Đốt nhiều vàng mã trong Lễ vu lan và Xá tội vong nhân đã trở thành tập tục truyền đời của người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu Phật học, các cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì trong giáo lý Phật giáo không có quy định đốt vàng mã.
Nhộn nhịp thị trường vàng mã
Đến hẹn lại lên, chưa đến rằm tháng 7 nhưng cũng giống như nhiều địa phương khác thị trường dành cho ngày này ở Thái Nguyên đã bắt đầu nhộn nhịp. Đồ dành cho người cõi âm ở bất cứ chợ nào cũng có, từ đơn giản chỉ là giấy, quần áo đến cầu kỳ hơn là nhà lầu, xe hơi, những vật dụng người trần có thì trên thị trường cũng bày bán. Ở tất cả các chợ nhỏ trong thành phố Thái Nguyên hầu như chợ nào cũng có một vài quầy hàng mã bán thường xuyên phục vụ người tiêu dùng, đến rằm tháng 7 số lượng các quầy hàng này tăng lên bởi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Nhiều người ngày thường không hề bán đồ hàng mã nhưng đến rằm tháng 7 cũng tranh thủ lấy thêm hàng về bán với tâm lý rằm tháng bảy nhà nào cũng mua đồ mã.
Nhiều và phong phú nhất phải kể đến chợ Thái. Ngày thường tại tầng hầm chợ Thái đã có ba bốn dãy chuyên bán hàng mã, gần đến rằm tháng 7 lượng hàng được tập kết ở dây tăng 20%, phong phú về mẫu mã giá cả. Một chiếc áo thường cũng có ba loại: loại 1 lớp, 2 lớp, 3 lớp và theo đó giá cũng tăng từ 3.000đ, 5.000đ, 7.500đ/ chiếc. Giá một bộ quần áo các cụ từ 10.000 - 15.000 đồng, Comple từ 15.000 - 20.000 đồng/ bộ, xe đạp có giá dao động từ 15.000 - 20.000/chiếc. Xe máy cũng có nhiều loại từ 15.000đ đến hơn 100.000đồng/chiếc đối với SH, Dylan. 1 ngôi biệt thự chiều dài khoảng 0,4 m có giá từ 25.000 - 30.000 đồng nhưng nếu muốn rộng và dài hơn theo ý muốn thì khách hàng phải đặt trước và giá cả theo thỏa thuận.
Nhìn chung, hàng mã phục vụ cho rằm tháng 7 năm nay giá cả cao hơn năm ngoái từ 10 đến 15%. Điều này được chủ một cửa hàng ở chợ Đồng Quang lý giải là do giá một số nguyên liệu như giấy tăng lên. Nếu mua trọn bộ mũ áo, giày dép, đồ trang sức, vật dụng hàng ngày mất khoảng hơn trăm nghìn nhưng nếu chọn đồ sành điệu thì mất vài trăm nghìn.
Một tập tục cần xem lại
Việc đốt vàng mã là do ảnh hưởng của người Trung Hoa. Tích kể rằng: Vào đời Hán có đôi vợ chồng là Thái Mạc và Tuệ Nương học nghề làm giấy chưa thạo đã về quê mở xưởng. Giấy làm ra xấu và khó viết chữ nên bị ế không bán được. Tuệ Nương bèn giả chết để thực hiện phương kế bán giấy. Ngày thứ 3, trước khi đi chôn, Thái Mạc đem một ôm giấy ra đốt bên cạnh quan tài vợ. Sau khi Thái Mạc đốt giấy xong thì Tuệ Nương ở trong quan tài kêu to gọi chồng, đẩy nắp quan tài bước ra hát rằng: “Trên dương gian đồng tiền có thể làm được mọi việc ở mọi nơi, dưới âm phủ giấy cũng có thể dùng để mua bán. Nếu không phải chồng đốt cho giấy thì ai lại cho tôi quay về dương gian”. Nói rồi lại mang thêm 2 bó giấy nữa để đốt. Những người chứng kiến đều tin là đốt giấy thành tiền cho người âm phủ rất có lợi nên ai nấy đều về nhà lấy tiền đến nhà Thái Mạc mua giấy về đốt. “Tin lành” đồn xa, người các nơi tranh nhau đến nhà Thái Mạc mua giấy. Không đến 2 ngày, bao nhiêu giấy ế của hai vợ chồng Tuệ Nương đã hết sạch”.
Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giáo chỉ khuyên trong ngày Lễ vu lan (báo hiếu cha mẹ) thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ. Và làm Lễ xá tội vong nhân (cúng chúng sinh) – cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh. Đồng thời, giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh.
Thực tế đốt vàng mã thời qua không chỉ gây tốn kém về mặt tiền bạc mà gần đây nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra bắt nguồn từ việc đốt mã. Chính phủ vừa ban hành nghị định 75/2010/NĐ-CP về “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”, trong đó có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác”.Quy định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2010. Ngoài ra, hành vi “tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã” cũng thuộc diện xử phạt, ở mức 1 - 3 triệu đồng. Đây được coi là một trong nhiều biện pháp răn đe tình trạng đốt vàng mã tràn lan trong nhân dân. Tuy nhiên, cùng với các chế tài xử phạt, quan trọng là mỗi người dân phải tự ý thức về việc làm của mình để tránh lãng phí tiền của cho gia đình và xã hội.