Thách thức của điện ảnh Việt Nam

15:17, 07/06/2010

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 7/7/2010.

 

Theo nghị định này, tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên hệ thống rạp ít nhất phải đạt 20% so với tổng số buổi chiếu từ 18 đến 22h trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác. Hướng dẫn này tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên, điện ảnh trong nước đang đứng trước những thách thức...

 

Khi phim nhập và phim truyền hình bao vây

 

Năm 2002 trở về trước, điện ảnh Việt Nam vẫn trông chờ chủ yếu vào đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động sản xuất và phổ biến tác phẩm. Nhà nước đầu tư lớn thì số đầu phim sản xuất trong năm nhiều và ngược lại. Từ năm 1995 đến năm 2002, số lượng phim nhập khẩu thông qua phát hành phim Việt Nam cũng chỉ hạn chế ở mức 10-12 phim/năm. Cùng với sản xuất và nhập khẩu có vấn đề, hệ thống rạp do Nhà nước quản lý cũng xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được đòi hỏi của khán giả cần rạp hiện đại hơn, nhất là khán giả trẻ. Nhiều rạp đã phải chuyển đổi thành các điểm giải trí để tồn tại.

 

Từ khi Nhà nước cho phép tư nhân được tham gia sản xuất, phổ biến phim thì điện ảnh Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi thực sự. Năm 2004, cả nước sản xuất 15 phim truyện nhựa trong đó các hãng tư nhân đóng góp 4 phim; năm 2005 là 16 phim, tư nhân có 6. Năm 2006 sản xuất 8 phim và năm 2007 tăng lên 14, trong đó của tư nhân chiếm hơn một nửa. Nhưng sang năm 2008 cả nước chỉ sản xuất vỏn vẹn 6 phim. Đáng chú ý là khi số phim trong nước sản xuất chỉ trên dưới 10 phim/năm thì nhập khẩu phim lại tăng dần theo từng năm. Năm 2007, số phim nhập là 50, năm 2008 tăng lên trên 70 phim. Năm 2009, số lượng phim nhập tăng lên 106 phim, trong đó Công ty Megastar Việt Nam nhập 50 phim, Công ty Thiên Ngân nhập 30 phim, còn lại là của Công ty BHD và Lotte Cinema. Dự kiến năm 2010, Megastar nhập khoảng 50 phim, Thiên Ngân nhập 30 phim, BHD nhập từ 20 đến 30 phim và Lotte Cinema nhập khoảng 10 phim. Tuy nhiên số lượng phim nhập có thể tăng lên khi BHD khánh thành một cụm rạp mới ở TP Hồ Chí Minh và một cụm rạp ở Hà Nội, Thiên Ngân cũng sẽ khai trương rạp mới ở T.P Hồ Chí Minh trong năm nay.

 

Trước năm 2009, thuế suất nhập khẩu là 0% thì từ tháng 1-2009 tăng lên 5%. Theo các nhà hoạt động điện ảnh, mức thuế suất như vậy vẫn là quá thấp. Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung quy định phần góp vốn nước ngoài trong sản xuất và phát hành dưới 51% như một hàng rào tạo cơ hội cho các hãng phim trong nước nhưng trước đó, 3 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã được cấp phép và chỉ 3 doanh nghiệp ấy thôi cũng đủ sức làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam. Không chỉ bị ảnh hưởng của phim nhập, các nhà sản xuất trong nước còn bị phim trên các kênh: HBO, StarMovies, Cinemax do VTV mua bản quyền phát sóng bao vây. Đủ thể loại, lại có phụ đề tiếng Việt và phát sóng 24/24 giờ. Ngoài ra khán giả còn tha hồ mua đĩa lậu trong đó có phim chưa hề phát hành ở Việt Nam mà không phải lo lắng về bản quyền. Phim nhập và phim trên truyền hình là lực cản vô cùng lớn trên con đường phát triển của phim truyện Việt Nam. Khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở cửa để các sản phẩm điện ảnh vào Việt Nam, hạn chế nhập thì vi phạm cam kết và dân không có phim xem mà nhập nhiều thì bóp chết điện ảnh trong nước.

 

Thiếu tài năng và tính chuyên nghiệp

 

Cơ sở vật chất của điện ảnh Việt Nam không chỉ thiếu mà còn lạc hậu. Hầu hết các phim làm xong đều phải mang ra nước ngoài làm hậu kỳ. Cả nước hiện có hơn 20 hãng phim song vẫn không có nổi trường quay đúng nghĩa, thế nên các phim có đề tài lịch sử kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phải thuê trường quay ở nước ngoài. Xây dựng trường quay cũng không quá khó nhưng lo ngại nhất chính là thiếu nhân tài và tính chuyên nghiệp trong làm nghề. Mới đây khi nghe tin đạo diễn Thái Lan Apichatong 39 tuổi đã giành được Cành Cọ vàng tại liên hoan phim Cannes 2010 càng làm cho các nhà hoạt động điện ảnh trong nước sốt ruột. Việt Nam từng có nhiều đạo diễn nặng ký về phim tài liệu và đạo diễn phim truyện thể chính luận, tuy nhiên với phim thương mại được làm một cách nghệ thuật thì mới chỉ le lói một vài tên tuổi. Lâu lắm rồi không có phim Việt Nam nào gây sốc hoặc tạo ra dư luận trong xã hội. Việt Nam cũng chưa từng có đạo diễn nào mà khán giả chờ đợi để được xem các phim tiếp theo như một thời khán giả chờ đợi kịch của Lưu Quang Vũ. Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn trẻ tài năng, từng được giải của Hiệp hội các nhà phê bình tại liên hoan phim Cannes 2009 đã nói rằng, nếu có nhà đầu tư nào bỏ 20 triệu USD cho anh làm phim thì anh cũng không thể làm ra một sản phẩm tương đương Hollywood và anh cũng tin chắc không có đạo diễn Việt Nam nào làm được.

 

Cơ chế chưa khuyến khích các nhà sản xuất

 

Về chính trị, điện ảnh là kênh giáo dục, nâng cao thẩm mỹ và giúp nhận thức rất hiệu quả. Về kinh tế, không phải vô cớ mà thế giới gọi nghệ thuật thứ 7 là ngành công nghiệp. Do vậy ở cả hai góc độ, nếu Nhà nước đầu tư lớn và có cơ chế thích hợp sẽ phát huy tác dụng của điện ảnh. Tuy nhiên hiện Nhà nước đã giảm bớt bao cấp, còn cơ chế lại chưa hỗ trợ nhiều cho điện ảnh. Một đất nước có 86 triệu dân trong đó trên 60% dân số là trẻ nhưng cả nước chỉ có 100 rạp chiếu phim. Trong khi đó Thái Lan với hơn 60 triệu dân lại có tới 500 rạp chiếu phim. Do chưa có chính sách hỗ trợ trong vay vốn làm phim nên các hãng chủ yếu làm bằng vốn tự có hoặc huy động bạn bè, người thân nên có vốn thì họ làm không có thì thôi, cộng thêm phần đầu tư ít ỏi của Nhà nước nên số lượng phim truyện hàng năm chỉ trên dưới 10 phim là dễ hiểu.

 

Là quốc gia còn nghèo, Việt Nam không thể bỏ ra số tiền quá lớn để phát triển, song việc có thể làm là tạo cơ chế cho sản xuất và phổ biến phim. Nếu cơ chế thông thoáng và thuận lợi, chắc chắn các hãng sẽ tích cực hơn và như thế tương lai điện ảnh sẽ sáng sủa, còn nếu không…