Đắm say điệu Then Tày

07:52, 02/07/2010

Qua nhiều năm gắn bó với nghề, đem lời ca, tiếng hát đi phục vụ bà con ở các thôn, bản; đến nay tuổi đã ngoài 70, giọng hát không còn trong trẻo, ngân vang nhưng nghệ nhân Nông Văn Khang, người dân tộc Tày, ở xóm Đồng Phủ 1, xã Yên Ninh (Phú Lương) vẫn luôn mang trong mình ngọn lửa nhiệt thành với điệu hát Then của dân tộc.

 

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, từ nhỏ ông Khang đã tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương và thuộc lời các làn điệu then cổ của dân tộc Tày, Nùng. Giọng hát ngọt ngào và có sức truyền cảm của ông tình cờ được nhà văn Nông Viết Toại, Trưởng Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc biết đến trong một chuyến công tác tại địa phương năm 1953. Từ đó, ông được tuyển vào đoàn và có cơ hội thể hiện niềm yêu thích hát Then của mình. Vừa tham gia biểu diễn ca hát, ông vừa học hỏi các nghệ nhân đi trước để tìm hiểu thêm về các làn điệu then cổ với mong muốn được đem tiếng hát của mình đến được với đông đảo người dân. Ông có sự say mê đặc biệt với cây đàn Tính và những âm thanh kỳ diệu của nó. Sự say mê ấy của ông thể hiện qua giọng kể say sưa về huyền thoại và ngợi ca cây đàn - linh hồn của các làn điệu hát Then.

 

Ngày xưa, có một chàng trai khỏe mạnh tên là Xiên Cân có tài đàn, hát làm mê đắm lòng người. Chàng đã nhiều tuổi, nhưng vì nhà quá nghèo nên chưa lấy được vợ. Xiên Cân liền bắc các bậc đá lên hỏi trời (tức Mẹ Hoa). Mẹ Hoa cho chàng một cây đàn tính có bảy dây (làm từ bảy sợi tóc của một nàng tiên). Về đến nhà, chàng đánh đàn thì lập tức hiện lên thóc lúa đầy đồng và có cả một thiếu nữ xinh đẹp. Thế là Xiên Cân có vợ, nhưng tiếng đàn của chàng lại làm mọi người say đắm, bỏ bê việc đồng áng. Mẹ Hoa thấy vậy liền xuống trần gian, bứt hết bảy sợi tóc của nàng tiên và thay vào đó là ba sợi dây tơ tằm có tên gọi: dây mẹ (tượng trưng cho đất nước đẹp giàu), dây anh (dây trầm cho sức mạnh giữ nước), dây em (dây bổng chính là tình yêu đôi lứa). Đàn Tính còn ba dây từ đó. Ông nói: Ngày nay, đàn Tính có hai loại: loại hai dây của nam và ba dây của nữ. Đàn Tính hai dây chỉ có dây hậu, dây tiền. Dây tiền, dây hậu dùng để đánh giai điệu, dây trung làm nền cho giai điệu bằng bè trầm; vì thế đàn ba dây cho hiệu quả âm nhạc cao hơn. Cùng với đàn Tính, khi hát then còn có bộ xóc nhạc đệm là mấy quả nhạc đồng pha bạc; khi xóc tạo nên tiếng ngân nga. Thông thường, hát Then do một người hát, tự đánh đàn và xóc chuỗi nhạc đệm. Khi biểu diễn người hát ngồi xếp chân vòng tròn, chùm xóc nhạc đeo vào ngón chân. Tài nghệ của người hát thể hiện qua giọng hát, tiếng đàn và sự hòa điệu nhịp nhàng với bộ xóc.

 

Nghệ nhân Nông Văn Khang tâm sự: “Mỗi khi điệu Then được cất lên thì không kể già trẻ, gái trai đều muốn được nhảy múa theo từng câu hát. Từ nhỏ tôi cũng đã bị những câu hát đó làm mê hoặc”. Vì thế, từ khi còn là một chàng trai trẻ đến lúc con cháu đề huề, ông vẫn mải mê tìm kiếm những điệu then cổ để giới thiệu nó với những người mê hát. Ngoài ra, ông còn đặt lời mới cho những làn điệu then cổ với nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, lao động và tình yêu quê hương, đất nước. Những lời then mới do ông đặt ra luôn được nhân dân các dân tộc trong vùng Việt Bắc yêu thích và được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. Người yêu điệu hát này trong toàn tỉnh đều biết tiếng ông và tìm đến để học hát. Niềm hạnh phúc đối với nghệ nhân đó là các con, cháu của ông đều biết và yêu thích hát then. Hơn 50 năm công tác ở Đoàn Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, ông đã được phong tặng nhiều huân, huy chương vì sự nghiệp Văn hóa – nghệ thuật; Huy chương Vàng tại các hội diễn và nhiều phần thưởng khác.

Chia tay chúng tôi, nghệ nhân Nông Văn Khang nói: “Điều làm tôi day dứt nhất là chưa nhìn thấy sự say mê, tha thiết trong những câu Then của thanh niên dân tộc Tày. Mà sự say mê là yếu tố quan trọng nhất khi hát điệu hát này". Thời gian tới, Ông Khang dự định sẽ thu một đĩa hát, ghi lại những điệu hát đặc sắc của dân tộc để phát cho những người dân trong thôn nghe và tặng những người bạn của mà ông yêu quý. Ông hy vọng, những câu hát nhờ đó sẽ thấm dần vào  tâm hồn của người Tày, để không bị mai một đi những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.