Lần đầu tiên Lễ hội Cần Vương được tỉnh Quảng Trị tổ chức, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đánh giá đúng giá trị lịch sử của thành Tân Sở với phong trào Cần Vương.
Nhân kỷ niệm 125 năm ngày Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, kêu gọi phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, tối qua (13/7), tại Khu Di tích lịch sử quốc gia thành Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Uỷ ban nhân dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức lễ hội Cần Vương với chủ đề "Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương".
Năm 1885, sau khi thất thủ ở Huế, phái chủ chiến đứng đầu là phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường quyết định rời bỏ kinh thành, đưa vua Hàm Nghi tìm đường cứu nước. Tân Sở thuộc vùng Cùa xưa, ngày nay thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được chọn để xây dựng làm “kinh đô kháng chiến”.
Thành Tân Sở rộng khoảng 20 héc ta, được xây trên một quả đồi thấp, bốn bề che chắn bởi núi đồi trập trùng, hiểm trở bao quanh…Tại đây, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, kêu gọi phong trào kháng chiến chống Pháp. Lệnh được ban bố đã nhanh chống lan ra khắp cả nước, dấy lên cao trào giúp vua chống giặc của các tầng lớp sỹ phu, nhân dân Quảng Trị và cả nước. Thành Tân Sở đã đánh dấu một mốc son quan trọng trong trong lịch sử cận đại Việt
Như vậy, vùng đất Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị tự hào 2 lần được chọn làm kinh đô kháng chiến. 125 năm trước là kinh đô Tân Sở và gần 100 năm sau đó là khu trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt
Đây cũng là sự kiện văn hóa lớn đóng góp vào chuỗi sự kiện chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong khuôn khổ lễ hội Cần Vương, Huyện đoàn Cam Lộ tổ chức Hội trại Tri ân nghĩa sỹ Cần Vương với nhiều hoạt động như: trò chơi dân gian, hội thi cắm hoa, ẩm thực, biểu diễn võ thuật cổ truyền, văn nghệ quần chúng…
Bí Thư huyện Đoàn Cam Lộ Nguyễn Thị Hương cho biết: “Chúng tôi sẽ phát động đợt sưu tầm những tư liệu, những đồ vật cổ liên quan đến thành Tân Sở, nhằm góp phần cũng với các cơ quan chức năng để có cơ sở quan trọng xây dựng thành Tân Sở thành di tích lịch sử quốc gia...”