Những năm gần đây, đời sống vật chất của người dân huyện Phổ Yên ngày càng được nâng lên đòi hỏi một đời sống văn hóa, tinh thần tương xứng. Để đạt được mục tiêu này, Phổ Yên đã thực hiện tốt vấn đề phát triển văn hóa trong toàn dân, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao ngày càng chất lượng và đi vào chiều sâu.
Đến nay, toàn huyện có 194/327 xóm có nhà văn hóa khang trang, là nơi học tập, hội họp và sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho bà con nhân dân. Chỉ tính quý I-2010, toàn huyện có 7 nhà văn hóa được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng (riêng xã Nam Tiến, 100% các xóm có nhà văn hóa).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Trung Đình, Trưởng phòng Văn hóa thông tin (VHTT) Phổ Yên cho biết: Nâng cao đời sống văn hóa cho người dân đồng nghĩa với việc đẩy mạnh phát triển các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, tạo thành các phong trào sôi nổi. Hoạt động văn hóa, văn nghệ chào xuân mới, kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức từ huyện đến cơ sở thu hút đông đảo người dân tham gia, đồng thời tuyên truyền có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hiện, đội văn nghệ lưu động của Phòng VHTT huyện gồm 22 thành viên. Trong năm 2009, đội đã tổ chức 14 lượt biểu diễn văn nghệ phục vụ các hoạt động lớn và gần 20 lượt phục vụ cho bà con các xã, thị trấn trong huyện. Hàng năm, Phòng VHTT đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ về văn hóa, thể thao cho các thành viên nòng cốt, từ đó nhân rộng tới toàn thể các thành viên trong đội văn nghệ quần chúng của các xóm.
Được biết, toàn huyện có 32 CLB văn hóa, văn nghệ với trên 200 hội viên tham gia thường xuyên. Riêng ở các xã, 100% các xóm đều thành lập được đội văn nghệ quần chúng thường tổ chức các hoạt động hội diễn, hội thi văn hóa, văn nghệ, tạo sân chơi bổ ích, giúp bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Phong trào TDTT của Phổ Yên năm 2009 cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt, được tổ chức từ huyện đến cơ sở thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân. Đến nay, các xã, thị trấn trên toàn huyện đều có các câu lạc bộ TDTT như bóng chuyền, cầu lông… tập luyện thường xuyên vào các buổi chiều và tham gia thi đấu nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân lao động và cán bộ công chức, tạo dựng nếp sống văn hóa lành mạnh ở cộng đồng các khu dân cư, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Đại hội TDTT huyện tổ chức lần thứ IV có trên 700 vận động viên tham gia tranh tài ở 9 môn thi đấu với 110 giải thưởng trao cho các tập thể, cá nhân. Bên cạnh đó, Phòng VHTT huyện đã duy trì lớp võ thuật thu hút trên 400 học sinh tham gia, năm 2009 thi đấu giải võ cấp tỉnh đạt giải Nhì môn võ Taewondo và giải Ba toàn đoàn võ cổ truyền.
Cùng với việc phát triển mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ sâu rộng trong nhân dân, huyện đã quan tâm tới việc nâng cao chất lượng các địa chỉ văn hóa công cộng. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 18/18 xã có Trung tâm học tập cộng đồng, 13 điểm Bưu điện văn hóa xã. Năm 2009, thư viện huyện đã cấp mới 50 thẻ đọc, nâng tổng số thẻ lên 300, duy trì có hiệu quả, sắp xếp danh mục tại phòng đọc đảm bảo khoa học, sạch sẽ, xây dựng lịch mở cửa vào các ngày làm việc trong tuần. Trong năm, huyện đã tiếp nhận 600 đầu sách mới, nâng tổng số đầu sách thư viện lên trên 3.600 cuốn và hơn 20 đầu báo, tạp chí. Các Trung tâm học tập cộng đồng và các điểm Bưu điện văn hóa xã đã được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng, thu hút hàng nghìn lượt người dân đến đọc và tìm hiểu các đầu sách, tạp chí. Riêng xã Phúc Thuận, tháng 4-2009 đã được Sở Thông tin truyền thông đầu tư 5 đầu máy vi tính, thuận lợi cho người dân nhất là học sinh, sinh viên tìm kiếm, tra cứu thông tin nhanh trên mạng internet.
Địa chỉ văn hoá công cộng cũng được triển khai có hiệu quả ở các cơ sở. Lãnh đạo chính quyền các xóm đã nêu ý tưởng xây dựng tủ sách văn hóa, với phương châm “góp gió thành bão”, kêu gọi tất cả các hộ dân trong xóm mỗi nhà góp vài quyển sách, tạo thành một tủ sách phong phú cho người dân cùng đọc, từ sách tìm hiểu về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến các sách khoa học kỹ thuật giúp bà con ứng dụng thực tế vào đời sống và lao động sản xuất như cách làm kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và được hưởng ứng nhiệt tình… Trong tháng 9-2009, huyện đã xây dựng mô hình “Tủ sách gia đình” thí điểm tại gia đình ông Ngô Tấn, xóm Yên Trung, xã Tiên Phong, cá nhân ông Tấn có hàng trăm đầu sách tại gia đình cho người dân đến đọc. Thành công từ mô hình này là cơ sở để huyện tiếp tục nhân rộng sang các xã khác.
Một điểm rất nổi bật trong việc nâng cao đời sống văn hóa, nhất là đời sống văn hoá tâm linh cho người dân ở Phổ Yên, đó là các cấp chính quyền đã chỉ đạo tổ chức tốt các lễ hội văn hóa đầu xuân vui tươi, đoàn kết không có tệ nạn xã hội. Ngay từ đầu năm 2010, huyện đã chỉ đạo Ban tổ chức các lễ hội như: Hội Đình Hương, Chùa Đôi Cao (xã Tân Hương), Hội Đền Giá (xã Đông Cao), Hội Thù Lâm, Xuân Trù, Cổ Pháp (xã Tiên Phong)… chỉ đặt một hòm công đức tại trung tâm, tránh đặt rải rác gây phiền hà cho người dân đến lễ chùa cũng như dễ dàng hơn cho Ban tổ chức lễ hội trong khâu quản lý. Bên cạnh đó là thống nhất tổ chức các trò chơi dân gian như vật, kéo co, đánh đu, chọi gà, leo cầu kiều, đi cà kheo; phần lễ rước sắc, di vật được tiến hành trang trọng nhưng vẫn đảm bảo an ninh trật tự, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, năm nay sau lễ hội, không còn tình trạng ô nhiễm bởi rác thải do người dân thiếu ý thức xả ra bừa bãi như trước nữa. Hơn nữa, các trò cờ bạc bịp núp bóng dưới tên những trò chơi như: “Chiếc nón kỳ diệu”, “Cờ thế”, “Rút thẻ”… được dẹp bỏ.
Đời sống vật chất được cải thiện, cùng với đó chất lượng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú, nhân dân các dân tộc huyện Phổ Yên đã và đang tạo dựng cho mình một nếp sống văn hóa, lành mạnh…