Liên hoan hát Chầu văn khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất năm 2010 đã khai mạc tối qua 26/3 tại Thiền viện Trúc Lâm - Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hát Văn còn gọi là Chầu văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ, một tín ngưỡng dân gian có xuất xứ từ đồng bằng Bắc Bộ.
Tại liên hoan, các nghệ nhân đã biểu diễn những làn điệu Chầu văn truyền thống thể hiện sự tôn kính đối với các vị Thánh Mẫu và các vị anh hùng dân tộc.
Nghệ nhân Ngô Thuý Tăng chia sẻ, “Chúng tôi tham dự liên hoan là để giao lưu và muốn truyền lại các điệu chầu văn cho thế hệ nối tiếp. Cũng một câu từ ấy chúng tôi muốn làm sao người dân thấm được một cách nhanh nhạy kịp thời để ca ngợi Đảng quê hương và Bác nhớ lại những ông cha ta xưa kia đã có công đánh giặc và được tôn vinh.”
Liên hoan lần này có sự tham gia của các nghệ nhân tiêu biểu xuất sắc từ 09 tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Ông Nguyễn Bá Nhân, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị đăng cai tổ chức, cho biết mục đích của liên hoan là nhằm tôn vinh thánh mẫu được người dân thờ phụng khắp mọi nơi và các vị anh hùng dân tộc. Liên hoan cũng là dịp để giữ gìn và phát huy nghệ thuật hát văn truyền thống của dân tộc.
Hát Chầu văn là một di sản văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc, việc tổ chức liên hoan sẽ tạo điều kiện cho các nghệ nhân của các tỉnh trong khu vực giao lưu học hỏi và phát huy tiềm năng nghệ thuật của mình đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này.