Có một Lễ Cầu an rất khác tại Hội An

14:29, 02/03/2010

Như thường lệ, cứ sau Tết Nguyên đán, phố cổ Hội An bước vào một loạt các chương trình văn hóa, lễ hội đặc sắc như Lễ hội đèn lồng, Lễ hội Tết nguyên tiêu… Trong đó, được người dân và du khách quan tâm nhiều nhất vẫn là Lễ Cầu an đầu năm.

 

Bên cạnh các Lễ hội Cầu an thường được tổ chức tại các đình, chùa, hội quán lớn vào thời điểm sau Tết nguyên đán mà bất cứ ai đến Hội An cũng đều biết đến. Tại Hội An, có một Lễ Cầu an khác, rất dung dị, đặc sắc, gắn liền với bao thế hệ con người Hội An mà ít ai có dịp chứng kiến, tận hưởng cái “chất” của con người Hội An. Đó là Lễ Cầu an “xóm”. “Có lẽ gọi vậy cho đơn giản, vì không biết phải gọi thế nào”, một cụ cao niên vui vẻ nói.

 

Cụ ông La Vĩnh Diệu, một bậc cao niên “thất thập”, trú số 16 Nguyễn Thái Học, TP Hội An cho biết: “Gọi là gì cũng được, Lễ Cầu an xóm, Cầu an đường….hay tục cúng đầu năm cũng được. Nhưng mục đích, ý nghĩa của nghi lễ là rất rõ ràng. Đây là dịp để tất cả bà con trong xóm, trong ngõ có dịp ngồi lại với nhau, chia sẻ sản vật đầu năm của đất trời. Đồng thời báo cáo với tất cả chư vị thần linh, thành hoàng thổ địa cai quản vùng đất các công việc trong một năm qua. Và cầu xin cho một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa cho tất cả mọi người trong ngõ, xóm.

 

Cũng giống như các vùng đất khác tại miền Trung. Tại Hội An, cứ sau Mùng 3 Tết, các xóm, ngõ, đường trên khắp TP Hội An đều thực hiện nghi lễ này với một ngày và giờ ấn định cho đến hết Tháng Giêng. Nghi lễ này  được duy trì hàng năm bằng công sức chung của mọi người trong xóm, như thể hiện lòng thành của người dân đối với các chư vị thần linh”.

 

Một mâm thờ gồm 3 bàn được xếp từ thấp đến cao ngay giữa xóm. Các vật cúng cầu an gồm sản vật người dân làm ra được. Bên cạnh hoa quả, bánh trái, khoai, sắn, xôi, thịt, cá, tôm… lễ vật còn có thành hoàng bằng giấy và 2 mâm tiền vàng. Tất cả lễ vật được bày biện thành 3 mâm thượng - trung - hạ…Và quan trọng nhất là Lễ cúng Cầu an “xóm” luôn có Long Chu (thuyền rồng) làm bằng giấy rất đẹp. Trên thuyền đặt một bát hương, một đôi đèn sáp, đĩa đồ mặn gồm: trứng gà, tôm cua, khổ thịt… những sản vật người dân làm được, nhằm cúng tế cho thần sông nước.

 

Nghi lễ của Lễ cúng Cầu an bắt đầu bằng việc cúng khấn của bậc cao niên trong xóm, người được xóm tín nhiệm bầu ra để kính cáo lên các chư vị. Tiếp đến là các hộ trong xóm, từng người một thắp nén nhang kính cáo trước bàn thờ thành hoàng, thổ địa với ước nguyện một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa.

 

Tâm điểm của nghi lễ là hoạt động rước Long Chu ra sông Hoài, được người dân và trẻ em thích thú, tham gia nhiều nhất. Long Chu được 4 thanh niên trai tráng trong xóm vác lên vai rước ra sông. Trên quãng đường từ bàn thờ cúng ra đến sông, đi đến đâu, người dân bên đường đều bỏ tiền vào thuyền, cùng những lời cầu chúc cho một năm mới an lành.

 

Trong đó, không ít trẻ em, dùng tiền lì xì của mình bỏ vào thuyền cùng với lời nguyện cầu một năm mới mạnh khỏe, an lành. Lễ rước Long Chu được kết thúc bằng việc thả Long Chu trên sông Hoài, như một nghi lễ thể hiện lòng thành của người dân thôn xóm với đất trời, với các chư vị thành hoàng, thổ địa, thần sông, thần suối cai quản vùng đất.

 

Sau khi nghi lễ kết thúc, các sản vật được mang ra để mọi người cùng nhau thưởng thức. Gia đình nào không tham dự đều được chia lộc mang đến tận nhà. Cụ ông La Vĩnh Diệu cho biết thêm: “Lễ Cầu an xóm có từ bao giờ tôi cũng không biết. Tôi sinh ra đã có, các cụ đi trước cứ vậy truyền lại cho thế hệ sau và thế hệ tôi sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau nữa. Nghi lễ cúng cầu an như một phần trong cuộc sống tinh thần của người dân Hội An. Nó giúp mọi người gắn kết với nhau, góp phần gìn giữ nét văn hóa riêng của người dân phố Hội khi mà văn hóa đô thị hóa đang thâm nhập ngày càng sâu vào mỗi nếp nhà cổ Hội An”.