Họa sĩ Trần Hòa Bình có niềm tin thật kỳ lạ vào nghề vẽ truyền thần, không bao giờ mất và còn khẳng định đó là “đặc sản” của hội họa Việt Nam. Hiện ba con trai của ông cũng học và hành nghề vẽ truyền thần và chép tranh ở Hà Nội. Vậy là gia đình ông có tới ba đời đều sinh sống bằng nghề vẽ...
Khoảng dăm năm qua, nghề vẽ truyền thần ngày càng thê thảm và ngỡ như bị mất hút trước kỹ thuật đồ họa và xử lý ảnh của công nghệ vi tính, đang phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn đó những họa sĩ kiên trì, không bỏ nghề mà họ đã theo đuổi hàng chục năm trời, như các họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên, Trần Thịnh, ở Hà Nội; Công Thanh ở cố đo Huế; Minh Đức ở Quy Nhơn; Lê Vũ ở Khánh Hòa; Trần Lầu ở Quảng Nam; Lương Văn Điệp ở TP. HCM...Đặc biệt, họa sĩ Trần Hòa Bình, rất nổi tiếng ở thị trấn Phát Diệm, Ninh Bình, là người chuyên vẽ truyền thần chân dung Bác Hồ, bằng chất liệu sơn dầu, suốt hơn 40 năm qua. Mới đây, ông vừa hoàn thành bức truyền ảnh Bác Hồ, thứ 520 với kích thước 72 X 92 cm.
Họa sĩ Trần Hòa Bình được bố ông là họa sĩ Nam Phong truyền nghề từ nhỏ. Hơn mười tuổi, cậu bé Hòa Bình bắt đầu cầm cây cọ và đã quan sát những nét vẽ đầu tiên của bố mình khi truyền ảnh Bác Hồ trên giấy crô- ky khổ lớn. Và cũng từ đó Trần hòa Bình học những bài vỡ lòng về mầu sắc, đường nét, bố cục và đặc biệt đó là sự rung động và làm sao truyền được cái thần của nhân vật trên bản vẽ...
Họa sĩ Trần Hòa Bình chợt nhớ lại và kể, có lần bố ông đã trằn trọc suốt đêm vì một lần vẽ bức ảnh Bác Hồ không được tự nhiên, bởi một chi tiết rất nhỏ. Đột nhiên ông ngồi bật dậy nói với con trai: “Dù chi tiết nhỏ và mong manh như sợi râu của Bác thôi cũng phải vẽ sao cho, không chỉ giống mà còn phải ẩn chứa cả tấm lòng nhân ái bao la của Người”.
Rồi từ đó, ông cầm tay và chỉ bảo cho Trần Hòa Bình cách thể hiện từng nét vẽ cùng cách xử lý độ tương phản về ánh sáng và màu sắc để làm bật lên cái thần thái của chân dung Bác Hồ. Đó là vầng trán thông mình vĩ đại của Người; Đó là đôi mắt tràn đầy tình yêu thương với cuộc sống của Người; Đó là chòm râu của “ông Tiên” đối với các cháu thiếu nhi cả nước; Và đó còn là nụ cười nhân hậu, đầy bao dung của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam...
Những bài học ấy ngày một thấm sâu vào thế giới sáng tạo của họa sĩ Trần Hòa Bình. Khi bước vào tuổi 16, năm 1971, Trần Hòa Bình đã vẽ truyền bức chân dung Bác Hồ đầu tiên trong đời mình. Tác phẩm này, là món quà tặng Ủy Ban thị trấn Phát Diệm, trong hội nghị tổng kết năm và được mọi người trầm trồ thán phục vì hình tượng Bác toát lên dáng vẻ ung dung tự tại của một bậc thánh hiền và ấm áp tình người. Cho đến nay họa sĩ Trần hòa Bình vẫn không thể quên được cảm xúc vui sướng trong lòng, mặc dù kỷ niệm đó đã cách đây gần 40 năm. Trong thời gian tiếp sau, Trần Hòa Bình còn học thêm về lịch sử hội họa cổ điển, vẽ nhiều bức theo mẫu tranh thời kỳ Phục Hưng và dòng tranh nhà thờ, để luyện thêm về kỹ thuật sơn dầu, mầu sắc hội họa và bố cục. Chính quá trình rèn luyện này đã được họa sĩ Trần Hòa Bình vận dụng vào vẽ truyền ảnh miêu tả nhân vật và đặc biệt là chân dung Bác Hồ.
Họa sĩ Trần Hòa Bình nói, sự thành công của ông là nhờ ở việc xác định được mẫu ảnh Bác Hồ duy nhất, chứ không vẽ nhiều mẫu ảnh như trước đây. Năm 1994, họa sĩ Nam Phong mất đi đã để lại toàn bộ gia sản và cửa hàng cho con trai, nên họa sĩ Trần Hòa Bình tiếp tục thực hiện các hợp đồng mới, khi khách đến yêu cầu vẽ ảnh chân dung Bác Hồ.
Sau này với mẫu ảnh Bác Hồ đã chọn, họa sĩ Trần Hòa Bình đã gây ấn tượng sâu rộng đối với nhiều đơn vị, cơ quan và các cấp chính quyền địa phương trong huyện Kim Sơn và tỉnh Ninh Bình. Đây là những nơi rất cần treo ảnh Bác nhưng đều khó tìm và không có ảnh khổ to, nên thường đặt vẽ theo mẫu ảnh tại xưởng của họa sĩ Trần Hòa Bình. Những bức tranh truyền ảnh khổ lớn của ông nổi bật vì mầu sắc, rất thật hình sinh động và có thần.
Họa sĩ Trần Hòa Bình tâm sự rằng với mẫu vẽ này ông đã thuộc từng chi tiết trong quá trình vẽ suốt mấy chục năm qua. Khi tôi hỏi vẽ chân dung Bác Hồ khó nhất là chi tiết nào, ông nói ngay: “- Khó là ở bộ râu và nụ cười ấm áp ẩn trong khóe miệng của Bác. Ngoài ánh sáng từ đôi mắt, còn để tạo nên cái thần thái của chân dung Bác phải vẽ được nét đẹp nhất ở khóe miệng tươi và chòm râu mềm mại của Người”.
Nếu ngắm bức ảnh không thôi thì quả khó thấy những điều đó, nhưng họa sĩ phải cảm thấy, nhập tâm để thấm cho được cái nét thần thái cần bày tỏ và vẽ cho ra. Đúng như ông đã tâm sự thêm rằng, ở kỹ thuật số không thể làm ra được những điều sâu sắc như vậy, mà chỉ ở hội họa, với những bức tranh sơn dầu của ông mới toát lên. Cũng có lẽ vì thế chăng mà ông và cùng nhiều họa sĩ khác tin tưởng món “đặc sản” truyền thần trong hội họa VN không thể mất đi. Và hiện nay nhiều cơ quan cấp Bộ, ban ngành, ngoại giao ở Hà Nội, Ninh Bình và các đơn vị hành chính địa phương quanh vùng Kim Sơn đều tìm về xưởng vẽ của Họa sĩ Trần Hòa bình đặt vẽ chân dung Bác để trưng bày tại công sở hoặc làm quà tặng khi mỗi dịp lễ hội...
Giở cho tôi xem sổ lưu ký và đặt hàng từng nơi, từ những năm từ 2000 đến nay, rôi ông đưa tôi xem bức chân dung Bác thứ 520 mới hoàn thành. Hầu như tất cả các tác phẩm này ông đều vẽ kích thước lớn theo yêu cầu của khách hàng với chất liệu sơn dầu, nên mầu sắc tươi sáng và bền chắc với thời gian.
Họa sĩ Trần Hòa Bình hồ hởi xác định rằng, mình sẽ tiếp tục vẽ chân dung Bác trong tương lai. Ông khẳng định hiện nhu cầu treo và trưng bày chân dung Bác Hồ của các tổ chức tập thể và cá nhân ngày một cao. Trong khi đó các cơ quan xuất bản và ấn loát chưa đáp ứng đầy đủ. Hơn nữa, hiện nay nhu cầu của người dùng còn hướng tới cái đẹp cái thần thái của một chân dung lãnh tụ. Muốn có được điều quan trọng đó, ông khẳng định chỉ có họa sĩ mới đáp ứng nổi và hơn hẳn kỹ thuật in ấn một khuôn mẫu giống nhau. Và ông sớm truyền nghề lại cho cả ba người con trai vì lẽ đó. Bên cạnh, ông còn có nhiều học trò khác theo nghề vẽ tưởng như khó kiếm tiền này, nhưng ông rất hy vọng vào tài năng của người con trai cả là Trần Thế Anh, với một năng khiếu nổi bật từ nhỏ.
Nói đến kỷ lục ông rụt rè bày tỏ: “Kỷ lục chỉ là con số mà thôi. Tôi không hề có ý thức chạy đua, mà điều đáng quý nhất là tình yêu thương vô hạn của cả dân tộc Việt Nam với Bác Hồ, cùng những bài học quý báu mà Người đã từng sống gương mẫu và truyền lại cho con cháu muôn đời mai sau toát lên trong mỗi tác phẩm”.
Vậy nên, ông thường dặn lại từng người con của mình, với mỗi bức họa chân dung Bác Hồ là một quá trình tập trung sáng tạo của mỗi họa sĩ và cũng là những bài học về đạo đức của Người luôn vang lên trong nhịp sống. Cùng với họa sĩ Trần Hòa Bình, nhiều họa sĩ khác ở mọi phương trời của đất nước đang kiên trì lưu giữ hình ảnh Bác Hồ trong trái tim mọi người, bằng tài năng và lao động sáng tạo của mình. Họa sĩ Trần Lầu ở Quảng Nam rất đồng cảm với con đường kiên trì của họa sĩ Trần Hòa Bình, bởi ông cũng chính là người suốt nửa thế kỷ cầm cọ để truyền thần các danh nhân và nổi tiếng là người dạy sử cho học sinh bằng tranh. Ông cùng có ý nghĩ với họa sĩ Trần Hòa Bình rằng, mỗi bức chân dung Bác Hồ là một bài học về đạo đức của Người trong từng nét vẽ đối với họa sĩ. Cả ba người con trai của ông đều thấm nhuần sâu sắc những bài học qua sự trải nghiệm trên từng nét bút thể hiện chân dung Bác. Hy vọng rằng sự nghiệp của ông sẽ luôn luôn mở mang cùng với con cháu sau này.
Riêng đối với họa sĩ Trần Hòa Bình, tôi lại càng tin tưởng, những bức họa chân dung Bác Hồ, bằng sơn dầu của ông luôn thấm đậm tình người, toát lên cảm xúc chân thành của người họa sĩ. Một kỷ lục mới sẽ mỗi ngày một chắp nối. Hình ảnh cặm cụi của ông bên giá vẽ, tuy ầm thầm nhưng luôn luôn ám ảnh tâm hồn mọi người về một khóe miệng tươi sắc và chòm râu hiền từ của Bác, ngày càng làm đầy thêm tình yêu thương bao la của Người đối với dân tộc Việt