau khi trưng bày tại Ngày thơ VN ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 15 chiếc bình gốm sứ lớn sẽ được đưa vào Bảo tàng Nhà văn Việt Nam. Còn các sản phẩm gốm sứ in thơ sẽ được bán cho độc giả yêu thơ.

 

Trưa ngày 14 tháng giêng, Hội Nhà văn VN sẽ làm lễ dâng hương tại chùa Quán Sứ để tưởng nhớ các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.

 

Tối 27/2 (14 tháng giêng), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra đêm chung kết thơ sinh viên của 4 trường đại học ở Hà Nội và Thái Nguyên. Sáng mai 28/2 (tức ngày 15 tháng giêng), Ngày thơ Việt Nam 2010 sẽ chính thức khai mạc với sân thơ chính, sân thơ trẻ và vườn thơ đất nước với 63 cây thơ của 63 tỉnh, thành trên cả nước.