Thành phố âm nhạc ở Paris, thuộc quận 19-Paris, là một trong những trung tâm văn hóa-nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Pháp, với nhiều không gian mang những chức năng khác nhau về âm nhạc.
Thành phố âm nhạc ở
Thành phố âm nhạc chính thức được mở cửa rộng rãi cho công chúng từ năm 1995. Với mục đích trao đổi, tìm hiểu về âm nhạc, Thành phố âm nhạc là nơi tổ chức nhiều cuộc triển lãm, các buổi hòa nhạc cùng nhiều hoạt động giáo dục khác. Thành phố âm nhạc bao gồm nhiều không gian như: Học viện âm nhạc, giảng đường lớn, phòng hòa nhạc, có thể đón tiếp từ 800 tới 1.000 khán giả, Bảo tàng âm nhạc, với bộ sưu tập các nhạc cụ cổ điển, Các không gian triển lãm, Các xưởng nghệ thuật, Không gian tài liệu.
Trong nhiều năm qua, Thành phố âm nhạc được nhiều người biết tới như một trung tâm đào tạo âm nhạc, giới thiệu âm nhạc và lưu giữ các nhạc cụ âm nhạc quý giá. Đặc biệt, hiện nay, Thành phố âm nhạc đang tiếp tục mở rộng nhiều hình thức họat động cũng như giao lưu, đào tạo về âm nhạc.
Bà Christiane – người chuyên trách về tiếp đón công chúng rất hài lòng về những thành công của các họat động tại Thành phố âm nhạc hiện nay: Nhìn chung, vào mùa hè năm nay, cũng như mọi năm, số lượng người đến tham quan tìm hiểu khu Thành phố âm nhạc và Học viện âm nhạc Paris rất đông, trong đó có rất đông khách nước ngoài, đủ mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó cũng có nhiều người Pháp đến từ các tỉnh. Khách tham quan chủ yếu đến đây để tìm hiểu về lịch sử âm nhạc, các loại nhạc cụ, những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, sự phát triển của nền âm nhạc Pháp, về phương thức đào tạo âm nhạc...
Nằm trong khuôn viên Thành phố âm nhạc, Học viện âm nhạc Paris, được thành lập vào năm 1795, giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển âm nhạc của Pháp và âm nhạc các nước ở Tây Âu. Đến năm 1984, Học viện âm nhạc được trùng tu và xây dựng lại, với nhiều phòng mới. Hiện nay, tại Học viện âm nhạc có hơn 1.200 sinh viên theo học, với 350 giảng viên giảng dạy tại 9 khoa.
Còn Bảo tàng âm nhạc tại Thành phố âm nhạc là nơi lưu trữ một trong những bộ sưu tập nhạc cụ quan trọng nhất thế giới. Các nhạc cụ của bảo tàng có từ thế kỷ thứ 16 cho tới nay, gồm đủ các thể loại, từ cổ điển tới hiện đại. Ngay từ năm 1796, nhiều loại nhạc cụ đã được sưu tập vào Học viện âm nhạc, và tới năm 1861, bảo tàng âm Nhạc chính thức được lập ra để bảo quản những nhạc cụ quá giá. Nhà nước Pháp cũng đã tiến hành mua lại nhiều loại nhạc cụ, đồng thời được tặng nhiều bộ sưu tập nhạc cụ có giá trị. Từ đó tới nay, bảo tàng âm nhạc tiếp tục bổ sung nhiều hiên vật quý. Hiện nay, tại Bảo tàng âm nhạc đang lưu trữ nhiều loại kèn, đàn, dương cầm, vĩ cầm, sáo... của các nước, và ở các thế kỷ từ 16 tới 19. Đặc biệt, Bộ sưu tập nhạc cụ thế giới của Bảo tàng gồm 700 hiện vật, với các nhạc cụ của châu Á và châu Phi.
Thành phố âm nhạc hiện nay luôn nhận được sự quan tâm của nhà nước Pháp, của Bộ văn hóa Pháp, trong các tổ chức họat động cũng như trong việc lưu trữ, bảo quản các di sản âm nhạc quý giá không chỉ của nước Pháp./.