Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010: Thấy và ngẫm

07:44, 16/08/2010

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 (HHVN) vừa qua đi, dư âm của nó hẳn còn đọng lại với nhiều người. Đêm chung kết (14/8) diễn ra trong thời tiết thuận lợi, nổi bật vẻ hoành tráng, làm rạng rỡ, tỏa sáng nhan sắc Việt... Nhưng trong hành trình 15 ngày của vòng chung kết vẫn thấy "gợn" vài điều…

 

1. Vòng chung kết HHVN được tổ chức tại Khu du lịch Tuần Châu (TP Hạ Long, Quảng Ninh) với lý do Ban tổ chức đưa ra là Vịnh Hạ Long nằm trong tổ hợp di sản thế giới và nhằm thiết thực hưởng ứng cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới. Thế nhưng, ấn tượng Hạ Long không biết đọng lại được bao nhiêu trong các thí sinh với một chuyến đi ngắn trên du thuyền đến đảo Titop mà không xuống được đảo vì đã hết thời gian. Ngoại trừ việc 37 thí sinh đã ở tại Tuần Châu nửa tháng là rõ ràng và chuyến đi vừa kể trên, một vùng non nước Hạ Long có vẻ rất mờ nhạt trong các hoạt động của thí sinh.

 

2. "Người đẹp biển" và "Người đẹp tài năng", hai giải phụ diễn ra trước đêm chung kết có vẻ nhận được sự đồng thuận của nhiều khán giả. Nhưng có xem vòng sơ loại của phần thi "Người đẹp tài năng" mới rõ sự gượng gạo, vụng về, lúng túng trong biểu diễn của thí sinh. Qua chung kết chỉ còn 14/37 thí sinh mà có người đẹp hùng biện (cầm theo văn bản) diễn một chất giọng đều đều, hát sai nhạc hay quá giờ mà vẽ không xong bức ký họa… Giám khảo cũng phải xuê xoa, thôi thì đây là thi người đẹp, không ai có thể toàn diện được nhưng nụ cười hài hước dù cố kìm vẫn cứ bật ra vì những lỗi quá sơ đẳng, vụng về của thí sinh… Rõ ràng, không phải thí sinh nào cũng có tài lẻ. Với phần thi kém như thế, nhiều thí sinh hẳn không muốn lộ diện, để lại ấn tượng không tốt cho khán giả. Nhưng cả 37 thí sinh đều thi, có phải vì lo ngại sẽ bị đánh giá thấp?

 

3. Những khóa học với thầy Travis, siêu mẫu Polina (thuộc Trường Đào tạo phát triển nhân cách John Robert Power Vietnam) thể hiện rõ sự chuyên nghiệp trong trình diễn đã đem lại nhiều hứng thú cho các thí sinh, điều đó không thể phủ nhận. Nhưng các buổi tập cộng với nhiều hoạt động khác luôn kín đặc cả 3 buổi/ngày quả là một sự thách thức về thể lực mà không phải thí sinh nào cũng dám nói ra. Bởi Hoa hậu không chỉ cần sắc đẹp mà còn cần phải có sức khỏe nữa.

 

4. Thời tiết là một dấu ấn rõ ràng đã ảnh hưởng rất mạnh đến những hoạt động của cuộc thi. Đêm Gala Dinner (12-8) phải chuyển sân khấu vào trong phòng, kê lại toàn bộ bàn ghế. Cái chuyện vừa ăn vừa múa hát vừa làm từ thiện chen chúc trong một không gian chưa đủ rộng dễ tạo nên sự phản cảm, mặc dù hai MC Thanh Bạch, Thụy Vân ra sức gây hoạt náo cho chương trình. Âm thanh phục vụ biểu diễn "tậm tịt" khiến các ca sĩ lo ngay ngáy. Nhạc đệm thì bị lẫn lộn. Riêng nghệ sĩ sacxophone Quyền Văn Minh chơi bản "Em ơi Hà Nội phố” được một đoạn thì phát hiện ra không đúng nhạc đệm. Ông đề nghị tìm lại nhạc, đến mấy lần nhạc nổi lên mới  thấy...

 

Lo nhất là sân khấu đêm chung kết ngoài trời trước kiểu thời tiết sát biển đã vào tháng ngâu khi nắng chói chang, lúc mưa xối xả. Không ít người... thót tim. Không thể có phương án chuyển địa điểm đặt sân khấu bởi Tuần Châu chỉ có Cung Nhạc nước với khán đài hơn 1 vạn chỗ ngồi, còn một sân khấu trong nhà khoảng 3.000 chỗ, cực khó bài trí. Với lại, cả 10.000 vé cũng đã tới tay khán giả. Ban tổ chức khẳng định đã có phương án dự bị là phát áo mưa. Nhưng cứ thử tưởng tượng hàng vạn khách mời và khán giả, mỗi người trùm một chiếc áo mưa xem thi hoa hậu trông sẽ thế nào, còn thiết bị kỹ thuật, sân khấu nữa chứ? Nhìn không gian rộng mênh mông của Cung Nhạc nước thì thấy có lẽ chỉ còn trông vào ông trời là chính. May mà ông trời thương, không làm mưa vào đêm chung kết, thời tiết khá mát mẻ. Ban tổ chức và khán giả thở phào!