Nam Hòa là xã trung du miền núi của huyện Đồng Hỷ, nơi có 66% dân cư là người dân tộc Sán Dìu sinh sống. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều nét văn hoá đặc trưng truyền thống, trong đó có hát Soọng Cô đang dần bị mai một. Người Sán Dìu đã và đang khôi phục nhằm bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
"Soọng Cô" phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là hát giao duyên, đã có từ rất lâu đời, là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ gần giống với điệu hát Then, hát Lượn của dân tộc Tày, hát Sli của dân tộc Nùng, được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, do chính những người nông dân thật thà, chất phác sáng tạo nên, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng miệng hoặc được ghi chép lại bằng chữ Hán cổ. Soọng Cô bao gồm các hình thức hát ru, hát đối đáp, hát trao duyên, hát chào hỏi, hát mời khách, hát tiễn khách... Theo những người cao tuổi kể lại: những năm 80 trở về trước, trong lúc nông nhàn, nam nữ từ làng này thường sang làng khác tìm bạn hát. Họ say mê hát, hát thâu đêm tại gia đình, bên bếp lửa hồng ấm cúng. Trong lao động sản xuất, họ cũng cất lên lời ca, tiếng hát để thử sức - thi tài, để làm quen, kết bạn, để quên đi những nỗi mệt nhọc trong công việc. Ở các đám cưới, trai gái khắp các bản làng lại tìm đến với nhau qua những câu hát và biết bao đôi lứa đã nên duyên vợ chồng. Tất cả những điều đó đã tạo nên những nét đặc sắc trong hát Soọng Cô.
Tuy nhiên, những năm gần đây, hát Soọng Cô ở Nam Hòa đã không còn được phổ biến.
Ông Đặng Văn An, năm nay đã 69 tuổi, ở xóm Cầu Đất, nghe hỏi đến hát Soọng Cô thì say sưa kể: Ông học hát từ năm 16 tuổi. Ban đầu, ông đi theo để đun nước, nấu cháo ăn đêm cho các bậc đàn anh, đàn chị và được thưởng thức những giọng hát rất hay với những lời ca đằm thắm, trữ tình mà mộc mạc, chân thành. Không khí sôi nổi của những đêm hát vẫn còn đọng lại trong tâm trí ông nhiều ngày sau. Ông quyết tâm học hát, hát làm sao cho thật hay. Qua những lần theo đoàn đi giao lưu ca hát, ông dần biết hát và thuộc được nhiều bài hát. Ông khoe với chúng tôi rằng: Thời trẻ, giọng hát của ông rất hay, được nhiều cô ngưỡng mộ. Đến nay, hai vợ chồng ông vẫn thường cùng các cụ trong xóm hát khi có dịp ngồi trò chuyện với nhau.
Chúng tôi cũng tìm gặp ông Trần Văn Bình, 66 tuổi, ở xóm Chí Son. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông vui vẻ nói rằng: Những người cao tuổi trong xóm vẫn thường hay hát Soọng Cô trong những dịp lễ Tết, hay trong những lúc nông nhàn. Năm 2009, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã chọn xóm thực hiện Đề tài khoa học "Bảo tồn hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu". Từ khi có Đề tài khoa học này, Đội học hát Soọng Cô được thành lập gồm 14 thanh niên nam nữ của xóm do chính những nghệ nhân như ông truyền dạy. Đến nay, Đội văn nghệ của xóm có thể hát một cách thuần thục những bài hát Soọng Cô. Theo ông, việc dạy hát Soọng Cô cho thế hệ trẻ là một việc làm rất cần thiết để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, truyền thụ lại những phong tục, tập quán và kinh nghiệm của cha ông đúc kết.
Anh Diệp Văn Chung, một thành viên trong Đội hát bộc bạch với chúng tôi: Vì tò mò muốn tìm hiểu điệu hát của dân tộc mình như thế nào nên chúng tôi đi học hát. Những buổi học ban đầu thật khó khăn. Đầu tiên, chúng tôi phải học thuộc lời bài hát bằng tiếng dân tộc rồi mới đến luyện giọng. Đây chính là việc khiến chúng tôi nản nhất vì hát đúng giọng một bài rất khó. Cụ Bình và một số người khác đã rất nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi hát. Các cụ không chỉ dạy chúng tôi hát làm sao cho đúng giọng mà còn giải thích ý nghĩa từng lời hát, câu hát, kể cho nghe không khí các buổi hát ngày xưa khiến chúng tôi cảm thấy rất thích thú. Thật ngạc nhiên, chúng tôi càng hát càng thấy ham. Ham bởi những lời hát được cất lên trầm bổng, ngân nga, tha thiết, có khi lại như thầm thì. Ham bởi trong cách ví von rất ý nhị nhưng tình tứ và lãng mạn. Điều kiện thuận lợi cho công việc phục hồi là hầu hết lớp thanh niên ở Nam Hoà hiện nay vẫn sử dụng thành thạo ngôn ngữ dân tộc mình trong giao tiếp do nhiều gia đình vẫn có ý thức dạy cho con cháu nói tiếng Sán Dìu song song với nói tiếng Việt.
Qua trao đổi với ông Bình, chúng tôi được biết: Việc phục hồi lại hát Soọng Cô đang gặp không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên là chọn người. Không phải ai cũng có thể hát mà phải là người có năng khiếu, có tinh thần yêu ca hát mới có thể học hát thành công. Mặt khác, trong kho tàng các bài hát Soọng Cô, nhiều bài đã bị thất lạc do không được ghi chép lại mà chủ yếu được lưu truyền bằng miệng. Chính vì lẽ đó, việc sưu tầm lại các bài hát chủ yếu phụ thuộc vào trí nhớ của các cụ cao tuổi hay hát.
Ông Lý Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để khôi phục hát Soọng Cô, xã cũng đang có Đề án "Khôi phục, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu", trong đó có hát Soọng Cô. Theo đó, xã sẽ tổ chức hai lớp học hát cho đội ngũ tuyên truyền nòng cốt do chính các cụ là người Sán Dìu truyền dạy. Đồng thời, xã cũng sẽ sưu tầm, ghi chép các bài hát; tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu văn hóa, văn nghệ để giới thiệu sâu rộng về bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên người Sán Dìu để họ hiểu, trân trọng và có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đó; tổ chức học hát cho các em học sinh trong các buổi sinh hoạt hè, tiến tới thành lập CLB văn nghệ của xã, làm cho phong trào hát Soọng Cô trở thành một hoạt động thường xuyên, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.