"Nhìn ra biển cả" là bộ phim về quãng đời tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Hãng phim Hội Điện ảnh sản xuất. Phim sẽ chính thức được khởi chiếu trong “Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn”, bắt đầu từ ngày 29/4 đến 20/5/2010.
Bộ phim do một ê-kíp các nhà làm phim kỳ cựu, có tiếng của Việt Nam đảm nhận: Kịch bản nhà văn Nguyễn Thị Hồng Ngát viết, đạo diễn NSƯT Vũ Châu, quay phim NSƯT Vũ Quốc Tuấn, biên tập là PGS-TS Trần Luân Kim, âm nhạc do nhạc sĩ An Thuyên đảm nhiệm...
Bộ phim "Nhìn ra biển cả" kể về những ngày tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi ấy thầy giáo Nguyễn Tất Thành đang ở độ tuổi 18...Bối cảnh phim là giai đoạn từ năm 1908 đến 1910, chàng trai Nguyễn Tất Thành đang là học sinh trường Quốc học Huế, do tham gia và làm thông ngôn cho bà con nông dân, tiểu thương trong cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng nên bị buộc phải thôi học. Bước ngoặt này đã khiến Nguyễn Tất Thành rời Huế, đi khắp các dải đất miền Nam Trung Bộ. Anh đã sống, ăn ở và làm việc với những người dân, tận mắt chứng kiến cuộc sống của họ... Phụ thân của anh là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đang làm Tri phủ huyện Bình Khê (Bình Định) đã giới thiệu con trai mình tới người bạn thân thiết là ông Hồ Tá Bang - Tổng lý Công ty nước mắm Liên Thành, vốn là một trong 6 nhà sáng lập ra trường Dục Thanh. Nguyễn Tất Thanh tới ngôi trường này để dạy học và có thêm sự tôi luyện, rèn rũa ý chí.
Bộ phim "Nhìn ra biển cả" có những trường đoạn dài khắc họa sinh động cuộc sống của thày trò trường Dục Thanh, với những mối quan hệ giữa nhân vật chính và các cộng sự, các nhà chí sĩ, những người thân trong gia đình, đặc biệt là với các học trò. Những trường đoạn đó cho người xem hiểu hơn về giai đoạn lịch sử mà phim đề cập tới, cũng như về thời tuổi trẻ nuôi chí lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vẫn có thể thấy nhiều hơi hướng của cuộc sống hiện đại hôm nay được chuyển tải trong mạch phim, dù chỉ là những nét rất nhỏ.
Bộ phim khép lại với hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành lên thuyền vào Nam để lại bắt đầu hành trình mới, sau 2 năm ngắn ngủi dạy học tại trường Dục Thanh. Dấu ấn để lại của người thầy trẻ là cách sống, cách hành xử cũng như giảng dạy luôn hướng tới việc nâng cao "Trí, Đức, Thể, Mỹ" cho thế hệ trẻ nước nhà những năm đầu của thế kỷ 20.
"Muốn làm việc lớn phải ra biển lớn" và những câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Tất Thành là một phần đời không thể thiếu trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao nhưng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo ê-kíp làm phim, bộ phim có độ dài 98 phút, chất liệu màu Kodak, được in tráng và làm âm thanh lập thể tại Bangkok, Thái Lan. Đoàn đã phải gấp rút hoàn thành giai đoạn hậu kỳ ở Thái Lan cho kịp ngày ra mắt tại Hà Nội và kịp chiếu trong dịp lễ 30/4, 1/5 sắp tới. Cũng bởi sự gấp rút này, nhiều người xem phim sẽ thấy "gợn" bởi chất lượng lồng tiếng trong phim. Đó là điều đáng tiếc đối với một bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng từ các khâu kịch bản, quay phim, phục trang, âm nhạc...