Sẵn sàng cho Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng Đông Bắc

10:36, 12/04/2010

2 năm một lần, Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lại được tổ chức nhằm giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hoá của các dân tộc trong vùng, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là dịp để các địa phương quảng bá, giới thiệu thế mạnh của mình trên các lĩnh vực: Văn hoá, thể thao và du lịch.  

 

Đây là lần thứ 7 Thái Nguyên tham Ngày hội. Để chuẩn bị tham dự Ngày hội với yêu cầu các chương trình được dàn dựng công phu, nội dung thiết thực, phù hợp, vừa tiêu biểu, hấp dẫn vừa có tính nghệ thuật cao, nội dung phong phu, cách đây gần 4 tháng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai kế hoạch và huy động lực lượng tham gia luyện tập. Ngày hội lần này được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ đúng vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương vì thế, bên cạnh các nội dung tham gia thi đấu, các tỉnh trong vùng Đông Bắc còn có hoạt động tham gia Giỗ tổ thể hiện lòng thành kính, biết ơn của mình đối với các vua Hùng.

 

Đoàn Thái Nguyên với hơn 100 người sẽ mang đến Ngày hội những nét đặc trưng nhất của các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan... Đối với các hoạt động văn hoá, Đoàn sẽ dâng lễ vật của Thái Nguyên tưởng nhớ các vua Hùng với mâm chè hoa nghệ thuật, mâm hoa quả và mâm sản vật đặc trưng của địa phương (bánh chưng, bánh dày, bánh giò, cơm lam, chè Tân Cương). Ngoài ra, còn có chương trình ca múa nhạc (thời lượng 40 phút) mang đậm nét văn hoá đặc trưng của Thái Nguyên; tham gia trình diễn, giới thiệu trang phục của dân tộc Tày, Cao Lan, Mông và Dao do Trung tâm Văn hoá - Thông tin tỉnh thực hiện. Nét đặc trưng của Thái Nguyên mang đến Ngày hội là hoạt động ẩm thực trà giới thiệu với du khách thập phương hương vị của chè Thái được tổ chức tại Trại văn hoá của Đoàn (khu vực sân Đồng Cả, đường Hùng Vương, phường Phú Thọ, T.P Việt Trì). Bên cạnh hoạt động văn hoá, Đoàn Thái Nguyên sẽ mang đến Ngày hội 5 môn thể thao dân tộc truyền thống là thế mạnh của xứ Chè đó là: Vật dân tộc, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, cờ tướng với gần 30 VĐV tham gia. Cũng tại ngày hội, Đoàn sẽ tham gia một gian triển lãm, trưng bày, giới thiệu chung về tiềm năng văn hoá, du lịch với chủ đề "Du lịch Thái Nguyên điểm đến lịch sư - văn hoá" và "Thủ đô gió ngàn đồng hành cùng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đặc sản quê hương và những sản vật: Bánh gio chấm mật của đồng bào Định Hoá, miến Việt Cường (Đồng Hỷ), măng vầu (Định Hoá), chè Tân Hương, chè Tân Cương, chè ATK, chè La Bằng… và các đồ thủ công mĩ nghệ như: nón Tày, đàn Tính, rối tày Thẩm Rộc; đồ gia dụng tiêu biểu của một số dân tộc trong tỉnh như đồ thờ tự, trang phục, dụng cụ lao động, đạo cụ, nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt…

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Hồng Cương, Phó Giám đốc  Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Trưởng đoàn tham gia Ngày hội cho biết: Đã nhiều lần Thái Nguyên tham gia Ngày hội văn hoá Các dân tộc vùng Đông Bắc nhưng đây là lần đầu tiên Thái Nguyên tham gia tất cả các hoạt động của Ngày hội với số lượng VĐV đông nhất. Những lần trước, Thái Nguyên chỉ tham gia trên lĩnh vực thể thao với các môn thể thao thế mạnh nhưng lần này, bên cạnh những vận động viên tài năng còn có những cô gái Tày, Nùng, Cao Lan trổ tài trên sân khấu thời trang, các điệu hát then, sli, lượn cũng sẽ được trình diễn… Hôm nay (12/4) đoàn VĐV bắt đầu lên đường đi Phú Thọ để tham gia ngày hội sẽ được tổ chức từ 14 đến 17/4. Để cổ vũ đoàn lên đường giành được thành tích cao, ngày 10/4 đồng chí Vũ Hồng Bắc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi gặp mặt, động viên và giao nhiệm vụ cho Đoàn.

 

Đây là hoạt động của 9 tỉnh vùng Đông Bắc hướng về Giỗ tổ Hùng Vương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần làm nên sức mạnh dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. Các hoạt động văn hoá trong Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và giới thiệu những nét văn hoá, thể thao và du lịch truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của mỗi dân tộc vùng Đông Bắc, đồng thời giới thiệu với bạn bè cả nước về tiềm năng văn hoá, du lịch cũng như dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.