"Hà Nội - Chiến lũy và hoa": Không thể cầu toàn!

08:35, 09/03/2010

Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội (HN) vừa có buổi tọa đàm về bức tranh sơn dầu khổ lớn (2,25m x 9,6m) mang tên Hà Nội - Chiến lũy và hoa của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn. Phác thảo bức tranh này ngay từ khi ra mắt lần đầu tiên đã làm nức lòng công chúng và đã đoạt giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2008.

 

Theo đó Hà Nội - Chiến lũy và hoa đã nhận được nhiều những ý kiến góp ý chân thành về một số chi tiết trong bức tranh.

 

Một số chi tiết nên sửa

 

“Bức tranh đã đưa đến cho công chúng những hình ảnh của đất nước chúng ta mà cụ thể là Hà Nội trong những năm chiến tranh ác liệt nhưng vẫn có những cảnh đàn hát rất thật được họa sĩ trình bày bên phải bức tranh tương đối hiệu quả - ông Hoàng Hiệp (Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy HN) nhận xét - Phần bên trái của bức tranh họa sĩ đưa cảnh của Hoàng thành Thăng Long vào khiến tôi phân vân một chút. Về ý tưởng thì rất tốt nhưng vì đưa vào quá nhiều, quá cụ thể thành thử hiệu ứng đối với người xem theo tôi là không cao. Một chi tiết nữa là chữ “CẢM TỬ” trên bức tranh, hiện nay qua thống nhất từ trung ương trở xuống đến địa phương, các phù điêu hay dù là trên một tác phẩm nghệ thuật đều phải ghi (viết, khắc) là “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” chứ không dùng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” nữa. Vì vậy, theo tôi bức tranh này muốn để lại dấu ấn cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long thì chi tiết này nên sửa lại”.

 

Họa sĩ Ngô Cao Giang, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật HN bày tỏ, ông không đánh giá cao hình tượng con chó ngồi chồm hổm trong tranh (vốn dĩ là con chó trong truyện Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng - PV) vì nhìn nó rất giống với chó sứ nhập từ Trung Quốc về bán ở ngoài chợ. Mảng Hoàng thành Thăng Long đưa vào tranh cũng có ý nghĩa nhưng bằng cách nào đó, họa sĩ hãy cho người xem hiểu được trong lòng Hà Nội có những thứ như thế thì bức tranh sẽ đẹp hơn nhiều.

 

Nhà điêu khắc Trần Thị Hằng (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật HN) nêu ý kiến: Cũng như một người mẹ đẻ ra một đứa con, để đi đến cái cuối cùng là cả một quá trình thai nghén. Tất nhiên, trong một tác phẩm, lẽ dĩ nhiên sẽ có một số lỗi chứ không thể cầu toàn được... Hà Nội - Chiến lũy và hoa đã đạt được mong muốn của tác giả là lột tả được phần nào cuộc chiến đấu của nhân dân Hà Nội trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu với thực dân Pháp xâm lược, cho thấy một minh chứng lịch sử: Hà Nội là đất nghìn năm, là mảnh đất của thẩm mỹ, cái đẹp của Hoàng thành, của thành thị buôn bán sầm uất, của những đền miếu linh thiêng... cùng với sự giao thoa văn hóa, kiến trúc đan xen, tạo nên một hỗn dung văn hóa vừa uyển chuyển nhưng vẫn độc đáo, riêng biệt.

 

“Tôi nghĩ rằng bức tranh đã hoàn thành, hoàn chỉnh. Bây giờ bảo họa sĩ sửa chỉ vì những chi tiết nhỏ thì theo tôi sẽ là rất khó chứ không hề đơn giản. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không sửa được. Theo tôi, chi tiết sửa được ở bức tranh này chính là khung tranh vì khung to quá nên thành thử tranh bị khung “nuốt” đi, giảm đi sự hoành tránh mà nó có”- bà Hằng nhận xét.

 

Mỗi chi tiết trong tranh là một câu chuyện

Trước câu hỏi có sửa tranh hay không? Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn cho biết: Bức tranh là câu chuyện ken dày các dữ liệu, các câu chuyện là tài sản 1.000 năm lịch sử để lại cho Hà Nội. Ở đây cái đẹp của trầm tích, hòa quyện văn hóa tạo nên sức sống của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến mà khi tìm hiểu, soi vào từng chi tiết nhỏ nhất, người ta cũng tìm thấy ở đó một câu chuyện, một thông điệp mang sứ mệnh lịch sử không chỉ có giá trị trong thời điểm 1.000 năm.

 

Trong cả một cuộc hành trình dài khó có thể có được những bước đi hoàn hảo. Thứ nữa là khi chúng ta sửa bất kỳ một chi tiết gì trên bức tranh nghĩa là ta chọn một giá trị này thay cho giá trị khác mà chưa chắc sự thay thế đó là tốt hơn hay xấu hơn. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng chữ “CẢM TỬ” trên bức tranh tôi sẽ không sửa vì đây là tình cảm của tôi dành cho cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đây là chính là đoạn diễn tả lại một cảnh trong tác phẩm Sống mãi với thủ đô của ông. Tôi hy vọng mọi người sẽ châm chước cho tôi - anh bày tỏ.

 

Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn cũng cho biết, với những chi tiết khác được góp ý, anh sẽ mang tranh về xưởng để cân nhắc xem có nên sửa theo hay không chứ chưa thể quyết định ngay.