Không chỉ ngồi chấm thi trong phòng kín hay lấp ló phía sau khán giả, vị trí của các vị giám khảo ngày càng được đề cao, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.
Ban giám khảo còn trở thành nhân vật trong các chương trình truyền hình thực tế, nên nhất cử nhất động của họ đều được thu vào ống kính máy quay và dĩ nhiên, giám khảo cũng phải “diễn”. Chuyện về các vị “cầm cân nảy mực” ngày càng “nóng”, từ Bước nhảy hoàn vũ đến Vietnam Idol và sắp tới là Sao Mai điểm hẹn.
Vietnam Idol chưa lên sóng nhưng chuyện hậu trường lùm xùm xung quanh bức thư của thí sinh Sơn Lâm gửi chị Võ Thị Hoàng Yến (Giám đốc chương trình khuyết tật và phát triển - DRD - thuộc Khoa Xã hội học - Đại học Mở TP Hồ Chí Minh) với mục đích chia sẻ tới cộng đồng người khuyết tật. Trong thư, Sơn Lâm “tố” thành viên ban giám khảo Siu Black có sự phân biệt khi nói “nếu như em tham gia một cuộc thi dành riêng cho người khuyết tật thì em đã đỗ” (trích thư của Sơn Lâm). Đúng, sai chưa thể nói khi chưa xem băng ghi hình phần thi này (nhà tổ chức sẽ công bố), nhưng lời qua tiếng lại giữa Sơn Lâm và Siu Black trên báo chí cho thấy cả hai đều dường như không còn giữ được “bình tĩnh” và tiếp tục có những đánh giá đi quá xa vị trí của mình ở cuộc thi này… Không biết Ban tổ chức Vietnam Idol có đưa ra những quy định thuộc phạm vi “cấm” đối với phát ngôn của giám khảo hay không, chứ việc nhắc tới khuyết điểm về ngoại hình của thí sinh, thông thường đều thuộc các điều cấm kỵ với giảm khảo, dù cuộc thi có xét tới cả khả năng trình diễn của thí sinh, bên cạnh giọng hát.
Việc nói năng “quá đà” hay lỡ lời của các vị giám khảo không phải chuyện mới. Đây chính là lý do khiến không ít người từ chối vị trí này, dù nhà sản xuất có đưa ra mức thù lao hậu hĩnh hay việc làm giám khảo các cuộc thi lớn càng củng cố tên tuổi và uy tín cho người được mời. Với các chương trình truyền hình trực tiếp, việc phát biểu càng gây áp lực với giám khảo. Nhớ chương trình Sao Mai điểm hẹn năm nào, khi giám khảo Mỹ Linh nhận xét về phần thi của Hà Anh Tuấn cùng những lời “phản pháo” sau đó của người bị nhận xét phần nào cho thấy việc trước lúc đưa ý kiến đến với thí sinh và nhất là trước đông đảo khán giả, giám khảo cần phải cân nhắc về ngôn ngữ.
Thẳng thắn và rõ ràng không có nghĩa là nói theo kiểu “vỗ mặt”, nhất là với văn hóa phương Đông thì “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” vẫn được coi là cách ứng xử văn minh, lịch sự. Tuy nhiên, khi giám khảo nóng sẽ dẫn đến những đánh giá thiếu khách quan và gây tâm lý ức chế hoặc lo lắng cho thí sinh. Tiếc rằng, để nói được ngay nhưng chuẩn xác và hay thì không phải dễ với bất cứ ai.