Vị tướng tâm hồn nghệ sỹ

08:34, 13/02/2010

Giữa không gian yên ả se lạnh đầu xuân, tiếng đàn của Đại tướng vang ngân. Tôi lặng ngắm vị Đại tướng lừng danh đang đắm mình trong giai điệu tuyệt vời của nhà soạn nhạc thiên tài…

 Năm 2010, Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta, người mà ngay cả tướng Mỹ Oét-mo-len cũng phải ngợi ca là “Tướng huyền thoại” (Legendary Gerneral Giap), “một thiên tài quân sự kiệt xuất của người Việt”, danh tướng thế giới của thế kỷ XX, tròn 100 tuổi ta. Ngày mừng thượng thượng thọ ấy hẳn vui biết chừng nào. Với tôi, dù thời gian cứ trôi, vẫn mãi xanh ký ức mùa xuân năm ấy - hơn một giờ với một vị tướng tâm hồn nghệ sĩ.

 

Đó là vào 9 giờ sáng ngày 28/1/1973. Hồi đó tôi tròn 30, làm biên tập viên Văn nghệ Đài TNVN, tham gia viết thuyết minh và truyền thanh trên sóng của Đài bộ phim tài liệu “Trường Sơn - một cung đường” do nhà văn Thép Mới viết kịch bản, nghệ sĩ Nguyễn Tự đạo diễn kiêm quay phim. Cùng vào gặp Đại tướng còn có nhà báo Nguyễn Trung, nhà báo Ngọc Thọ - phụ trách chương trình phát thanh Thanh thiếu nhi của Đài TNVN.

 

Trước khi vào làm việc với Đại tướng, tôi đã xem phim và nghiên cứu kịch bản rất kỹ. Trong phim, nhiều cảnh quay Đại tướng đi thị sát chiến trường, trong đó có trường đoạn Đại tướng đứng trước một đơn vị vận tải trong cánh rừng xăng lẻ ở Trường Sơn chuẩn bị xuất phát vào mặt trận phía Nam. Hàng quân tràn đầy khí thế, mũ tai bèo, dép lốp… Cánh rừng rợp xanh cây lá, thân cây vươn thẳng như hoà cùng lòng người chiến sĩ.

 

Đại tướng xuất hiện trong bộ quân phục màu xanh sẫm, đội mũ cối, giản dị mà oai phong. Vị Tư lệnh đưa mắt nhìn khắp đoàn quân, rồi cất tiếng chúc sức khoẻ các chiến sĩ, nhấn mạnh tầm quan trọng của hậu cần, đưa lương thực, thuốc men, khí tài đạn dược tiếp sức cho các đơn vị chiến đấu. Gian khổ vô cùng, bom đạn giặc cày xới dữ dội suốt ngày đêm trên khắp tuyến đường, nhưng với truyền thống bộ đội Cụ Hồ: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, nhất định chúng ta phải đi tới thắng lợi cuối cùng. Đấy là ý chính trong lời huấn thị của Đại tướng. Sau đó hàng quân rùng rùng chuyển động...

 

Lời Đại tướng nói trước hàng quân, nhà văn Thép Mới đã chép lại, ngắn gọn, súc tích, chừng hơn 2 phút. Nhiệm vụ của tôi là ghi tiếng nói của Đại tướng vào máy ghi âm để lồng vào cảnh phim. Đại tướng nhìn qua văn bản một lần rồi nhẹ nhàng hỏi: “Đã ghi âm được chưa?”. “Dạ, đã sẵn sàng ạ!” - Tôi thưa rồi bấm nút ghi, băng bắt đầu chạy. Tất cả yên lặng. Đại tướng cất tiếng. Ghi xong ông nói: “Mở lại ta cùng nghe”. Nghe xong, ông hỏi tôi: “Đồng chí thấy thế nào, vừa ý chưa?”. Tôi thành thực: “Dạ, tốt lắm ạ! Nhưng ý đồ đạo diễn là khi Đại tướng dứt lời, bản hành khúc “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối sẽ vang lên hùng tráng theo những đoàn xe băng băng xuyên qua những cánh rừng trùng điệp. Hành khúc thế này ạ: Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn… / Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình… Nhịp điệu mạnh mẽ, thôi thúc. Xin Đại tướng đọc lại lần thứ hai, nhất là đoạn cuối. Đoạn này tiếng Đại tướng gắn với các đoàn quân đang hành tiến, âm lượng cao hơn một chút cho thật khí thế ạ!”. Đại tướng mỉm cười ý nhị: “Thế thì tôi đọc lại theo như yêu cầu của các đồng chí”. Đại tướng đọc lần thứ hai. Tôi tua băng để Đại tướng nghe lại. Lời Đại tướng vừa dứt, tất cả anh em chúng tôi không ai bảo ai cùng vỗ tay. Đại tướng mỉm cười nhìn tôi: “Đồng chí định truyền thanh phim này trên sóng à?”. “Dạ thưa, đây là một hình thức “xem phim bằng tai”, phát trên làn sóng Đài TNVN đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là với bộ đội ta trong Trường Sơn”. Ông mỉm cười: “Tốt đấy! Thế là công việc của chúng ta đã xong. Giờ mời tất cả ăn mứt, uống trà, chào mùa xuân mới sắp đến. Nhà tôi chuẩn bị rồi mà. Hà (phu nhân Đại tướng - PV), em mang mứt ra đây”. Tất cả vui vẻ ngồi vào bàn.

 

Dinh Đại tướng nằm trong khuôn viên trên đường Hoàng Diệu, sáng nay tĩnh lặng lạ thường. Nhấp ngụm trà, tôi mạnh dạn: “Thưa Đại tướng, biết Đại tướng lúc rảnh thường chơi đàn piano. Trong không khí này, Đại tướng có thể vui cho anh em chúng tôi nghe một bản nhạc được không ạ?”. “Được thôi. Các đồng chí muốn nghe bản nhạc gì nào?”. “Dạ, bản “Xô nát ánh trăng” của Beethoven”. Đại tướng tiếp lời: “Bản nhạc mà Lênin rất thích phải không?”. Đại tướng cười, nụ cười thật trìu mến, rồi thư thái đến ngồi trước cây đàn dương cầm. Và chỉ phút sau, giữa không gian yên ả se lạnh đầu Xuân, tiếng đàn của Đại tướng vang ngân. Tôi lặng ngắm vị Đại tướng lừng danh đang đắm mình trong giai điệu tuyệt vời của nhà soạn nhạc thiên tài…

 

Tướng Giáp đấy! Kiến thức văn học sử hồi đại học bỗng ùa về. Sinh ngày 25/8/1911 trong một gia đình nhà Nho. Từ làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, chớm tuổi thanh niên, chàng trai làng cát đã đi theo cách mạng. Ngày 22/12/1944, trên chiến khu Trần Hưng Đạo Việt Bắc, chàng cử nhân Luật trẻ tuổi, anh giáo dạy sử trường tư thục Thăng Long - Hà Nội thuở nào mới ngoài 30 tuổi đã được Bác Hồ chỉ định làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân với 34 chiến sĩ trẻ, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này. Chỉ 34 chiến sĩ với 2 cây súng thập (súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Thế mà 3 ngày sau, ngày 25/12/1944, đã làm nên 2 trận thắng lịch sử Nà Ngần, Phai Khắt hoảng vía quân thù.

 

Người nghệ sĩ đang đắm mình cùng phím đàn kia chính là vị Tướng kiên cường chỉ huy quân dân Hà Nội suốt 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô vào mùa đông năm 1946, bảo toàn lực lượng lên chiến khu mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Dòng nhớ trôi chảy trong đầu… Ngày 28/5/1948, trong cuộc kháng chiến chống giặc Pháp đang thời kỳ ác liệt, ông lúc đó mới 37 tuổi được phong hàm Đại tướng, vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau này, nhân đợt phong tướng cho một số sĩ quan ưu tú của quân đội, trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài về việc dựa vào đâu, vào tiêu chuẩn nào để phong hàm tướng cho một lúc nhiều người như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ai đánh thắng đại tá thì phong đại tá, ai đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, ai đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng”. Câu trả lời giản dị mà đầy thuyết phục.

 

Giờ đây, vị Đại tướng đầu tiên của quân đội Việt Nam anh hùng, người được tướng lĩnh quân đội ta gọi thân mật là “Anh Văn”, “Tư lệnh của tư lệnh”, “Chính uỷ của chính uỷ” gương mặt ngời sáng, ánh mắt nồng say đang đắm đuối với âm nhạc, không còn là vị tướng quyết đoán từng trải qua bao binh lửa, đã làm nên trận Điện Biên chấn động địa cầu năm nào. Bên đàn chỉ là một nghệ sĩ, đôi tay mềm mại lướt trên những phím đàn, vang lên tiếng nhạc huyền diệu, lắng sâu, xao động trái tim người. Giai điệu bản “Xô-nát ánh trăng” thấm đẫm suy tư, tràn đầy lãng mạn dừng lại lúc nào tôi không biết, bởi lòng tôi cứ miên man, miên man…

 

Đại tướng dẫn chúng tôi ra khu vườn phong lan ngay trong dinh. Vừa đi ông vừa nói xuất xứ của từng loại hoa. Dàn hoa này mang về từ bên Lào, dàn hoa này là từ Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, từ cánh rừng này, cánh rừng kia ở đông Trường Sơn, ở tây Trường Sơn… “Tôi thích hoa phong lan lắm, nên đi đâu, thấy những khóm hoa đẹp là mang về. Sau này hoà bình, có điều kiện, đây sẽ là một vườn sinh thái toàn phong lan”. Ông say sưa nói về vẻ đẹp từng loài hoa lan tinh tế, sành điệu như một nhà sinh vật cảnh lão luyện. Tôi lặng ngắm. Đại tướng lúc này, dáng vẻ ung dung, khoan hoà lạ thường, chỉ có hoa và những kỉ niệm. Ôi, hình như cuộc chiến khốc liệt Tháng Chạp 1972, giặc Mỹ cho cả pháo đài bay B.52 tàn phá dữ dội Thủ đô ta, chúng đã thất bại thảm hại, và trận “Điện Biên Phủ trên không” đã khẳng định “Dáng đứng Việt Nam” tạc vào thế kỷ. Sự kiện ấy xảy ra cách hôm nay chưa đầy tháng mà như đã trôi vào thời quá vãng xa xôi… Đại tướng vẫn nhỏ nhẹ nói chuyện về hoa, ánh mắt có những đốm nắng từ các vòm hoa lộng lẫy sắc màu nhảy nhót…

 

Đi bên cạnh Đại tướng, tôi mạnh dạn hỏi: “Thưa Đại tướng, hôm qua 27/1/1973, Mỹ đã phải ký hiệp định hoà bình với ta. Đất nước vẫn còn chia cắt hai miền, tình hình cuộc chiến sẽ ra sao?”. Đại tướng nói: “Quân dân ta đã làm theo lời Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút”, từ nay là thực hiện nhiệm vụ “đánh cho Ngụy nhào”. Đất nước nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà”. Tôi lâng lâng nghe từng lời Đại tướng.

 

Trước khi chia tay, chúng tôi đề nghị được chụp ảnh chung với Đại tướng. Ông cười, đôi mắt cũng cười, đôn hậu, bao dung. Đồng chí thư ký gài quân hiệu Đại tướng lên ve áo cho ông rồi mang máy ảnh tới. Thật bất ngờ, Đại tướng cầm máy, chọn góc độ, chỉnh ống kính, đưa lại cho đồng chí thư ký rồi vào đứng giữa cánh nhà báo chúng tôi. Bức ảnh đen trắng cách đây 37 năm tôi vẫn bày ở vị trí trang trọng trước bàn làm việc của mình, và hôm nay, gần bốn thập niên đã qua, tôi viết mẩu chuyện nhỏ về người Anh Cả của lực lượng vũ trang, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Với tôi, dù thời gian cứ trôi, vẫn xanh mãi ký ức của mùa xuân năm ấy - hơn một giờ với một vị Đại tướng lừng danh, một tâm hồn nghệ sĩ./.