Bàn giải pháp quy hoạch cụm di tích Cầu Muối

15:27, 31/03/2010

Ngày 31/3, tại UBND xã Tân Thành, UBND huyện Phú Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã để bàn giải pháp quy hoạch, phát triển và khai thác giá trị của cụm Di tích lịch sử: Đình - Đền - Chùa Cầu Muối.

 

Đình - Đền - Chùa Cầu Muối nằm cách trung tâm huyện 10km, nằm trên 3 quả đồi cao rợp bóng cây xanh, rộng khoảng 8ha, thuộc 2 làng Na Bì và Cầu Muối. Theo nội dung văn bia khắc trên cây hương đá tứ diện “Linh Sơn tự” của Chùa cho biết: Cụm Di tích này được xây dựng từ năm 1719, đời vua Lê Dụ Tông. Đình Cầu Muối thờ Thành Hoàng làng là Cao sơn Quý Minh Đại Vương (Dương Tự Minh); đền Công Đồng thờ mẫu Liễu Hạnh, đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn; chùa thờ Phật. Hiện, Cụm Di tích này còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, quý hiếm mang phong cách nghệ thuật qua các triều Lê - Nguyễn, gồm: 1 cây hương đá được lập vào năm 1719, 1 chiêng núm đồng, 1 chuông nhí đồng, 1 giá văn tế, 1 nhang án, 1 ngai thờ, 1 cối đá, 5 bát hương gốm cổ, 28 pho tượng, chân đèn và nhiều đồ thờ có giá trị khác.

 

Cụm Di tích này không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá của nhân dân trong vùng mà còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử của xã và huyện Phú Bình. Năm 1948, Đình - Đền - Chùa Cầu Muối là nơi dạy chữ quốc ngữ xóa nạn mù chữ cho nhân dân địa phương; năm 1950, Đại đoàn 308 đã đóng quân tại đây; một số đơn vị quân đội cũng đã chọn nơi đây làm việc và hội họp. Ngoài ra, cụm Di tích này còn là nơi cất dấu lương thực của huyện Phú Bình năm 1951; Sư đoàn 304 đóng quân huấn luyện quân tăng cường cho chiến trường miền Nam phục vụ kháng chiến chống Mỹ từ năm 1969-1970 và đã đặt một số bộ phận chỉ huy tại đình, chùa Cầu Muối.

 

Năm 2005, cụm Di tích này đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện, cụm Di tích này đang được các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Phú Bình làm hồ sơ để được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

 

Những năm gần đây, cụm Di tích này đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, làm lễ. Năm 2005, số tiền công đức được tại cụm Di tích mới đạt 45 triệu đồng thì chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2010, số tiền công đức nơi đây đã được trên 720 triệu đồng.

 

Để Cụm Di tích này phát huy được hiệu quả cả trên lĩnh vực chính trị, văn hoá - xã hội và kinh tế, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề có liên quan, trong đó nhấn mạnh đến việc: Chính quyền địa phương cần sớm hoàn chỉnh việc lập quy hoạch và mở rộng diện tích Cụm Di tích; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Cụm di tích; động viên, tuyên truyền nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tấm lòng hiếu khách; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là vào dịp đầu và cuối năm; nên kết hợp với một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh mở thành tuor du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với văn hoá, tâm linh…