Người “chép sử” Hoàng Sa bằng cổ vật

15:06, 03/05/2010

Trên chuyến tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi “nghe lóm” được câu chuyện giữa tiến sĩ Nguyễn Nhã, Trưởng Ban điều hành tủ sách Hoàng Sa - Trường Sa và biển Đông, Ủy viên Ban chấp hành Hội khoa học lịch sử Việt Nam với những người bạn của ông. Chuyện rằng ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có một người đàn ông vào độ tuổi “xưa nay hiếm” đang sở hữu hàng nghìn cổ vật có giá trị, trong đó có những cổ vật liên quan đến Hoàng Sa….

 

Từ gốc cổ thụ mang tên “Chinh phụ Hoàng Sa”

 

Người đó là ông Đặng Thoại Tuyền, hậu duệ đời thứ 7 của Thủy quân Chánh suất đội Phạm Hữu Nhật, một trong những vị Chánh cai đội nổi tiếng trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa. Ông còn là hậu duệ của cụ Phạm Danh Lân - người giữ chức Thủ sắc ở Đình làng An Vĩnh, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 

Câu chuyện của tiến sĩ Nguyễn Nhã trên con tàu lắc lư, chập chờn theo từng cơn sóng biển ra đảo Lý Sơn đã khiến tôi thực sự xúc động, cho nên vừa đặt chân lên đảo, tôi đã vội tìm đến thôn Đông, xã An Vĩnh.

 

“Ông cổ vật” đang ngồi lặng lẽ chăm sóc cho một cây cảnh cổ thụ ngoài sân. Điều làm tôi sửng sốt là gốc cây xù xì những u mấu thời gian này được chủ nhân của nó - ông Đặng Thoại Tuyền đặt tên là “Chinh phụ Hoàng Sa”. Ông giải thích từ mấy trăm năm trước trên hòn đảo mang tên Lý Sơn nằm giữa muôn trùng sóng vỗ này và những vùng phụ cận ven biển Quảng Ngãi có hàng nghìn thiếu phụ đã phải chôn chặt tuổi xuân bởi chồng ra đi vì nghĩa lớn rồi vĩnh viễn không về. Những người chồng, người con ấy chính là những hùng binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã vệ quốc vong thân, được muôn đời hậu thế thờ tự...

 

Với gốc cây cảnh này ông đã thể hiện vào đó tất cả những nỗi niềm lịch sử ấy.

 

Lời giảng giải về những trang sử

 

Trong căn phòng khách được “bao vây” bởi vô số cổ vật, rón đôi tay gầy guộc châm nước vào chiếc bình trà có từ thời Cảnh Hưng để tiếp kẻ hậu sinh “không mời mà đến”, ông Thoại Tuyền trầm ngâm nói: “Tôi muốn giữ lại tất cả những gì mình có của quá khứ thuộc về gia đình, về dòng tộc, về địa phương mình, về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở nơi xa ngái mà gần gũi, máu thịt, thiêng liêng, nơi mấy trăm năm trước thế hệ cha ông của tôi, của chúng ta đã ra đi và nhiều người đã gửi mình trong làn nước biển xanh để giữ gìn sự vẹn toàn hình hài của giang sơn gấm vóc. Ý nguyện đó chính là “cơ duyên” đưa lối cho tôi đến với “miền đất thiêng” sưu tầm và gìn giữ cổ vật - ngừng một lát ông nói tiếp - “Đối với tôi từng món đồ cổ trong ngôi nhà này đều là những báu vật”.

 

Giới thiệu với tôi về tấm “An Nam Đại Quốc họa đồ” của giám mục Taberd (người Pháp) vẽ năm 1838 in trong cuốn Từ điển La tinh - An Nam được phóng to treo trang trọng giữa nhà, ông cho hay: “Năm rồi, nhân chuyến ra đảo Lý Sơn công tác, tiến sĩ Nguyễn Nhã có đến thăm nhà và tặng tôi tấm bản đồ này. Đối với tôi đây là một báu vật, bởi “An Nam Đại Quốc họa đồ” là một trong những bằng chứng khách quan về lịch sử cho thấy quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tôi nói nó khách quan bởi ông Taberd là người Pháp và trên tấm bản đồ này cũng không có bất cứ một từ, một hòn đảo nhỏ nào quanh khu vực rộng lớn của quần đảo Hoàng Sa được ông Taberd và cộng sự của mình khi cho xuất bản cuốn Từ điển La tinh - An Nam ghi là của nước khác cả”, ông Tuyền giảng giải.

 

Ông cho biết, hiện ông đang lưu giữ ngót nghét 2.000 món cổ vật khác nhau. Cách đây mấy năm ông đã tự nguyện hiến tặng hàng trăm món cổ vật cho Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi vì sợ rằng mình không có khả năng bảo quản hết được.

 

Sửa lại đôi kính trên khuôn mặt già nua, ông chậm rãi nói tiếp: “Tôi đã được đọc một số sử liệu cũ ghi rằng, năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Nhà vua chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị lo việc phái binh phu ra nơi quần đảo Hoàng Sa để tuần phòng, dựng bia cắm mốc chủ quyền. Sách Đại Nam Thực lục Chính Biên Đệ Nhị Kỷ, chép rằng từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua hàng năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Trước tờ tấu trình của bề tôi, Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu của Bộ Công ngày 12/2/1836 rằng “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc làm cột mốc”. Trong số những người thực hiện nghĩa vụ của thần dân với đất nước ngày xưa ấy, có rất nhiều người “một đi không trở lại”. Họ chính là những “nhân vật chính” trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được cư dân huyện đảo Lý Sơn duy trì từ mấy trăm năm qua”.

 

Nghe ông giảng giải, bất chợt tôi nhớ bài Hoàng Sa xứ của nhà thơ Lý Văn Hiền, có đoạn “Bốn bên trời nước mênh mông/ Lệnh vua sai quyết lòng ra đi/ Nam nhi cưỡi sóng Hoàng Sa xứ/ Vung chèo trực chỉ hề biển Đông/ ... Hoàng Sa chính sử trang văn tỏ/ Lớp lớp người mộ gió hình nhân/ Máu xương kết tạc hàng cột mốc/ Phên giậu Việt Nam đã dựng thành”.

 

Bức tượng thờ bí ẩn

 

Bộ sưu tập của ông có hàng nghìn món nhưng ông thích nhất là các cổ vật của văn hóa Sa Huỳnh, các văn bản, sắc chỉ, khế ước bằng văn bản Hán Nôm, các tượng bán thân... Ông đặc biệt tiếc nuối vì bản sắc phong thần của vua Gia Long cho những binh phu đi “Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” được ông tổ của ông là cụ Phạm Danh Lân - người giữ chức Thủ sắc ở đình làng An Vĩnh lưu truyền lại cho dòng tộc nay đã bị thất lạc.

 

Mỗi món cổ vật đều có gốc gác, cội nguồn của nó, ông Tuyền tâm sự. Đưa tay đỡ lấy bức tượng bán thân được làm bằng đồng, “ông cổ vật” cho biết, lúc ông có được bức tượng này cách đây ngót 20 năm, ông đem hỏi các bậc cao niên trong làng thì được các cụ cho rằng có thể đây chính là bức tượng của một trong số các vị Cai đội thủy quân nổi tiếng như Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám, Phạm Hữu Nhật... được người đương thời quý trọng nên đúc tượng để thờ.

 

Kho cổ vật của ông Tuyền chứa đựng rất nhiều giá trị về văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt là dấu tích từ thời các chúa Nguyễn bắt đầu thiết lập bộ máy chính quyền ở vùng đất phía Nam của Tổ quốc đến thời Tây Sơn và thời nhà Nguyễn sau này gắn liền với sự vẹn toàn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông.

 

Chia tay tôi, “Người chép sử bằng cổ vật” Đặng Thoại Tuyền còn căn dặn “Hiện nay trên vùng biển Sa Kỳ vẫn còn nhiều dấu tích liên quan đến đội Hoàng Sa, Trường Sa, như vườn đồn là nơi các binh phu tập trung trước khi xuất bến; miếu Hoàng Sa - nơi các binh phu tế thần trước lúc đạp sóng ra khơi. Đặc biệt trên đảo Lý Sơn vẫn còn nhiều dấu tích liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa- Trường Sa như nhà thờ họ Võ và mộ cụ Võ Văn Khiết, nhà thờ và mộ cụ Phạm Quang Ảnh cùng các binh phu đi Hoàng Sa; nhà thờ chi phái Phạm Văn và mộ cụ Phạm Hữu Nhật; nhà thờ họ Đặng thờ cụ Đặng Văn Siểm; mộ cụ Nguyễn Quang Tám; đình làng An Vĩnh, An Hải - nơi những binh phu tế tự trước khi lên đường làm nhiệm vụ; Âm Linh Tự, nơi phối thờ các chiến sĩ Hoàng Sa - Trường Sa trong nhiều thế kỷ. Đó là những bằng chứng lịch sử xác đáng về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông, ông Đặng Thoại Tuyền kết luận.