Đại lễ 1000 năm sẽ rất hoành tráng và tưng bừng

08:10, 12/07/2010

Đại lễ hội sẽ có kỷ lục về số nghệ sĩ tham gia. Hiện đã có trên 30 đoàn nghệ thuật nước ngoài đăng ký đến giao lưu và biểu diễn nghệ thuật

 

Vào buổi sáng ngày Đại lễ 10/10, sau chương trình diễu binh, diễu hành tại quảng trường Ba Đình sẽ là các màn trình diễn nghệ thuật thật quy mô. Kịch bản phần diễu hành, trình diễn nghệ thuật này vừa hé lộ đã thấy rõ sự hoành tráng, tưng bừng.

 

Được biết, chủ đề tư tưởng bắt đầu từ thuở các vua Hùng dựng nước, lịch sử hình thành và phát triển của Tổ quốc và dân tộc ta đã trải qua hơn 4.000 năm văn hiến.

 

Kịch bản gồm 3 chương. Chương I có tên Cờ lau trắng diễn tả kinh đô Hoa Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê;.Chương II là Cờ Ngũ sắc sẽ phác thảo lịch sử về kinh đô Thăng Long thời Lý, Trần, Lê, Quang Trung. Chương III mang chủ đề Cờ Đỏ tái hiện thời đại Thăng Long-Hà Nội và thời đại Hồ Chí Minh.

 

Chương trình diễn ra với 200 môđun được thiết kế đồng hạng để có thể thay đổi thành những tông màu khác nhau khi thay cảnh nhằm tạo nên những điểm diễn, những không gian mới, đồng thời có thể ghép lại, tách rời biến ảo tạo nên những hình khối khác nhau như hình bản đồ Việt Nam với hình thế núi sông và hải đảo; bãi cọc Bạch Đằng Giang hay đoàn thuyền Rồng từ Hoa Lư về Thăng Long...

 

Theo kịch bản, sẽ có hàng nghìn nghệ sĩ chuyên nghiệp của các Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương, Hà Nội, Quân đội cùng sinh viên các trường nghệ thuật tham gia biểu diễn trong chương trình.

 

Các nghệ sĩ, diễn viên sẽ được chia làm ba tốp gồm 200 diễn viên múa chính, 600 diễn viên múa phụ và 400 diễn viên sân khấu thay đổi nhau để đảm nhiệm vai những nhân vật lịch sử chính, các cận thần văn võ và làm dàn phụ họa che chắn những khi thay cảnh.

 

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đã có trên 30 đoàn nghệ thuật nước ngoài đăng ký đến giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tại Hà Nội nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

 

Các đoàn nghệ thuật này đến từ nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới như Liên minh châu Âu và các nước Italia, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Hungari, Đức, Đan Mạch, Singapore, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Rumani, Nga... Các nước sẽ mang đến nhiều hoạt động như: biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu ẩm thực, tổ chức triển lãm và xúc tiến các hoạt động thương mại...

 

Trong khi đó ở Hà Nội, các hoạt động sẽ diễn ra ở tất cả các xã, phường thị trấn, quận, huyện, thị xã. Mỗi địa phương đều có chương trình riêng để tổ chức, hiện đang được rà soát, thống nhất, để tạo thành khung cảnh chung của lễ hội. Các di tích, danh thắng, đình, đền chùa cũng sẽ tổ chức các lễ hội, các trò chơi dân gian truyền thống trong dịp này.

 

Bên cạnh đó, nhiều chương trình và cuộc thi cũng đang được Thành phố tập trung triển khai nhằm đảo bảo tiến độ và chất lượng phục vụ cho Đại lễ. Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã nhận được gần 500 tác phẩm các loại như ca khúc, giao hưởng, thơ, bút ký, tượng, kịch bản phim… của nhiều tác giả trong và ngoài nước.

 

Trong nhóm 33 công trình trọng điểm phục vụ Đại lễ, đã có 8 công trình hoàn thành và bắt đầu đưa vào sử dụng; 15 công trình sẽ hoàn thành trước ngày 30/9 như: dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng, tượng đài Thánh Gióng, Game show truyền hình “Hà Nội 36 phố phường”, hai bộ phim lịch sử Huyền sử thiên đô và Khát vọng Thăng Long, 2 bản Chiếu dời đô bằng đá quý…; các công trình còn lại cũng sẽ được hoàn thành trước Đại lễ (10/10/2010)./.