Nước mắt vẫn rơi vì hậu quả bom mìn sau cuộc chiến

09:17, 05/04/2010

Đã có những giọt nước mắt nhỏ xuống lặng lẽ bên cạnh những câu chuyện xúc động của các khách mời trong chương trình “Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống” diễn ra tối qua (4/4) tại trường quay S4 Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC.

 

Tham gia chương trình có bà Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước, Trung tướng Nguyễn Tấn Dũng – Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân VN, Thiếu tướng Dương Đức Hòa – Tư lệnh Binh chủng Công binh, Anh hùng La Thị Tám, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên – Báo Quân đội nhân dân, bà Đỗ Thị Minh Ngọc – GĐ Đài Truyền hình Kỹ Thuật số VTC và nhiều khách mời, các nhạn nhân bom mìn sau chiến tranh.

 

Các khách mời tham gia giao lưu trong chương trình gồm anh hùng La Thị Tám, Thiếu tướng Dương Đức Hòa và nạn nhân bom mìn Đinh Văn Thống.

 

Chiến tranh đã lùi xa vài chục năm, nhưng hậu quả của nó không chỉ còn trong ký ức với những trận đánh, những hi sinh của cha ông vì tương lai đất nước, vì độc lập. Ngày hôm nay, những di chứng của cuộc chiến tàn khốc vẫn đeo đẳng người dân VN với những hậu quả từ những trái bom và vật nổ. Bom giặc rải xuống trong cuộc chiến vài chục năm trước giờ vẫn rải rác khắp nơi, đặc biệt là 6 tỉnh miền Trung.

 

Theo thống kê, một con số kinh khủng được đưa ra là, cứ 1 mét vuông đất ở miền Trung cũng có thể chứa từ 40 đến 60 kg bom đạn. Ước tính hiện còn 800.000 tấn bom mìn dưới lòng đất Việt Nam. Phà Linh Cảm, Ngã ba Đồng Lộc hiện vẫn được coi là những "túi bom" sau cuộc chiến. Sau năm 1975, có 40 nghìn người thiệt mạng, 10 nghìn người bị thương do hậu quả bom mìn. Trong đó, 30% là trẻ em, mần non của đất nước.

 

Phần giao lưu với các khách mời đã thực sự khiến không khí trường quay chùng xuống vì những câu chuyện của họ. Những câu chuyện ngắn dài nước mắt và còn thể hiện lòng quả cảm của chiến sỹ ta trong lịch sử và hiện tại. Trong câu chuyện của mình, anh hùng La Thị Tám kể về những năm tháng ác liệt khi cùng đồng đội nhận trách nhiệm cắm tiêu bom tại Ngã ba Đồng Lộc, giữ giao thông thông suốt. Có nhiều lần, bà và các đồng đội dùng cả hố bom của địch làm hầm trú ẩn. Có nhiều lần cận kề cái chết. Có nhiều lần, bà chứng kiến cái chết thảm khốc của đồng đội bởi bom đạn của giặc – những cái chết mất xác chỉ còn một nắm thịt.

Ông Đinh Văn Thống (Đức Thọ, Hà Tĩnh), một nạn nhân của bom mìn sau cuộc chiến kể chuyện trong những giọt nước mắt và tiếng nấc lên từng hồi. Ông đã chứng kiến cái chết thảm của con trai mình do cuốc phải mìn trong lòng đất. Ông kể, lần đó hai cha con đang cuốc đất ở ruộng thì bỗng nghe tiếng nổ rất lớn bên tai, cả hai cha con văng ra. Được đưa đi cấp cứu thì con trai đã chết. Ông cũng bị thương nặng và mang dị tật cho đến ngày hôm nay.

 

Em Hồ Văn Lai đã mất hai người anh của mình trong một lần bom nổ. 4 anh em đã vui đùa cùng nhau, hiểm họa bất ngờ ập tới khi vướng phải bom đạn rơi rớt của cuộc chiến. Rồi hai người chết, hai người còn lại bị thương. Nỗi đau hiện giờ vẫn hằn lên vầng trán ưu tư của người mẹ. Em Hồ Văn Lai, mất đi cánh tay, bàn chân đã vươn lên để sống thật tốt, học thật giỏi nhưng ước mơ đi học đại học có lẽ với em xa vời lắm. Nhà em nghèo, em lại cũng không đủ sức khỏe.

 

Ông Nguyễn Quốc Tịch là một người kém may mắn khi hai lần là nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh. Hiện ông đã mất hai bàn tay và một con mắt. Ông nói, số phận ông khổ quá mà không cưỡng lại được.

 

Bên cạnh đó, phần giao lưu với các khách mời và các phóng sự đồng hành của chương trình cũng đề cập đến những nỗ lực để giảm nhẹ tai họa do bom mìn ở Việt Nam, công việc rà phá bom mìn của các chiến sĩ Binh chủng công binh Quảng Trị. Và cuộc chiến thầm lặng này cũng nhiều mất mát, thương đau. Mỗi lần ra quân làm nhiệm vụ là một lần đối mặt với nguy hiểm, nhưng cũng đầy quyết tâm. Tham gia phần giao lưu này có Trung tá Lê Mạnh Hùng (Trưởng ban Công binh tỉnh Quảng Trị), bà Nguyễn Thu Thảo, đại diện quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại VN, Thứ trưởng Bộ LĐTB và XH Bùi Hồng Lĩnh…

 

Một thông điệp cũng được đưa ra trong chương trình giao lưu này là nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, giảm thiểu hậu quả của bom mìn. Theo đó, công tác tuyên truyền cần có sự góp sức của các cơ quan truyền thông và toàn xã hội.

 

Cuối chương trình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng quà cho em Hồ Văn Lai, các khách mời tặng quà cho các nạn nhân bom mìn có mặt tại trường quay. Đồng thời, một số đơn vị cũng tặng những món quà ý nghĩa cho những nạn nhân chịu hậu quả của bom mìn như Ngân hàng cổ phần Quân đội 30 triệu đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN 50 triệu đồng; Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại VIệt Nam 300 xe lăn; Hội trợ giúp người khuyết tật VN 250 xe lăn, xe lắc.

 

Bên cạnh đó, đêm giao lưu còn có một số tiết mục văn nghệ xúc động qua phần biểu diễn của các nghệ sỹ Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn, Phương Thảo, Tân Nhàn….

 

Chương trình được phối hợp bởi Báo Quân đội nhân dân, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, Binh chủng Công binh và đã được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC 14. Chương trình cũng được phát sóng trên kênh VTC 16, VTC HD3.