Viết về Bác vừa dễ lại vừa khó

10:39, 01/06/2010

Đã vào tuổi 70 nhưng nhìn nhà thơ Thế Chính, tôi vẫn cảm nhận ở ông sự nhanh nhẹn và lòng nhiệt huyết của một người “say” thơ.  

 

Tác phẩm thơ “Con đường noi gương Bác” của ông viết về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”đã đoạt giải B trong Cuộc thi sáng tác, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật của tỉnh năm 2009. Bài thơ đã được Nhạc sĩ Khắc Vịnh cảm hứng và phổ nhạc.

 

Đến nhà riêng của nhà thơ Thế Chính tại xóm Thanh Xuyên, xã Trung Thành (Phổ Yên), chúng tôi thấy ông đang ngồi miệt mài bên máy tính. Hai tủ sách cao ngất ngưởng với số lượng lớn các tác phẩm cũng như cuốn sách Bác viết và các tác giả khác viết về Bác giúp chúng tôi phần nào hiểu được niềm đam mê tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh của ông. Là một cán bộ trong ngành Quân đội, sau khi về nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian hơn cho sáng tác văn chương. Ông từng được các bạn thơ gọi đùa là người “có duyên” với các giải thưởng, bởi hầu hết các cuộc thi thơ, truyện ngắn do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức, ông đều tham gia tích cực và “ẵm” về những giải thưởng cao.

 

Gian phòng dành riêng để sáng tác thơ của ông có rất nhiều giấy khen, Giấy chứng nhận các giải thưởng mà ông đã đoạt được như: giải B cuộc thi thơ với bài thơ “Ký ức thời gian” chủ đề “Hồ Chủ tịch và Thủ đô kháng chiến” do Hội VHNT tỉnh tổ chức; nhiều lần nhận giải thưởng VHNT 5 năm do Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng. Hiện ông là hội viên Hội VHNT tỉnh, Hội viên hội Văn học Dân tộc thiểu số, là tác giả quen thuộc với độc giả Báo Văn nghệ Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên với số lượng gần 10 tập thơ được xuất bản để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong lòng bạn đọc.

 

Là một nhà thơ có nhiều tác phẩm sáng tác về Bác, tác giả Thế Chính cho rằng: “Viết về Bác vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì Bác vĩ đại, là tấm gương sáng nên chúng ta có thể viết, học tập và làm theo rất nhiều. Khó cũng vì Bác là lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc nên đã có nhiều người viết thành công, mình viết chỉ sợ không được như thế”. Năm 2009, trong không khí thi đua sôi nổi với Cuộc vận động sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do tỉnh phát động, ông đã luôn trăn trở, băn khoăn vì nguồn cảm hứng về Bác đến rất nhiều, nhưng không dễ gì viết ra. Trong thời điểm đó, cảm xúc về con đường học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của dân tộc ta đã đến liền mạch và giúp nhà thơ sáng tác bài thơ “Con đường noi gương Bác”.

 

Trò chuyện về bài thơ “Con đường noi gương Bác”, nhà thơ Thế Chính tâm sự: “Tôi vui vì bài thơ giúp tôi thể hiện niềm kính yêu của mình với Bác, đồng thời mong muốn sẽ góp phần nhỏ bé của mình giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ”. Nhan đề bài thơ tác giả đặt có dụng ý bám sát vào cuộc thi, đồng thời thể hiện một triết lý, khát vọng của tác giả học theo Bác, đi theo con đường của Bác chính là tạo hướng đi cho tương lai đất nước, một hướng đi từ nguồn cội. Trong bài thơ của tác giả Thế Chính, tôi thích nhất những câu thơ mở đầu:

 

“Bác Hồ

Người là tứ thơ bất hủ

Đất nước cháu con chụm lại gieo vần

Dân coi Bác như vì tinh tú

Bác coi mình máu thịt của nhân dân”

 

Đoạn thơ nhìn nhận ở nét đẹp rất đáng quý của Người: giản dị, gần gũi với nhân dân được tác giả thể hiện chân thực, sinh động, nhưng cũng rất sáng tạo. Một so sánh rất gợi, rất thơ: ví Bác là tứ thơ không chỉ đẹp mà còn bất hủ, là kết tinh tinh hoa của tất cả nhân dân Việt Nam, là nguồn cảm hứng cho các tác giả, văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm thơ ca, nhạc họa… Bác vĩ đại, Bác kính yêu trong lòng tất cả những người dân đất Việt, nhưng Bác lại rất giản dị, coi mình là một phần máu thịt của nhân dân, hy sinh cả cuộc đời mình cho Tổ quốc.

 

Bài thơ ngoài thể hiện niềm yêu kính của tác giả, của dân tộc Việt Nam với Bác Hồ kính yêu, còn đi vào hai nội dung chính trong tư tưởng Bác Hồ đó là lấy dân làm gốc và phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết trong nhân dân. Theo tác giả đó chính là nội dung cần thiết nhất trong công cuộc xây dựng đất nước giai đoạn mới hiện nay. Khi Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh, phát huy quyền dân chủ trong nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên thì làm việc gì cũng thành công.

 

Khi chúng tôi hỏi chuyện về gia đình riêng, ông tự hào nói: “Vợ chồng tôi trước đây đều là bộ đội nên rất nghiêm khắc trong việc giáo dục các con. Tôi thường nói với các con cháu phải luôn luôn sống, học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại, cụ thể bằng những việc đơn giản nhất như yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tiết kiệm, sống nhân ái”…

 

Một mái ấm gia đình, một người vợ hiền, đảm đang, các con đều đã trưởng thành và thành đạt, sống có ích cho xã hội, đã và đang là niềm động viên, khích lệ ông rất nhiều trên con đường thơ ca.