Nhiều khán giả Thái Nguyên cũng như khán giả cả nước biết đến nghệ sĩ Xuân Giao-người thể hiện vai diễn về hình tượng Bác Hồ trên sân khấu khá thành công. Cũng từ vai diễn này, ông có điều kiện khẳng định mình trên con đường nghệ thuật.
Tôi cũng như rất nhiều người đã hỏi ông về bí quyết thành công khi thể hiện vai diễn về Bác. Ông ôn tồn bảo: Nói về nghề thì đó là sự nghiệp diễn, nhưng cao hơn cả thì đó là sự kỳ vọng của nhiều đồng nghiệp vào tôi. Hơn nữa, tôi không muốn để các đồng nghiệp thất vọng.
Nghệ sĩ Xuân Giao sinh ngày 3/1/1950, tên khai sinh là Nguyễn Đình Quế, tên thường gọi Nguyễn Xuân Giao. Ông sinh ra ở T.P Thái Nguyên và đi vào con đường nghệ thuật như một định mệnh. Năm 1968, nhập ngũ, vừa chân ướt chân ráo được 9 tháng luyện tập thì nhận được quyết định của cấp trên: Ưu tiên chuyển Nguyễn Xuân Giao sang làm nghệ thuật. Kể từ đó (1969), ông gắn với nghiệp sân khấu chèo của Thái Nguyên. Vừa diễn, vừa trau dồi kinh nghiệm, ngoài đời thường ông là một Xuân Giao bình dị, nhưng trên sân khấu ông hoá thân vào vai diễn, nhập tâm đến độ làm khán giả mê chèo ngỡ mình đang được chứng kiến một câu chuyện có thật đang xảy ra ngoài đời.
Sự nghiệp diễn, với ông vui cũng lắm mà cực cũng nhiều. Lúc tỏ mặt sáng đèn trên sân khấu, khán giả được chứng kiến một tên tướng cướp gian ác, một vị vua anh minh hoặc một kẻ ăn mày… Với vóc người cao1,72m, đạo diễn kịch bản cũng dễ giao vai diễn. Song có một câu chuyện cho đến bây giờ trong giới nghệ sĩ Thái Nguyên ai cũng nhớ. Xuân Giao, diễn viên Đoàn chèo tỉnh có bộ tóc dài ngang lưng, hằng ngày đến cơ quan, mái tóc đó được búi gọn phía sau, cài châm trông như các cụ đồ nho thời trước năm một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm. Vào một ngày của năm 1999, ông Mông Đông Vũ, Trưởng đoàn chèo Thái nguyên gọi Xuân Giao lại, bảo: Ông cắt bộ tóc này đi. Xuân Giao nẩy mình, vặc lại: Tớ nuôi nó 30 năm nay, nó là một phần của cuộc đời tớ, cắt bỏ nó khác nào chặt chân, chặt tay Giao này. Ông Vũ thủ thỉ: Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tướng người ông thể hiện vai Bác Hồ sẽ rất thành công.
Mông Đông Vũ và Xuân Giao là 2 người bạn thân, nên họ nói chuyện với nhau tự nhiên mà không cần phải rào đón gì. Mông Đông Vũ bảo: Xuân Giao, lên xe, tớ đưa đi đằng này có tí việc. Bị bất ngờ, Xuân Giao lớ ngớ ngồi lên sau xe máy và bị Đông Vũ đưa thẳng vào hiệu cắt tóc, ấn ngồi xuống ghế. Cô nhân viên trẻ trung xuất hiện với chiếc kéo trong tay, nhanh nhẹn xoẹt ngang mái tóc. Xuân Giao nấc lên: Chết tôi rồi. Cô nhân viên lại ấn Xuân Giao ngồi xuống, nhỏ nhẹ bên tai: Anh Đông Vũ trả tiền thuê em làm việc này, anh ngồi yên để em… thi hành nhiệm vụ.
Về cơ quan, chưa kịp bắt đền bạn mái tóc thì Đông Vũ bảo: Xuân Giao, nhiệm vụ thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, không phải là nghiệp diễn đơn thuần, mình chịu thiệt một chút, có sao đâu… Xuân Giao tâm sự: Đạo diễn Trần Đình Ngôn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu sân khấu, tác giả kịch bản đêm trăng huyền thoại cũng đã đi nhiều, “ngắm” nhiều, nên đặt nhiều kỳ vọng vào tôi.
Cũng từ khi cắt tóc, để râu, khán giả Thái Nguyên thấy bẵng đi hơn 9 tháng dòng, không thấy vai tướng cướp, kẻ ăn mày hay vai vua chúa do Xuân Giao thể hiện. Kể cũng tiếc, nhưng đó là thời gian ông “đóng cửa” tập luyện sao cho giống vị lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từng động tác của Bác như cách đi lại, ánh mắt, nụ cười, sự đăm chiêu, khó nhất vẫn là cách phát âm. Trong thời gian luyện tập, lãnh đạo cơ quan mang đến cho ông một số băng ghi âm lời phát biểu của Bác trước cán bộ, nhân dân cả nước. Ông nghe, nghĩ, ngẫm và tập theo. Bản thân ông cũng không ngờ mình lại đạt như vậy. Nhưng cho đến ngày tổng duyệt vở kịch Đêm trăng nhớ Bác, đạo diễn và nhiều bạn bè đã ôm Xuân Giao khóc. Khóc mừng vì đã chọn được đúng người thể hiện thành công vai diễn về hình tượng Bác Hồ.
-Diễn nhiều, thuộc vai, lên sân khấu thể hiện vai Bác Hồ, ông có bị áp lực gì không? Tôi hỏi.
-Lần nào lên sân khấu tôi cũng đều căng thẳng như lần đầu. Không ít đêm diễn lúc bước ra sân khấu, vừa thấy (Bác), khán giả đã vỗ tay, xúc động, tôi bối rối lắm chứ. Lúc đó tôi đâu còn là Xuân Giao, mà là Bác Hồ trong trái tim của người dân Việt
Nay đã nghỉ hưu tại một ngõ nhỏ của phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), nhưng các đoàn nghệ thuật của Thái Nguyên vẫn vời Xuân Giao thể hiện vai diễn hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Tuy sức khoẻ không còn sung mãn, nhưng với ông, được bước lên sân khấu, không có niềm hạnh phúc nào hơn.