Nhớ lần gặp nhạc sĩ “19 tháng Tám”

08:42, 01/04/2010

Rạng sáng ngày 27/3, nhạc sĩ tài danh Xuân Oanh đã trút hơi thở cuối cùng. Tên tuổi của ông gắn liền với ca khúc “19 tháng Tám”. Ca khúc này đang chuẩn bị kỷ niệm 65 năm tuổi với những nốt nhạc mà không một người Việt nào là không biết, không quen thuộc “19 tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa, cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng…”

Chỉ duy nhất một lần được gặp ông đã ghi sâu vào tâm trí tôi không chỉ về một nghệ sĩ  có tài cầm, kì, thi, họạ, thông thạo 7 ngoại ngữ và vốn kiến thức đông- tây, kim- cổ mà còn là hình ảnh một cụ già mắt sáng, giọng nói trẻ trung, dáng đi hoạt bát và những kỷ niệm về Việt Bắc của ông.

Vào dịp Kỷ niệm Khởi nghĩa Tháng Tám cách đây gần hai năm, một người đồng nghiệp của tôi thắc mắc: “Không biết nhạc sĩ Xuân Oanh giờ sống thế nào?”. Một cuộc tìm kiếm nhỏ trên Internet được chúng tôi triển khai ngay. Rất nhiều bài viết về ông có trên Internet với địa chỉ ngõ 54, phố Quán Sứ, Hà Nội và số điện thoại 04.8……. Tôi bấm số, đầy dây bên kia một giọng đàn ông còn khá trẻ trung và nghe rất vang, rõ: “Tôi nghe đây” – “Dạ, cháu là phóng viên Báo Thái Nguyên, cháu muốn gặp Nhạc sĩ Xuân Oanh” – “Vâng, tôi đây”. Bất ngờ không phải vì dễ dàng được gặp người nhạc sĩ đa tài mà bất ngờ bởi giọng nói của một ông già 85 tuổi, tôi ấp úng: “Dạ…dạ cháu xin hẹn gặp nhạc sĩ để phỏng vấn”. Thấy vẻ ấp úng của tôi khác hẳn với những câu giới thiệu mạch lạc đầu tiên, nhạc sĩ Xuân Oanh bật cười như phần nào đoán được suy nghĩ và đồng ý hẹn gặp.

Đúng hẹn với Nhạc sĩ, vào một buổi sáng đầu thu tháng Tám chúng tôi tìm đến nhà ông ở ngõ 54, phố Quán Sứ. Hỏi thăm vào nhà Nhạc sĩ, bà cụ bán nước chè đầu ngõ dặn dò: “Anh đi thẳng, tới cái cửa thứ hai từ trong ra là nhà ông Xuân Oanh. Anh không nên nổ máy xe vì ngõ có nhiều người già và trẻ nhỏ”. Nhạc sĩ Xuân Oanh vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi trong căn hộ nhỏ được sắp xếp gọn gàng, có rất nhiều sách, nhiều tranh vẽ và đặc biệt là cây piano đặt trang trọng ở phòng khách.

Câu chuyện đầu tiên ông kể với chúng tôi là về bài hát “19 tháng Tám”. Ông sáng tác bài hát trên khi đang là cán bộ tuyên truyền của Mặt Trận Việt Minh. Chính không khí hào hùng, sôi động của ngày 19-8 đã làm những cảm xúc ấp ủ trong tôi dâng trào thành bài hát “19 tháng Tám” – ông kể. Sáng hôm ấy (19/8/1945), Mặt trận Việt Minh tổ chức mít tinh. Nhân dân từ năm cửa ô cuồn cuộn, nô nức, tiến vào trung tâm Hà Nội tay cầm cờ và hoa, vừa đi vừa hô khẩu hiệu muốn vỡ tung cả lồng ngực. Tôi cũng hòa vào dòng người nô nức từ phía Nam Hà Nội. Không khí ấy làm cho ai cũng cảm thấy vô cùng phấn chấn và trong đầu tôi bật ra giai điệu của một hành khúc, là nhịp chân đi của những người nông dân, công nhân và trí thức lúc đó. Tôi vừa đi vừa hát, sáng tác được câu nào, tôi hát to lên, những người xung quanh hát theo câu đó. Cứ như thế, đi đến Nhà hát Lớn - Hà Nội thì bài hát cũng hoàn thành.

Ngay sau đó, bài hát chỉ gồm 102 chữ ấy đã được phát trên Đài phát thanh với tên gọi “19 tháng Tám”, và trở thành khúc tráng ca cách mạng được loan truyền khắp đất nước. Những ca từ ngắn gọn, khỏe khoắn nhưng âm vang đó đã như lời hiệu triệu thôi thúc lòng người đấu tranh khởi nghĩa.

“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Mười chín tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung”

Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công lên chiến khu Việt Bắc công tác ở Báo Cứu Quốc, rồi chuyển sang Ban vận động thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam. Ông kể, một đêm ở Việt Bắc, chúng tôi bàn luận về những người bạn ở ngoài chiến trường, anh Nam Cao gợi ý tôi nên sáng tác một bài hát để động viên tinh thần của những người lính. Suốt một đêm tôi thức trắng, và đã sáng tác xong bài hát “Quê hương anh bộ đội”. Đó là một hình ảnh rất đẹp của làng quê Việt Nam thanh bình, nơi anh bộ đội sinh ra và lớn lên. “Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi, bờ tre nhà gianh vách mớ./ Nơi ấy có cánh đồng mênh mông ngát hương, mùa lúa chín tiếng hát vang khắp đồng…”. Bài hát đó những năm kháng chiến đã là món quà “quê” cho những người lính, thêm tinh thần chiến đấu. Chỉ với hai ca khúc này đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Xuân Oanh đứng ở vị trí xứng đáng trong các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam.

Việt Bắc trong lòng nhạc sĩ Xuân Oanh cũng tràn đầy kỉ niệm thân thương và là nơi ông kết duyên với người bạn đời mà ông hết mực yêu thương. Vợ ông, bà Xuân Uyên, cũng là một chiến sĩ cách mạng. Ông kể cho chúng tôi nghe chuyện nơi mà ông và vợ vừa làm lễ thành hôn hôm trước thì hôm sau đã bị địch thả bom san phẳng, chuyện về những lần chuyển cơ quan, chân đất, gồng gánh, trèo đèo lội suối…. Những kỷ niệm sâu sắc ở Việt Bắc đã nâng đỡ ông, giúp ông vượt qua những khó khăn, vượt qua sự chông chênh trống vắng khi người bạn đời của ông về cõi vĩnh hằng năm 1995.

Nhạc sĩ Xuân Oanh có một khả năng ngoại ngữ tuyệt vời. Cũng như thơ, nhạc, họa, chỉ bằng con đường tự học, ông thông thạo 7 ngoại ngữ và từng là phát thanh viên tiếng Anh thế hệ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông còn làm phiên dịch cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và còn giữ bức ảnh trong lần dịch cho Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp khách quốc tế. Từ khi về hưu, không bận bịu với công tác nữa, nhạc sĩ Xuân Oanh dành thời gian đọc sách, dịch thuật và làm bạn với giá vẽ và cây đàn pianô thân thuộc. Trong căn nhà hẹp của nhạc sĩ Xuân Oanh chật ních sách tiếng Anh, Pháp, Nga... Ông đã dịch hàng chục cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nước ngoài cho độc giả Việt Nam. Ngoài dịch thuật, vẽ tranh, làm thơ, viết văn, viết báo. Người nhạc sĩ dong dỏng cao, có đôi mắt nâu sáng đã đàn tặng chúng tôi một sáng tác mới mang tên “Tơ mành” trước khi ra về.

Tạm biệt ông mà dư âm của cuộc nói chuyện đó vẫn theo chúng tôi mãi. Chúng tôi đã được gặp một nhạc sĩ đã ở tuổi “xưa nay hiếm” mà sự tài hoa, sức trẻ trung vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi cảm nhận được trong trái tim 85 tuổi của ông vẫn có những nhịp đập rộn rã và sôi nổi của chàng trai trẻ mà những người ở thế hệ chúng tôi còn phải học tập từ ông rất nhiều. Thật tiếc thay khi trái tim đó đã về nơi thiên cổ.