"Văn công" dân phố

08:22, 05/03/2010

Đội văn nghệ của Tổ dân phố 19, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên gồm 12 người, trong đó có 11 nữ và 1 nam. Tất cả đều tuổi cao, nhưng sức… không yếu và ai cũng có lòng say mê văn nghệ. Đội được thành lập từ tháng 8/2007 với mục đích là được biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương để sống vui sống khỏe sống có ích…

 

Giữa T.P Thái Nguyên, chợt có tiếng đàn tính nền nẩy khiến tôi mê mẩn, vội tìm đường đến "chiêm ngưỡng" chủ nhân của tiếng đàn hút hồn ấy. Tôi phỏng đoán chắc đó là tiếng đàn của một sơn nữ tuổi thanh xuân, mỗi đêm trăng lại ngồi bên ô cửa sổ nhả hồn về miền nhớ. Nhưng… đây rồi, chủ nhân của tiếng đàn tính dưới trăng xuân Canh Dần 2010 ấy lại là những người phụ nữ cao tuổi ở tổ dân phố 19, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), các cụ đang tập văn nghệ chuẩn bị cho đợt hoạt động chào mừng Ngày sinh nhật Bác.

 

Bà Tạ Thị Nhân, phụ trách Đội "văn công" cho biết: Đội văn nghệ của tổ gồm 12 người, trong đó có 11 nữ và 1 nam. Tất cả đều tuổi cao, nhưng sức… không yếu và ai cũng có lòng say mê văn nghệ. Bà Nguyễn Thị Ngoãn, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ, đồng thời là thành viên của Đội cho biết: Đội văn nghệ được thành lập từ tháng 8-2007. Mục đích của Đội là được được biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương, còn cát xê thì… vui là chính, vì chúng tôi đều có lương hưu cả rồi.

 

Cũng từ hơn 2 năm nay, trừ hôm mưa to, gió lớn còn thì ngày nào khu nhà văn hoá của tổ 19, phường Quang Trung cũng tỏ đèn cho những buổi tập văn nghệ. Các diễn viên đều là công dân trong tổ, hẹn nhau sau bữa cơm tối lại thong thả về đây luyện giọng, tập đàn, cốt để tuổi già thật sự được sống vui, sống khoẻ, sống có ích. Cầm cây đàn tính, bà Nguyễn Thuý Hoan so dây, búng tay thử âm rồi cất tiếng hát vô tư như diễn viên của một đoàn văn công thực thụ. Lời của bài "Giữa rừng Pắc Bó quê ta" ở tận miền biên viễn Cao Bằng mà ngân lên giữa lòng thành phố thép gang, nghe xao xuyến đến lạ kỳ.

 

Có mặt ở đó, bà Triệu Thị Bưởi, Tổ trưởng dân phố cho biết: Trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, các cụ trong Đội "văn công" đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nội dung, tiêu chí của cuộc vận động. Đặc biệt là cuộc vận động nói không với ma tuý và chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, sinh đẻ có kế hoạch… Hiện tổ dân phố 19 có 90 hộ dân cư, với 335 nhân khẩu, chủ yếu là cán bộ, viên chức và người nghỉ chế độ hưu trí. Trong tổ không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Trên 10 hộ mua được ô tô, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn; 100% đường ngõ xóm đã xây dựng bê tông; năm 2007, bà con trong tổ tự đóng góp xây dựng được nhà văn hoá làm nơi hội họp; năm 2009 tổ có 85 hộ đạt tiêu chí gia đình văn hoá. Từ nhiều năm nay, tổ liên tục đạt danh hiệu tổ dân phố văn hoá; Chi bộ Đảng đạt trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể đều đạt tiên tiến, xuất sắc. Nhận xét về sự thành công của các phong trào địa phương, đồng chí Đào Đức Long, Bí thư Chi bộ 19 cho biết: Nhiều phong trào cơ sở được "khởi động" và đi vào nền nếp đều có sự đóng góp tích cực của các thành viên Đội "văn công". Bằng lời ca, tiếng hát của các thành viên trong Đội đã tạo được không khí thi đua sôi nổi ngay từ các ngõ xóm…

 

Trở lại câu chuyện với các thành viên trong Đội "văn công", bà Tạ Thị Nhân cho biết: Với hàng chục tiết mục múa, hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng đất nước đổi mới… Đội chúng tôi có thể chạy chương trình liên tục trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Mà không chỉ biểu diễn phục vụ bà con nhân dân trong tổ, chúng tôi còn được mời đến các huyện Phú Bình, Định Hoá, Đại Từ, T.P Thái Nguyên và nhiều đơn vị trong tỉnh để biểu diễn phục vụ. Bà Nguyễn Thị Sơn cho biết thêm: Trong dịp đầu xuân mới 2010, Đội được mời biểu diễn phục vụ cán bộ, nhân dân xã Hùng Sơn (Đại Từ). Đặc biệt tại Lễ hội Chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) được tổ chức vào ngày 24-2 vừa qua, Đội tham gia tiết mục múa "Đảng cho ta cả mùa xuân" và hát tốp ca bài "Em chọn lối này" của nhạc sĩ An Thuyên. Các buổi biểu diễn của Đội được cán bộ, nhân dân đánh giá cao.

 

Để có trang phục lên sân khấu, các thành viên trong Đội tự vận động nhau mua sắm quần áo, đạo cụ… Nhưng khó khăn hơn là phải tập luyện như thế nào để các tiết mục biểu diễn được nhuần nhuyễn, trong khi đó ai nấy đều tuổi cao. Bà Nguyễn Thị Nga cho biết: Ngày đầu đi tập "văn công", nhiều người trong tổ bảo chúng tôi là gàn dở, già rồi còn… nhưng được cái là con cháu trong nhà khuyến khích, vận động đi tập cho tinh thần sảng khoái. Vậy nên chúng tôi đi tập đều đặn. Rồi từ tập cho khoẻ người đến đi biểu diễn phục vụ nhân dân là cả một quá trình gian nan lắm…

 

Không khí câu chuyện giữa tôi với các thành viên trong Đội chợt trầm lắng khi bà Trịnh Thị Tuyến thủ thỉ: Khó nhất là tập nhạc cụ, tay người nào cũng gân, cơ cứng cả rồi, nhiều lúc phát khóc, muốn bỏ cuộc mà không đành. Nhất là với đàn tính, cây đàn 2 dây dong đòi hỏi người chơi đàn phải có tư thế đẹp, dịu dàng, đằm thắm… Có hôm tập nhiều, tay không dơ nổi lên vì mỏi. Nhưng, chính bản thân chúng tôi cũng không ngờ là chỉ sau 4 tháng khổ luyện, Đội đã mang đàn tính đi biểu diễn phục vụ nhân dân, "liều" hơn như bà Ngoãn và bà Nguyễn Thị Thuý đã mang cây đàn tính về Hà Nội biểu diễn tại Trường quay S9 trong cuộc thi "Sống vui, sống khoẻ, sống có ích" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. 2 bà đã dinh về cho tổ dân phố giải Nhì. Còn bây giờ nốt nhạc, khuông đàn nhiều chị em trong tổ không chỉ thuần thục, mà đã điêu luyện như những nghệ sĩ trên sân khấu.

 

…Như mọi buổi tối, các thành viên trong Đội "văn công" tổ dân phố 19, phường Quang Trung lại bắt đầu vào giờ tập luyện, với các làn điệu chèo, dân ca quan họ, then, ca mới và những tiết mục múa tập thể… Những buổi tập còn thu hút được nhiều người ở mọi lứa tuổi tham gia. Chứng kiến không khí ấy, tôi thầm mong giá như ở các làng, bản, xóm, phố của tỉnh đều xây dựng được đội văn công như ở đây thì hay biết mấy, qua đó sẽ góp phần lưu giữ, phát huy giá trị của những nét văn hóa truyền thống, tạo được một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân, và tình làng, nghĩa xóm ngày càng thêm gắn bó bền chặt.