Cổ - kim khi luận về vẻ đẹp của tự nhiên thường nhắc đến mùa xuân, mùa khởi đầu cho một năm với nghĩ suy hướng thiện. Ngay cả những vần vũ của tự nhiên cũng được ví là giọt mưa xuân, giọt nắng xuân hay như lọn gió đầu xuân vô tình cũng làm hây hồng đôi má người sơn nữ.
Mùa xuân đẹp, có ai phủ nhận đâu, vì thế cả nhân loại này khi xuân sang đều bày lên ban thờ tổ tiên những sản vật quý để tạ ơn trời, đất. Người Việt
Cả trăm năm nay, chè Thái Nguyên đã khắc họa trong tâm trí người dân đất Việt về một thứ ẩm thực gần gụi với cuộc sống mỗi gia đình, đó là thú thưởng trà. Nhưng phàm khi pha uống có thói quen tráng trà, song như thế là phụ công người đổ mồ hôi bên lửa củi để làm ra từng ấm trà ngon. “Làm thế cho sạch”, nói vậy là chưa hiểu nhiều lắm về trà. Vì đã là trà móc câu hay trà bồm cũng đều được thu hái ở tầng ngọn, cả đêm trước búp, lá hứng sương trời để ngày sau quang hợp ánh sáng sản sinh ra chất ta nanh... khi uống thấy chát đắng, ngay sau đó cảm nhận được vị ngọt lan toả từ cuống dạ dày dốc ngược lại bờ môi. Nhìn chén trà long lanh tựa mắt nai, lòng cảm nhận như giọt mùa xuân còn đọng lại, thầm tự hào quê tôi có trà ngon.
Đêm thanh, gió vắng bên hiên nhà ngồi nhâm nhi chén trà, kẻ phàm phu cũng chợt thấy lòng thanh tao, thấy những bon chen đời thường hoá thành vô nghĩa. Tất cả rồi cũng trở về cát bụi, lại luân hồi với cuộc mưu sinh, như từng lọn búp xanh non trên ngọn cây chè, lặp lại sức sống mơn mởn giữa mùa nắng cháy hay mùa giá buốt của Đông sang. Vì lẽ ấy mà bao đời nay bậc tao nhân quân tử đã lấy trà làm tri âm tri kỷ. Riêng với người Thái Nguyên, dù có cách uống "ực khà" cả cốc lấy no của bác nông dân bên ruộng cày, hay kiểu nhẩn nha chiêu từng ngụm nhỏ của thi nhân, thì cũng là bạn của trà rồi. Bởi vùng đất trung du này trời, đất ban tặng cho cư dân đặc ân có thứ trà ngon, nổi tiếng đến mức trên dọc đường xuyên Việt, đâu cũng thấy có người bày bán chè Thái Nguyên. Nhất là thời kinh tế quốc tế hội nhập, chè Thái Nguyên có nhiều hơn những cơ hội toả hương đến các châu lục trên thế giới. Nhiều dòng họ thuộc vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) còn có cách giao bán chè qua đường hàng không, đường biển cho người sành trà bên nước Pháp, nước Mỹ thu về ngoại tệ.
Cũng trà ấy, dân mỗi nước lại có cách uống khác nhau. Người Nga thuộc xứ tuyết rơi dùng ấm Samavar, loại ấm luôn được ủ nóng có chứa hơn 1 lít nước lúc nào cũng đầy, bên cạnh còn có khay đựng những viên đường. Ở Nhật Bản có Trà đạo của Okakura Kakuro. ẩm trà của người Nhật trở thành một triết thuyết của thiền giới, một hình thức huấn luyện các trà đồ hướng về nẻo thiền lý, đi tìm chân, thiện, mỹ trong thế giới tĩnh tại và tự nhiên của tâm hồn. Bên Trung Quốc có Trà kinh, nghệ thuật uống trà được các bậc tiền bối chép lại trong hàng nghìn cuốn, trưng bày thành bảo tàng. ở đất nước hơn tỉ dân này người ta tự hào vì biết uống trà từ hàng nghìn năm nay. Thuở xưa, bậc quyền quý pha tra mời khách, còn với dân du mục trên thảo nguyên thì dùng sữa dê pha với trà uống như một vị thuốc... ở Trung Quốc còn có trà Vũ Di, loại trà mọc trên núi tuyết cao, hiểm trở, người thường không leo lên được nên đã nghĩ ra cách huấn luyện cho khỉ thu hái mang xuống núi, rồi chế biến ra thứ trà sánh như sữa. Nghe kể trà ấy uống vào làm người ta quên đi nỗi giận buồn, thông đạt tới diệu linh...
Còn ở Việt
Tuy nhiên trong mưu sinh nhọc nhằn của người dân vùng chè, các bậc cao niên khi uống trà, lúc nhã hứng thường nhắc về Trà xanh của Thạch Lam, Trà ướp hương của Cao Bá Quát. Trà ướp hương cũng đa chủng loại, như trà ướp hoa ngâu, hoa nhài, hoa sen... ngày nay còn có nhiều loại trà mới được bọc trong gói giấy nhỏ, gọi chung lại là trà nhúng. Song tất cả các loại trà được chế biến theo cách mới đều không vượt được thứ trà sao sấy truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Và từng câu ca dao Việt Nam cổ vẫn được ngâm nga bên bàn trà: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà mạn hảo xem nôm Thuý Kiều”, hoặc “Anh đây hay tửu hay tôm/ Hay nước trà đặc hay nằm ngủ trưa". Là vịnh cùng thơ mới cho vui, chứ uống trà đặc thì ai nằm ngủ trưa được.
Lại chuyện của thời các cụ: Rằng, thuở cây chè chưa nuôi nổi người, nhiều gia đình sau khi thu hái chè đã mang luộc, phơi khô, đóng bao bán gọi là chè mán. Chè này khi uống người ta dùng mảnh sành vỡ đặt cạnh bếp, bỏ vào đó nắm chè, cho nổ lách tách mới pha mời khách, uống đỡ tanh nước. Có người công phu sau thu hái, sao cho chè héo đi rồi nhồi vào ống nứa tươi, lèn thật chặt, khi dùng thái từng khúc như khoanh giò, pha uống... Nhưng phổ biến nhất vẫn là cách sao suốt bằng chảo gang, loại chè này được người dùng ưa chuộng, tết nhất mua biếu cha mẹ già để tỏ lòng hiếu kính.
Có lẽ vì làm ra được một ấm trà ngon rất công phu, nên trà cũng đỏng đảnh kén nước dùng, nên dân gian có câu: “Sơn thuỷ thượng/Giang thuỷ trung/Tĩnh thuỷ hạ”, tức phải lấy nước pha trà ở đầu nguồn sông, suối hoặc nước giếng khơi. Chuyện này ví như cô gái đẹp phải được sánh cùng giai nhân quân tử, còn ấm, chén cũng chỉ là thứ đồ dùng phục vụ cho thú uống trà. Còn chơi ngông trong giới ẩm trà của dân châu Á phải kể tới vị vua Hán Võ Đế (Trung Quốc), ông đã cho dựng một cột đồng cao 20 trượng, trên có tượng bằng vàng đưa tay hứng sương làm nước pha trà. Ôi! Cái thú ẩm trà cao siêu ấy thì các “đại gia” ngày nay, sành trà đến mấy cũng không dám theo. Mà vẫn giữ lề cốt vợ pha trà cho chồng, con pha trà mời cha... khi nhâm nhi chén trà còn có cái tăm ve vẩy trên miệng mà phân việc cho vợ, con. Cử chỉ này không có dòng họ nào truyền cho đời sau. Nhưng đã là dân biết thưởng trà thì vô tình đời con sẽ lặp lại cái nếp chân quê ấy.
Xin nói thêm về trà, thứ cây lá gắn bó, gần gụi với cuộc sống con người. Từ thuở lọt lòng, nhiều người mẹ đã pha trà lấy nước tắm cho con. Khi các cụ đến “ngày trăm tuổi”, con cháu lại thường dùng trà “lót áo” cho người khuất núi. Vâng! ấm trà là đầu câu chuyện, cư dân thị thành hay thôn dã đều có tục pha trà mời khách. Mà trà uống thấy ngon nhất là lúc thanh vắng hoặc khi gặp được bạn hiền để nhàn đàm thế sự. Một cầu kỳ của các bậc tiền nhân là dùng trà ướp trong đóa sen mới nở, hoặc lấy gạo sen ướp với trà, ủ trong chum. Sớm ra, lúc ông mặt trời chưa thức dậy đã vội bơi thuyền trên mặt đầm hứng lấy những giọt sương đọng lại trên lá sen, mang về làm nước pha trà.
Ở thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên, “ngày nảy ngày nay” có ông Mông Đông Vũ, Giám đốc Nhà văn hoá tỉnh, vì mê ẩm trà nên đã dành khá nhiều tiền để sưu tầm những bộ ấm, chén dùng pha trà. Nghe nói đến đầu năm 2010 này, ông Vũ đã có trong tay khoảng bảy, tám mươi bộ ấm chén gì đó, không biết có bao nhiêu bộ thật cổ, giả cổ, nhưng thời buổi con người đang sống với tốc độ công nghiệp, ít có thời gian tận hưởng trọn vẹn được hương vị của trà, mà dùng trà nhúng uống giải khát, vậy mà người đàn ông mang họ Mông ấy vẫn kỳ công sưu tầm với mong muốn khơi dậy một nét văn hoá ẩm thực độc đáo - Phong trà Việt. Hơn thế nữa, ông là một trong những người mê trà ở Thái Nguyên đã kỳ công nghĩ đến một ngày hội văn hoá trà đầy ấn tượng. Không chỉ tạo cho du khách đến Thái Nguyên có thêm cơ hội hiểu biết về phong trà Việt Nam, mà còn là cách tiếp thị trà với bạn hàng trong nước và quốc tế.
...Trong xốn xang của tiếng đàn tính và lời then mời gọi của ngày hội văn hoá trà. Ngồi xếp bằng chân trên chiếu hoa, nhìn gắm những sơn nữ có bờ vai mịn tròn, với đôi tay mềm pha trà, e ấp rót mời mà người thưởng trà vừa nhấp môi, đã thấy như cả bốn mùa còn đọng lại giọt xuân này.