Chương trình được kết cấu gồm 2 phần liên kết xuyên suốt thể hiện âm hưởng chủ đạo là sự tôn vinh các giá trị truyền thống và sự giao lưu tỏa sáng của các di sản văn hóa đại diện cho 5 châu lục.
Lễ khai mạc đã diễn ra hoành tráng, sắc màu tại Quảng trường Ngọ Môn, nhìn về phía Kỳ Đài, TP Huế, tối 5/6. Đến dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và đông đảo nhân dân Thừa Thiên- Huế, du khách trong và ngoài nước.
Phần 1 có tiêu đề “Vọng ngàn năm” gồm liên khúc các tác phẩm ngợi ca khí phách của cha ông- khát vọng thống nhất non sông dựng nên nghiệp lớn để Thái bình Thiên phúc, từ Hoa Lư đến Thăng Long muôn đời tỏa sáng, ca ngợi Hồ Chủ tịch, tôn vinh di sản
Với liên khúc Hào khí Hoa Lư- Dời đô ngàn năm vang mãi, Lễ khai mạc mở màn bằng sân khấu tĩnh lặng, bầu trời đầy sao, ánh sáng laze đan cắt tạo ra các ảo ảnh trầm mặc trong tiếng nhạc bi hùng.
Tiếng reo hò vang vọng của 100 trẻ mục đồng-tay cầm cờ lau tràn ngập ra sân khấu cùng 100 lá cờ súy từ sau phông trời bật dậy tung bay trong tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng kèn bóp rôn rã náo nhiệt khắc họa khí phách khát vọng của Đinh Bộ Lĩnh thủa thiếu thời- người sau có công dựng Cố đô Hoa Lư rạng rỡ một thời.
Tiết mục mở đầu là một khúc ca hào hùng, là tiếng vọng ngàn xưa, gợi nhớ về quá khứ sinh thành, hội tụ của cố đô đầu tiên nước Đại Việt.
Tiếp theo là tiết mục Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người thể hiện lòng tri ân của con dân luôn ghi nhớ ơn Người. Tiếp đến là liên khuác tôn vinh di sản: Nhã nhạc, Hát Ca trù, Quan họ, Cồng chiêng,…
Phần 2 của lễ khai mạc với tiêu đề Hội ngộ Cố đô, gồm liên khúc các tác phẩm khắc họa chủ đề “Hội ngộ và phát triển”, Hà Nội-Huế-Sài Gòn cùng cả nước và bạn bè năm châu hân hoan trong ngày vui hội ngộ tại Cố đô trong niềm hoan ca để giới thiệu về quê hương, đất nước.
Ngoài ra, người dân Cố đô và du khách còn được thưởng thức các màn biểu diễn nghệ thuật của các đoàn: Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Bỉ…
Tiếp sau tối 5/6, nhiều chương trình đặc sắc trong khuôn khổ Festival tiếp tục diễn ra trên khắp nơi tại Huế đến hết ngày 13/6.
Với chủ đề “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 là hoạt động trong chương trình quốc gia hướng đến ky niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, 50 năm kết nghĩa Hà Nội- Huế- Sài Gòn. Điểm mới là Festival Huế 2010 sẽ có mặt đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục. Có 28 quốc gia tham gia với tổng số gần 50 nhóm nghệ sỹ và đoàn nghệ thuật.
Festival Huế 2010 lần đầu tiên sẽ được mở rộng ra các sân khấu ngoài phạm vi thành phố, mở ra các vùng lân cận như: các thị trấn, thị tứ, lên các vùng sâu vùng xa như A Lưới, Phong Điền, Phú Vang…với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế./.