Chuyện về "hohoankiem.org"

08:30, 19/08/2010

4 năm qua, nhà báo Hà Hồng đã cóp nhặt trên 600 câu chuyện, sinh hoạt bên hồ đưa lên trang web dưới hình thức thể hiện là các bài viết và những tấm ảnh chân thật

 

Còn nhớ cách đây 4 năm, tôi đã được nhà báo Hà Hồng - báo Nhân dân - nói về website hohoankiem.org. Ngày đó, nghe anh thuyết trình về “công trình” đầy tâm huyết này, thú thực tôi không mấy mặn mà. Song bây giờ ngẫm ra, mới thấy hohoankiem.org của anh thực sự ý nghĩa với Hà Nội 1.000 năm.

 

Góp nhặt những chuyện quanh hồ

 

Có người bảo, thoạt nghe www.hohoankiem.org, người ta nghĩ đây là một trang web của một tổ chức xã hội nào đó nhưng không ngờ lại là của một cá nhân - nhà báo. Nói như vậy cũng có lý vì làm báo vốn vất vả phải chạy theo sự kiện, vấn đề, thời gian cho niềm đam mê riêng thường hiếm hoi, nhất là khi niềm đam mê ấy lại “ngốn” không ít tiền bạc và trí lực.

 

Tôi hỏi Hà Hồng: “Anh phải bỏ bao nhiêu tiền cho hohoankiem.org?”. Anh cười, bảo bí mật, nếu nói ra, có thể vợ anh sẽ “đâm đơn ra toà đòi ly dị”, mặc dù cũng ủng hộ niềm đam mê này của chồng.

 

Cơ quan anh ở ngay Bờ Hồ nên như một thói quen, sở thích tiềm ẩn, khi nào thời gian xông xênh, trên đường đến cơ quan, Hà Hồng lại cho xe chạy quanh một vòng hồ. Mỗi khi làm việc căng thẳng, mở cửa sổ thả hồn theo nhịp sống đang diễn ra xung quanh Hồ Gươm, anh lại phát hiện ra rất nhiều điều kỳ diệu ở nơi đây.

 

Trang web hohoankiem.org đã ra đời trong niềm cảm xúc ấy. Bắt đầu từ năm 2006 đến nay, cứ một tuần hai lần, vào đầu buổi sáng và sau khi rời cơ quan, hoặc một thời gian khác trong ngày, nếu rảnh, Hà Hồng thường tranh thủ dạo quanh hồ để khám phá một sự kiện mới. Và đều đặn mỗi tuần có 2 câu chuyện về hồ được anh viết và up (đăng) lên trang web, kèm theo mỗi câu chuyện là 4 bức ảnh.

 

Anh bảo, Hà Nội không thiếu hồ, vì thế hồ Hoàn Kiếm không phải là hồ duy nhất để người dân phải tìm đến theo nghĩa thông thường. Thế nhưng, Hoàn Kiếm là một trong 4 đại huyệt long mạch, lại ở nơi trung tâm, nơi trũng nhất của thành phố, nơi thuỷ tụ. Dường như, mọi diễn biến cuộc sống của Thủ đô đều lắng đọng nơi hồ thiêng này.

 

“Bạn thử hình dung, một trăm năm sau, con cháu mình sẽ hỏi, cái hồ linh thiêng này đã chứng kiến bao sự biến đổi, phát triển của dân tộc, qua mỗi thời kỳ, nó có hình dáng và đời sống như thế nào nhỉ?”.

 

Và bởi thế, ở thời kỳ này, Hà Hồng đã làm công việc chép lại những câu chuyện, sinh hoạt bên hồ (theo cảm nhận của một người Hà Nội và lăng kính một nhà báo) bằng các bài viết và bằng những tấm ảnh chân thật. Đó là  những câu chuyện giản dị về những người phụ nữ bán xôi, anh xe ôm, những người tập thể dục buổi sáng, hay người đi dạo; có khi là nỗi lòng trăn trở khi nhìn thấy những chuyện chướng tai gai mắt hay là mối đe doạ về sự xâm phạm môi trường xung quanh hồ của con người… 

 

Những khoảnh khắc kỳ diệu

 

Đối với Hà Hồng, vẻ đẹp của hồ Hoàn Kiếm vào mỗi thời khắc lại có rung cảm riêng. Ví như, hình ảnh chị công nhân múc tảo trong hồ lên, phần tảo chết có màu đen chảy thành vết trên mặt hồ xanh rờn bởi lớp tảo lam. Sẽ chẳng có gì là sự kiện ở đây, nếu như anh không kịp nhận ra hình thù mới được vẽ trên lớp tảo lam kia mang dáng dấp của một con rồng thời Lý, với những khúc uốn cong đặc trưng, một cái đầu rồng ấn tượng và cả con rồng như một nét thư pháp trên nền tự nhiên tuyệt đẹp. Hình ảnh này đã được anh thu gọn vào ống kính và up lên web, khiến nhiều người ngỡ ngàng.

 

Anh cho biết, nếu đặt đúng vị trí cho những tấm ảnh khổ rộng panorama về hồ Hoàn Kiếm trên nền tường nhà tối màu, nó có hiệu ứng như thể ta đang nhìn ra cảnh hồ đầy sắc nắng và màu xanh mướt của cây, những lớp sóng hiền hoà. Và anh có những tấm ảnh 180 và 360 độ, đủ để quây tròn trong một căn phòng tạo ra những cảm giác như thế.

 

Hiện tại, nhà báo Hà Hồng lại đang phấn chấn với kế hoạch xuất bản cuốn sách “Chuyện về hồ Hoàn Kiếm” với hàng trăm bức ảnh đặc sắc và hơn 100 câu chuyện được chọn lọc từ 600 câu chuyện bên hồ của anh trong thời gian qua. Các thiết kế đã được phác thảo với kích thước dự trù khoảng 20cm x 20cm, in chất lượng cao, bìa đóng cứng. Và sau này, khi kết thúc mọi công việc, anh sẽ luôn có mặt bên hồ để kể cho mọi người và du khách nghe những câu chuyện về hồ Hoàn Kiếm mà mình từng biết, từng khám phá./.