Người lưu giữ tinh hoa dân tộc Dao ở Tân Lập

08:34, 07/03/2010

Tháng Giêng, trời xuân tràn đầy nắng ấm sau những ngày rét đến cắt da, cắt thịt. Thời tiết đã tốt hơn nhưng cụ Dương Văn Lý, 83 tuổi ở bản người Dao Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ) thì vẫn còn yếu lắm vì cụ vừa bị tai biến, phải nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện, nói không được tròn câu rõ chữ. Vậy mà khi nghe có người đến tìm hiểu về những cuốn sách cổ của mình, cụ ngồi ngay dậy, say sưa nói không ngừng nghỉ suốt 2 tiếng đồng hồ...  

Sách dạy người Dao làm điều tốt

 

Cụ Dương Văn Lý người dân tộc Dao là một trưởng bản lâu năm nhất của bản Dao quần chẹt Tân Lập. "Tài sản" lớn nhất hiện nay của cụ là người vợ đầu gối tay ấp 84 tuổi cùng 5 người con đều đã dựng vợ, gả chồng và những cuốn sách đen đúa, nhàu nhĩ viết bằng chữ Hán Nôm lưu lại tập tục của người Dao được lưu truyền từ đời cụ kỵ mà cụ Lý luôn nâng niu, gìn giữ. Dù rất mệt nhưng cụ Lý vẫn lò dò đi vào buồng, lạch cạch mở khóa chiếc hòm tôn mang ra mấy cuốn sách mà cụ đọc không biết bao lần từ thuở còn trẻ cho đến nay tóc đã bạc trắng. Đó là những cuốn sách được viết bằng chữ Hán Nôm có màu đen xỉn vì cũ, đủ các hình thù khác nhau, cuốn thì to bản, cuốn thì dài, cuốn bìa đen tuyền, cuốn lại được bọc bằng bao tải dứa... Cụ Lý say mê nói về cuốn "Tết nhảy" (cuốn được rất nhiều người Dao thông thuộc). Cuốn sách này hướng dẫn người Dao tổ chức buổi lễ cầu cho mùa màng, cây cối tốt tươi, tổ tiên phù hộ con cháu làm ăn may mắn vào dịp đầu xuân năm  mới hay các dịp khao quân thắng trận... Cụ bảo: Mỗi dịp như thế các lễ đều diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, mọi người cùng nhau ca hát nhảy múa vô cùng hoan hỉ để cầu mong những gì tươi đẹp cho cuộc sống của mình..

.

Một cuốn sách được cụ Lý và nhiều người quan tâm nhất là cuốn "So tuổi". Đây là cuốn sách có kích thước lớn nhất trong số sách của cụ Lý, được lưu từ thời tam đại nhà cụ, cuốn mà "ai cũng cần xem "khi đến tuổi dựng vợ gả chồng". Bởi thế, không chỉ sở hữu cuốn sách này, cụ Lý còn kiêm luôn cả việc "xem tuổi” cho mọi người để biết tuổi này hòa hợp hay xung khắc với tuổi kia. Ngoài những chữ nghĩa trong sách, người xưa còn vẽ hình minh họa rất sinh động, chân thực, ví như so tuổi cho người chồng có mệnh thủy, vợ mệnh thổ là không hợp - thì sách có hình vẽ đàn chuột ăn hết của cải trong kho. Hay so tuổi chồng mệnh thổ, vợ mệnh kim là hòa hợp thì có hình vẽ đàn trâu dê gà chó đông đúc… Cụ Lý cho biết: Người dân trong bản và cả những người ở tận tỉnh Tuyên Quang đều tìm đến cụ nhờ “xem sách” để biết con cái họ chọn người yêu có hợp nhau hay "xung sát" (không hợp) để biết cách... cúng giải trước khi lấy nhau, như vậy cụ Lý lại tiếp tục mở cuốn sách khác để bày cho bà con cách cúng giải...

 

Khi chúng tôi hỏi cụ có tất cả bao nhiêu cuốn sách, cụ lắc đầu và nói không nhớ. Nhưng qua quan sát tủ và hòm tôn đựng sách của cụ, chúng tôi biết cụ dễ có đến hàng trăm cuốn sách và các cuốn sách đó đều có liên quan đến nhau, mỗi cuốn ghi lại một tập tục của dân tộc Dao, cuốn dạy hát giao duyên, cuốn dạy làm lễ khi trưởng thành, cuốn chỉ cách lập bàn thờ tổ tiên khi con cái tách cha mẹ đi lập gia đình, cuốn chỉ cách cúng ma chay, cưới hỏi... Ví như cuốn "Cấp sắc" (dạy cách làm các thủ tục công nhận người đàn ông Dao đã  trưởng thành), chỉ có đàn ông người Dao mới phải làm lễ cấp sắc, bất kể lứa tuổi nào. Cụ Lý bảo, ngày xưa chưa cấm tảo hôn thì con trai của bản đến tuổi 13-14 đã được cấp sắc, nhưng giờ theo quy định của Nhà nước thì chỉ cấp sắc cho người 18 đôi mươi trở lên. Theo sách thì thông thường một lễ cấp sắc cho một người đàn ông trưởng thành sẽ phải thịt khoảng 4 con lợn to trên 1 tạ, hoặc 5-6 con lợn chưa đầy tạ, lễ diễn ra trong 3 ngày 3 đêm - khá tốn kém, có khi bằng... nửa cái xe máy! Cụ Lý giải thích: Không làm cấp sắc cũng không sao nhưng theo phong tục, khi chết, lúc đưa ma những người chưa làm lễ cấp sắc chỉ được rải cầu bằng giấy dưới đất để ra khỏi nhà, trong khi những người được cấp sắc rồi thì được đục cửa, bắc một cái cầu cao đưa ra khỏi nhà, coi như được đưa lên trời. Cụ Lý cho rằng có đọc sách thì mới biết được, mới lưu truyền được phong tục tập quán của dân tộc mình, mới biết sống đúng bởi sách dạy cho người Dao mình làm điều tốt.

 

Lưu truyền cho thế hệ mai sau

 

Bố mất từ năm 9 tuổi, cụ Lý kế thừa số sách được truyền lại từ các đời trước, chưa biết chữ, cụ tự lần mò học lỏm chứ không được học thầy, học trường, rồi thông làu hàng chục cuốn sách, nắm rõ được các tập tục của dân tộc mình và truyền đạt lại cho bà con. Cả một hòm sách cổ nhưng chỉ còn 2 cuốn là nguyên bản (cuốn Tra chữ và cuốn Cấp sắc), vì vậy, dù đã 83 tuổi nhưng ngày nào cụ Lý cũng cẫn mẫn ngồi đọc và sao chép những cuốn sách Hán Nôm của mình, nhiều cuốn quá cũ và rách nát, cụ muốn sao lại để giữ được lâu hơn. 20 năm qua cụ đã làm như thế.

Cụ Lý mở cánh cửa tủ, trong đó xếp đầy các tập giấy dó dày, ráp và màu tối sẫm. Chị Lan, con dâu út của cụ cho hay: Những tờ giấy này cụ đặt mua tận Bắc Ninh, mua về cụ còn tẩn mẩn ép cho mỏng và phẳng rồi mới viết, viết xong lại kiếm những miếng bìa cứng, thậm chí cả bao tải dứa để làm bìa sách cho bền. Trong số các cuốn sách cụ Lý có, cuốn "Hát giao duyên" là cuốn sách cũ nhất, rách nát nhất, trong đó có hàng trăm bài hát, hát mấy đêm mấy ngày cũng không hết. Cụ tâm sự: "Ngày xưa tôi đọc và thuộc hết mấy cuốn sách hát giao duyên, để cưới được bà nhà tôi, cứ gặp nhau là tôi hát, tán nhau thì lấy hát giao duyên làm chính chứ không tặng vật chất hay nói lời mật ngọt như bây giờ. Bây giờ thì không ai học hát, chính các con tôi cũng không đứa nào quan tâm. Chủ yếu chỉ còn học cách cúng bái tổ tiên thôi".

 

Vậy nhưng cụ Lý vẫn miệt mài sao các cuốn sách bằng chữ Hán Nôm, kể cả cuốn sách hát đã quá nhàu nhĩ, rách nát mà cụ biết là ít người còn quan tâm, nhưng cụ muốn giữ lại, lưu lại, "để đứa nào muốn học thì có cái mà học”. Hiện cụ Lý đang sao 3 cuốn sách, mỗi cuốn cũng phải 2-3 tháng mới xong. Cụ đã sao được rất nhiều cuốn rồi, cả cho mình và cho người khác nữa, trong đó cuốn "Tết nhảy", cuốn "Hành tạp" (nôm na là Con đường làm lễ của người Dao - giống như cẩm nang gia đình) với được nhiều người nhờ sao nhất vì dạy và hướng dẫn từng bước xem lập bàn thờ thì thế nào, cúng tổ tiên ra sao, làm đám chay thế nào... Không ai bắt cụ phải làm công việc tỷ mẩn và mất nhiều thời gian, công sức này. Nhưng cụ thấy mình phải có trách nhiệm lưu truyền và gìn giữ cho lớp con cháu. Theo cụ, đây là một công việc yêu thích mà cụ sẽ làm cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay bởi thêm một người muốn tìm hiểu để gìn giữ phong tục tập quán của dân tộc mình là thêm một lần tinh hoa của người dân tộc Dao được lưu truyền cho các thế hệ mai sau.