Ngày 19/5, tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức rước từng phần tượng Thánh Gióng lên lắp dựng tại đỉnh núi Đá Chồng cao 297m trên dãy núi Sóc.
Theo lưu truyền đây là nơi Thánh Gióng sau khi thắng giặc, cởi bỏ giáp sắt, hiển Thánh về trời.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - trưởng ban quản lý Dự án tượng đài Thánh Gióng cho biết việc rước tượng Thánh Gióng lên đỉnh núi Đá Chồng là khâu khó và quan trọng nhất của dự án tượng đài Thánh Gióng.
Để làm được việc này, trước đó, ban quản lý dự án đã tiến hành mở đường công vụ, thi công đường điện, đường nước từ chân núi lên đỉnh núi (khoảng 3km).
“Chúng tôi phải huy động ba cần cẩu cùng bốn ôtô siêu trường siêu trọng từ Tổng công ty LILAMA để phục vụ vận chuyển từng phần tượng Thánh Gióng lên đỉnh núi. Trong đó, phần nặng nhất là đế tượng bằng đồng, cộng thêm khung, xương đỡ, tổng trọng lượng lên tới gần 60 tấn. Riêng cần cẩu, chúng tôi cũng phải tháo rời để vận chuyển lên đỉnh núi mới lắp dựng,” Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết.
Bên cạnh đó, các hạng mục khác của dự án như móng bệ tượng đài, nhà phương đình, sân hành lễ cũng đang được khẩn trương hoàn thiện.
Đặc biệt, để giữ ổn định đất, mặt bằng cho móng tượng đài và phục vụ công tác thi công, ban quản lý dự án đã sử dụng khoảng 7.000m3 đá kè xung quanh khu vực đặt tượng đài (rộng gần 10.000m2). Đây là hạng mục không có trong dự toán ban đầu của dự án.
Về việc đúc tượng Thánh Gióng, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết ban quản lý dự án đã mời Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) tham gia giám sát và kiểm định trong suốt quá trình đúc, đảm bảo chất lượng và thần thái đẹp của tượng.
Theo kế hoạch, sau khi được rước lên đỉnh núi Đá Chồng, tượng Thánh Gióng tiếp tục được lắp dựng, đánh bóng, xuống màu hoàn chỉnh, đảm bảo kỹ thuật và mỹ thuật. Toàn bộ công trình Tượng đài Thánh Gióng sẽ hoàn thành vào tháng 9/2010, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Tượng đài Thánh Gióng có chiều cao tới đỉnh là 11,07m, độ vươn ra là 16m, mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh.
Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công, tổng trọng lượng khoảng 85 tấn và chia làm năm thớt để đúc. Thớt đầu tiên đúc phần người và ngựa tượng Thánh Gióng. Thớt cuối cùng đúc phần đế tượng, có trọng lượng lớn nhất, nặng khoảng 30 tấn.
Tượng đài Thánh Gióng được Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội (cũ) khởi công từ tháng 7/2004 (giai đoạn 1) với việc xây dựng đường lên và đường xuống xung quanh khu vực tượng đài.
Tháng 10/2007, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển giao Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng (giai đoạn thực hiện) theo phương thức xã hội hóa.
Ngày 26/1/2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã làm lễ đặt đá xây dựng tượng đài trên đỉnh núi Đá Chồng, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.
Ngày 26/10/2009, thớt đồng đầu tiên của Tượng đài Thánh Gióng đã được khởi đúc.
Ngày 5/3/2010, giọt đồng cuối cùng được đổ, hoàn thành việc đúc tượng.
Tổng dự toán công trình (giai đoạn thực hiện) vào khoảng 50 tỷ đồng, trong đó riêng phần đúc tượng hơn 25 tỷ đồng.