UBND xã Tân Đức (Phú Bình) vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với cụm di tích chùa - nghè Hản.
Cụm di tích chùa - nghè Hản có từ thời nhà Lê. Chùa đã qua nhiều lần tu bổ và nâng cấp, hiện còn lưu giữ được 3 pho tượng tam thế cổ làm bằng gỗ sơn son thếp vàng theo điêu khắc nghệ thuật thời Lê. Trước Cách mạng tháng 8-1945, chùa là nơi thờ cúng của nhân dân trong vùng theo đạo Phật. Sau Cách mạng tháng 8, chính quyền địa phương thành lập chưa có trụ sở, chùa được chọn là nơi làm việc của Uỷ ban Hành chính kháng chiến xã Đức Dương từ năm 1946-1947. Từ năm 1947-1948, chiến tranh mở rộng, có nhiều thương binh được đưa về chùa Hản để điều trị, chùa trở thành bệnh viện. Trước đây, chùa được xây dựng theo hình chữ công (I), đến năm 1951, do bị giặc Pháp ném bom, chùa hư hỏng nặng nên đã được tu bổ lại theo hình chữ đinh (T), gồm 5 gian phía trước và 4 gian tam bảo. Đến năm 1997-1998, chùa tiếp tục được tu bổ, nâng cấp. Đến nay, cảnh chùa khá khang trang, bài trí nội thất cũng gần được như cũ. Vào ngày rằm, mồng một hàng tháng, hơn 200 cụ bà thuộc 5 xóm quy tại chùa lại đến chùa lễ Phật.
Cách chùa 120m về phía Đông Nam là nghè Hản. Tương truyền, từ thời xa xưa, trong vùng có một bà mẹ sinh được 3 người con trai khoẻ mạnh, thông minh và tài giỏi. Khi giặc ngoại xâm đến, 3 người con đều xung phong ra trận và lập được nhiều chiến công. Các con của bà khi mất được phong thần, thờ ở 3 ngôi đình là An Mỹ, Phi Long, Phục Hổ. Riêng bà được phong là Đức Thánh Mẫu thờ tại nghè Hản, nên nghè có tên là nghè Mẫu. Nghè Mẫu được thờ ở giữa; 3 người con được thờ ở 3 đình xung quanh: Đình An Mỹ ở phía Bắc, đình Phục Hổ ở phía Đông Nam, đình Phi Long ở phía Tây Nam so với nghè Mẫu...