Có một “Luỹ hoa” của Doãn Sơn

07:39, 21/07/2010

Bức tranh sơn dầu hoành tráng Hà Nội-Chiến luỹ và Hoa có chiều dài 9,6m, rộng 2,25m được hoạ sĩ trẻ Nguyễn Doãn Sơn hoàn thành sau 3 năm miệt mài lao động nghệ thuật.

Nguyễn Doãn Sơn đã gửi gắm biết bao tâm huyết để thực hiện bước tranh kỷ lục với mong muốn hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hiện bức tranh đang được trưng bày tại Triển lãm “Dấu ấn Hà Nội”, diễn ra từ 17-26/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội (số 66 Nguyễn Thái Học).

 

Từ tình yêu với Hà Nội

 

Từ khi còn là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Doãn Sơn đã ấp ủ đề tài về lịch sử. Hà Nội, nơi anh sinh ra và lớn lên, là cảm hứng vô tận để anh sáng tác. Bức tranh đầu tiên anh vẽ về Hà Nội là Hoàn Kiếm mô tả cảnh Thần Rùa trả gươm cho Lê Lợi, đã đoạt giải C Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội năm 2004, hiện đang được treo tại Thành uỷ Hà Nội.

 

Doãn Sơn tâm sự: “Đầu năm 2007, tôi mời hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Bảo khai mạc triển lãm tranh cá nhân, tình cờ ông khuyên, các hoạ sĩ trẻ nên đóng góp những bức tranh lịch sử cho 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Sau đó, hoạ sĩ Đỗ Bảo đã kể những câu chuyện bi tráng của về cuộc chiến của Hà Nội năm 1946, về mảnh đất nghìn năm văn hiến… Đó chính là điều đã gợi mở cho tôi bắt tay vào thực hiện bức tranh Hà Nội-Chiến luỹ và Hoa, và câu chuyện kể về Hà Nội phải được thể hiện trên diện tích lớn. Cùng thời gian đó, Thành Hoàng Thăng Long phát lộ. Đồng thời khi đọc một số cuốn sách như Luỹ hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh… đã cho tôi cảm hứng vẽ bức tranh này”.

 

Hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn bên bức tranh của mình tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội

 

Doãn Sơn kể, trong suốt 3 năm “ăn vẽ, ngủ vẽ” dồn hết tâm huyết vào bức tranh, anh như được tiếp thêm sức mạnh từ thế giới tâm linh của các nhân vật trong tác phẩm. Song trên tất cả là tình yêu anh dành cho Hà Nội để cuối cùng có được Hà Nội-Chiến luỹ và Hoa như hôm nay.

 

Đến một “Luỹ hoa” của nghệ thuật

 

Ngày 10/1/2010, bức tranh liền khổ Hà Nội-Chiến luỹ và Hoa đã được hoàn thành và được trưng bày trong Nhà Thái học Văn Miếu Quốc Tử Giám để cùng tham gia giao lưu Ngày Thơ Việt Nam, qua cuộc gặp gỡ giữa Hội hoạ và Thơ.

 

Với tư tưởng nghệ thuật lấy mùa Đông 1946, bức tranh là 5 trích đoạn bao gồm: Trận chiến trên phố; Em bé giao liên; Bên trong chiến luỹ; Chiến luỹ và Hoa; Mẹ.

 

Hà Nội-Chiến luỹ và Hoa gây cảm giác cho người xem bằng cả chiều sâu lẫn sự hùng vĩ với 296 nhân vật, hình tượng và biểu tượng; hàng trăm chi tiết với những nhịp điệu lên xuống mạnh mẽ của tiết tấu nhưng vẫn có mối liên hệ xa- gần nhiều tầng lớp. Doãn Sơn đã thể hiện sự đổ nát của Hà Nội, song dưới sự tàn phá của đạn bom, Hà Nội vẫn toát lên vẻ đẹp của mảnh đất kinh kỳ - với Thành Hoàng Thăng Long, những đền miếu linh thiêng, giếng cổ, ngựa đá, cầu Long Biên, nét giao thoa văn hoá Đông-Tây trong những công trình kiến trúc…

 

Nổi bật trong không gian nền là những con người Hà Nội hào hoa, được xây dựng theo lối trường thiên trong một không gian rộng lớn. Theo Doãn Sơn, tất cả những tuyến nhân vật anh xây dựng từ những hình mẫu có thật như bà Mẹ, bác công nhân, người lính Thủ đô, anh thanh niên đánh đàn, chú bé giao liên hay cô gái làng Hoa Ngọc Hà.

 

 

Một trích đoạn trong bức tranh

 

Mỗi nhân vật, biểu tượng đều mang một câu chuyện riêng nhưng không đứng đơn lẻ mà trong thể thống nhất. Ví dụ khi anh vẽ người chiến sĩ vệ quốc quân và cô gái làng hoa Ngọc Hà đang ở độ tuổi đôi mươi, chưa dám trao nhau tình yêu mà chỉ trao bó hoa thể hiện tình quân dân trong tông màu sáng nhất, người xem có thể cảm nhận, họ đang đứng cạnh một ngôi nhà đang cháy rừng rực do bom đạn, cũng như tình cảm trong đôi trẻ bừng sáng.

 

Hoạ sĩ Phạm Viết Hồng Lam, người từng góp ý cho tác phẩm này, cho rằng: Doãn Sơn có có tư tưởng đổi mới ở phong cách thể hiện. Ở đây cái đẹp của trầm tích hoà quyện với cái đẹp của văn hoá, tạo nên sức sống của Thăng Long-Hà Nội, khi mà soi vào từng chi tiết nhỏ nhất, người xem cũng tìm thấy ở đó một câu chuyện riêng, một thông điệp mang sứ mệnh lịch sử.

 

Còn nhà báo, hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ nhận xét: Bức tranh hướng tới khả năng cuốn hút thị giác cả về tổng quan và chi tiết, làm người xem thấy thích thú cả ở xa hay gần. Nguyễn Doãn Sơn vẽ về lịch sử nhưng không phải là mô phỏng, minh hoạ sử mà tái hiện không gian lịch sử bằng cảm xúc và ký ức.

 

Sau Triển lãm “Dấu ấn Hà Nội”, Nguyễn Doãn Sơn cho biết, anh sẽ đem bức tranh kỷ lục này về xưởng của mình tại Bát Tràng (Hà Nội) để dạy vẽ cho các em thiếu nhi và sinh viên. Song, trong sâu thẳm, anh rất mong Hà Nội- Chiến luỹ và Hoa được trưng bày trong đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, giúp anh được tri ân những người đã dũng cảm ngã xuống vì Thủ đô yêu dấu và với lịch sử- đề tài anh đang theo đuổi./.