Ra mắt cuốn sách "Hồ Chí Minh - Một biên niên sử"

15:40, 17/05/2010

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách "Hồ Chí Minh - Một biên niên sử" do Nhà xuất bản Neues Leben, Đức ấn hành năm 2009 nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày mất của Người, sẽ ra mắt bạn đọc Việt Nam bằng tiếng Việt.

 

Trong tháng Năm lịch sử này, chúng tôi đã may mắn gặp tác giả cuốn "Hồ Chí Minh - Một biên niên sử," ông Hellmut Kapfenberger. Mặc dù năm nay đã 77 tuổi, nhưng ông Kapfenberger vẫn còn rất tráng kiện và minh mẫn.

 

Tại căn hộ nhỏ nhưng gọn gàng của ông ở quận Pankow, Berlin, nơi ông lưu giữ rất nhiều sách, báo và kỷ vật về Việt Nam, ông cho chúng tôi xem một bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh có đường kính khoảng 20cm và cho biết đây là tác phẩm của Gerhard Rommel, bạn ông, một nhà điêu khắc Đức nổi tiếng làm từ năm 1981. Mới đây, ông đã cho đúc một bản y hệt để khi có dịp sẽ đem về tặng Viện bảo tàng Hồ Chí Minh.

 

Cũng tại đây, ông đã hào hứng kể lại về những ngày hoạt động báo chí tại Việt Nam, về những kỷ niệm không bao giờ quên trong những chuyến đi công tác tại đây, về những tình cảm vô bờ bến của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và về những cơ duyên đưa tới việc ông viết cuốn"Hồ Chí Minh - Một biên niên sử."

 

Ông Kapfenberger cho biết, ông rất mừng và biết ơn vì đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 của Người, cuốn sách của ông đã được dịch ra tiếng Việt và ra mắt các độc giả Việt Nam.

 

Là một nhà báo lão thành, có nhiều gắn bó với Việt Nam, ông Kapfenberger đã từng sống và làm việc bảy năm ở Việt Nam với tư cách phóng viên thường trú của Thông tấn xã Cộng hòa Dân chủ Đức ADN và báo Nước Đức Mới, từ năm 1970-1973 và 1980-1984.

 

Ông đã từng chứng kiến và đưa tin về cuộc kháng chiến gian khổ và anh hùng của nhân dân Việt Nam, về cuộc chiến tranh phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ tại Việt Nam như ném bom, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng ngày 16/4/1972, dùng máy bay B-52 ném bom rải thảm ở Hà Nội và trận "Điện Biên phủ trên không" tháng 12/1972.

 

Năm 1973, ít lâu sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông là một trong số ít nhà báo được "vượt sông Bến Hải" để vào thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị.

 

Năm 1982, ông đã trở lại Hải Phòng và viết một bài phóng sự dài "Hải Phòng, một thành phố mới xuất hiện," kể về thành phố Hải Phòng hồi sinh sau 10 năm bị bom đạn Mỹ phá hủy. Trong bài, ông đã điểm lại những đau thương, mất mát mà Hải Phòng phải chịu đựng trong những trận đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ năm 1972 và thành phố cảng sau bảy năm hòa bình với hải cảng đang được cải tạo và nâng cấp, về hoạt động của nhà máy ximăng, nhà máy nhiệt điện Phả Lại...

 

Cho tới tận bây giờ, ông Kapfenberger vẫn còn tiếc vì không có cơ hội được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi ông có dịp sang Việt Nam năm 1970, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mãi mãi ra đi trước đó mấy tháng. Nhưng khi vừa mới sang tới Hà Nội, ông Kapfenberger đã có dịp về thăm làng Sen, thăm ngôi nhà thời thơ ấu của Bác Hồ mà ông hằng ngưỡng mộ. Từ đó, ông thường xuyên sưu tập các tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nguyện vọng sẽ viết một cuốn sách về Người.

 

Mặc dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng nhà báo Kapfenberger vẫn thường xuyên theo dõi tình hình trong nước và quốc tế, nhất là về tình hình Việt Nam, mảnh đất đã có nhiều gắn bó với ông. Trong nhiều dịp lễ, ông thường có bài viết về Việt Nam, nhất là về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Năm ngoái, nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày mất của Người, ông đã viết một bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tiêu đề "Hồ Chí Minh, một tượng đài Cách mạng" đăng trên báo Nước Đức Mới, sau đó được Thông tấn xã Việt Nam và nhiều báo chí Việt Nam dịch và đăng tải lại.

 

Ông cho biết, ông mới viết thêm một bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề "Hồ Chí Minh, một cuộc đời cống hiến cho Cách mạng," sẽ đăng trên báo Nước Đức Mới nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 của Người.

 

Mới đây, trong buổi tiếp thân mật ông Kapfenberger tại Đại sứ quán, Đại sứ Việt Nam Đỗ Hòa Bình đã trân trọng cảm ơn ông Kapfenberger xuất bản cuốn sách viết về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là biểu hiện của tấm lòng kính yêu Bác và tình cảm quý mến của ông đối với nhân dân Việt Nam và chúc mừng ông nhân dịp cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Việt.

 

Ông Kapfenberger cho biết viết cuốn sách này về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhu cầu xuất phát từ trong trái tìm ông, một điều mà ông đã ấp ủ rất lâu, nay mới trở thành hiện thực. Ông nêu rõ, càng nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấy Người vĩ đại, vì đối với Người, nhân dân là chính chứ không phải là vinh quang cá nhân, đó cũng chính là lý do mà Người đã từ chối nhận Huân chương Sao Vàng và Huân chương Lenin, khi miền Nam chưa được giải phóng.

 

Ông Kapfenberger nhấn mạnh: "Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời độc nhất vô nhị mà không một chính khách nào có thể so sánh. Thế giới không được phép quên Hồ Chí Minh".