Ra mắt Giáo phường ca trù Thăng Long

06:48, 24/03/2010

Vậy là, Câu lạc bộ ca trù Thăng Long do nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc thành lập hồi tháng 8/2006 tới nay đã được 4 năm. 4 năm qua là cả một chặng đường với nhiều canh hát cống hiến cho những người yêu mến loại hình nghệ thuật đậm đặc sắc màu truyền thống này.

 

Ca nương Phạm Thị Huệ, học trò chân truyền của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc, người đã dồn tâm huyết thành lập nên câu lạc bộ từ những ngày đầu, lăn lộn, hy sinh cho nét văn hóa độc đáo của nghệ thuật truyền thống ca trù này cho biết: Việc lập giáo phường đã được ấp ủ bấy lâu, nhưng phải đến 18/3 vừa rồi tại đình Giảng Võ, lễ công bố chính thức lập lại tổ chức giáo phường xưa kia để tiện cho việc gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật ca trù của tổ tiên để lại với tên gọi Giáo phường ca trù Thăng Long mới được triển khai.

 

Tại Lễ ra mắt này, giáo phường ca trù Thăng Long ngoài những phong cách thể hiện truyền thống còn có một số tiết mục mang nét sáng tạo mới. Theo chị Huệ, đây là nỗ lực mang đàn tì bà, đàn tranh và dàn nhạc bát âm vào biểu diễn ca trù; một sự thay đổi khá lớn đối với ca trù truyền thống vốn chỉ có đàn đáy, tiếng phách của đào nương và trống chầu. Giáo phường sẽ cố gắng làm phong phú hơn vốn liếng của ca trù bằng những sáng tạo mới dựa trên truyền thống. Tuy nhiên, chứng kiến từ đầu lễ ra mắt giáo phường, GS Trần Văn Khê, người đã mang nghệ thuật ca trù truyền bá khắp thế giới từ những 1978, bày tỏ không ít lo âu. Ông chia sẻ với các ca nương và kép đàn: "Lên giáo phường tức là đặt cho mình kỷ luật, chứ không phải như CLB muốn làm gì thì làm, chơi gì thì chơi. Ði tìm cái mới là con đường đầy chông gai và chưa chắc tìm đã thấy. Nên cẩn thận... Sáng tạo là tốt, nhưng đó là con dao hai lưỡi. Chúng ta không nệ cổ, nhưng hãy biết bảo vệ vốn cổ, giữ lấy cái lề lối của ca trù".

 

Giáo phường là hình thức tổ chức với những thể thức, lề lối sinh hoạt nghiêm ngặt hơn và nó cũng mang tính truyền dạy nhiều hơn. Tuy nhiên, đòi hỏi giáo phường phải tuân thủ theo đúng lề lối xưa là việc làm hầu như không thể, vì người xưa chỉ truyền nghề cho con cháu trong dòng họ và nhiều người trong dòng họ sẽ lập nên giáo phường. Lề lối làm việc của giáo phường xưa kia là không chỉ dạy học, mà còn là nơi trông coi phong cách của những người trong giáo phường. Vì lẽ đó, cũng theo GS Trần Văn Khê thì việc phục hồi hình thức giáo phường hiện nay là cố hướng đến những nét đẹp xưa của giáo phường: Các ca nương, kép đàn có trách nhiệm hơn, có ý thức nghề nghiệp hơn và gắn kết bền chặt với nhau hơn như những người trong cùng dòng họ.

 

Chia sẻ về sự kiện này, ca nương Phạm Thị Huệ tâm sự: “quả là một ngày trọng đại, một ngày làm việc không hề biết mệt mỏi, một ngày bừng lên ánh sáng từ trong tâm thức, một ngày tràn ngập niềm vui. Dường như cánh cửa khó nhất đã hé mở, chỉ cần tôi cố gắng hơn nữa, chỉ cần mỗi ngày tôi sẽ làm được những việc tốt hơn, học được nhiều hơn, dạy được nhiều hơn, tôi tin rằng mình sẽ đi được tới đích mà tôi và Giáo phường ca trù Thăng Long đã đặt ra. …Trước mắt tôi là một tương lai tươi đẹp, dầu tôi biết còn phải vượt qua rất nhiều gian nan và dầu con đường đi còn rất dài...”.

 

Tin tưởng rằng, qua 4 năm duy trì các canh hát và với sự chính thức ra mắt của giáo phường ca trù Thăng Long, nhịp phách, tiếng đàn, lời ca của nghệ thuật ca trù từ giáo phường sẽ đến sâu và đến rộng hơn nữa tới đông đảo người yêu thích loại hình nghệ thuật này nói riêng và cả cộng đồng nói chung.