Hướng ống kính vào người lao động

10:16, 25/06/2010

Đó là tâm niệm trong suốt cuộc đời sáng tác của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn, hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

 

Được biết, trong Cuộc thi sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh vừa qua, ông đã có một bức ảnh đoạt giải B mang tên “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

 

Tiếp tôi tại nhà riêng ở Tổ 4, Phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), ông vui vẻ nói chuyện về nghề “tay trái” của mình như cách gọi của ông về nghề ảnh. Từ nhỏ ông đã đam mê chụp ảnh và ao ước lớn lên sẽ đi khắp mọi miền đất nước để ghi lại những phong cảnh thiên nhiên, khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Trong thời gian những năm 1980 là công nhân của Công ty Vận tải ô tô số 10, là hội viên Câu lạc bộ nhiếp ảnh Gang Thép, ông đã chụp được rất nhiều bức ảnh phản ánh các hoạt động lao động sản xuất, gương điển hình sản xuất giỏi, trong đó có những công nhân của Nhà máy Gang thép. Ban đầu, những bức ảnh của ông chỉ nhằm mục đích ghi lại chứ chưa có ý niệm ảnh mang tính nghệ thuật. Năm 1993, ông được kết nạp vào hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, đây là cơ hội để ông có điều kiện tiếp xúc với các nghệ sỹ nhiếp ảnh cũng như tài liệu nói về ảnh nghệ thuật. Và cũng từ đó, ông luôn say sưa đi kiếm tìm đề tài.

 

Ngoài thời gian làm việc hành chính (ông từng làm ở Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh), ông rong ruổi bằng xe máy trên các ngả đường, cuối tuần rảnh rỗi hơn thì đi các huyện, thành thị trong tỉnh, chuyến xa nhất là lên vùng Tây Bắc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La để chụp ảnh. Ông đã có nhiều bức ảnh đoạt giải như: giải Nhì cuộc thi ảnh do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, giải Nhì cuộc thi ảnh với chủ đề “Đất nước con người Việt Nam” do Báo Thừa Thiên Huế tổ chức, giải Ba cuộc thi ảnh của Báo Tiền Phong… Năm 2008, ông về nghỉ hưu. Từ đây, ông có thời gian hơn để dành cho nghề ảnh của mình. Với ông, để chụp một bức ảnh lưu niệm thì ai cũng có thể làm được, nhưng để chụp được một bức ảnh thật sự có hồn, mang tính nghệ thuật thì không phải là dễ ảnh nghệ thuật tốt nhất là ảnh “động”, đòi hỏi chủ đề tác giả chọn phải thực sự có ý nghĩa, phản ánh được tính đa chiều cuộc sống. Nếu lấy chân dung người lao động thì chọn hướng, góc độ chụp để nổi bật chân dung họ, làm sao để bức ảnh hài hòa về màu sắc và ánh sáng là điều các nghệ sĩ rất lưu tâm. Và người nghệ sĩ cũng như một anh thợ đi săn vậy, bất chợt gặp được những hình ảnh, khoảnh khắc đẹp là phải nhanh chóng bấm máy mới mong ghi kịp. Quan trọng nhất là người nghệ sỹ phải thật sự đam mê, có ý thức sáng tạo. Và hơn nữa, ảnh có đẹp, mang tính nghệ thuật hay không cũng giống như một cuốn truyện hay, đều do người xem đánh giá cả. “Tôi luôn hướng ống kính của mình, tìm đề tài trong sản xuất, nơi những con người đang hăng say lao động”- ông cười nói.

 

Ông từng là một người công nhân, hơn nữa từng có thời gian dài công tác trong lĩnh vực công đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh nên sự gắn bó, thấu hiểu và luôn muốn ghi được nhiều những hình ảnh ca ngợi vẻ đẹp của những người lao động cũng là một điều dễ hiểu. Trong hàng nghìn bức ảnh của ông, có thể dễ dàng nhận thấy là số lượng người lao động, đặc biệt là những công nhân đang sản xuất hiện với tần số lớn. Trong ngôi nhà được trang trí nội thất rất đẹp, ông dành hẳn gian ngoài để để trưng bày các tác phẩm ảnh nghệ thuật. Tôi đứng quan sát và nghe ông say sưa giới thiệu về kỷ niệm những bức ảnh ông đã chụp, về mọi vùng quê ông đã qua, những con người lao động mà ông biết bao mến yêu và thấy lòng phơi phới niềm vui. Đam mê sáng tạo, hết lòng với nghề nghiệp, phải chăng đó là nguyên nhân giúp cho ông đã gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống cũng như các giải thưởng đã nhận được trong cuộc đời cầm máy ảnh của mình.

 

Ông nhớ lại, trong một lần đi thực tế ở Nông trường chè Sông Cầu (Đồng Hỷ), ông bắt gặp hình ảnh 4 thiếu nữ dừng tay hái chè ngồi nghỉ, cô nào cũng xinh xắn, cười tươi và nói chuyện rất vui vẻ bên sản phẩm của mình. Hai cô gái cầm nón quạt, một cô đang lau những giọt mồ hôi lấp lánh. Phía sau các cô là khoảng đồi chè bát ngát xanh mướt một màu, xen lẫn những ánh nắng vàng nhạt của buổi chiều tà. Ông đã “chộp” ngay khoảnh khắc này và bức ảnh “Chiều về” đã ra đời như thế. Xem ảnh của nghệ sỹ Đỗ Anh Tuấn, tôi ấn tượng với tấm ảnh có nhan đề “Thợ luyện thép”. Bức ảnh được ông chụp nghiêng ống kính, lấy ngang chân dung anh công nhân đang luyện thép của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Khoảng tối phía sau làm nổi bật những giọt mồ hôi lăn trên trán, khuôn mặt và cả chiếc áo anh đang mặc sáng bừng lên màu đỏ của ánh thép, đem đến cho người xem cảm nhận anh đang rất chăm chú, hăng say lao động để hoàn thiện sản phẩm của mình. Ngắm bức ảnh người nông dân đang gánh nước tưới rau, khoảng mênh mông của những luống rau thẳng hàng xanh mướt một màu như tôn thêm sự say mê lao động của người nông dân, tôi tìm thấy trong đó hình ảnh thân quen của bà, mẹ, chị tôi ở quê nhà.