Ngày 30/7/2010 có dịp khảo sát di tích ở xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, ngành Văn hóa thể thao và Du lịch chúng tôi đã phát hiện ở 6 làng: Cổ Pháp, Dã Thù, Thù Lâm, Xuân Trù, Yên Trung, Nguyễn Hậu có 6 đình, 5 chùa, 2 nghè, 2 văn chỉ, 2 miếu và nhà thờ cổ còn bảo tồn được rất nhiều tư liệu Hán nôm như: bia đá, sắc phong, thần tích, câu đối, hoành phi, chuông đồng và các tư liệu khác phản ánh về lịch sử, phong tục, tập quán của nhân dân.
Đình Thù Lâm thờ danh nhân Dương Tự Minh, người phủ Phú Lương đã có công chống giặc Tống bảo vệ Tổ quốc dưới triều nhà Lý được vua Lý gả 2 công chúa là Diên Bình và Thiều Dung. Hai công chúa cũng được thờ tại di tích này. Trong đình còn lại 12 sắc phong, 3 tấm bia đá, 2 hoành phi, 4 câu đối cổ ca ngợi công đức và cảnh đẹp của di tích. Đặc sắc là bộ sưu tập 13 sắc phong. Giá trị lịch sử văn hoá cao nhất của sưu tập sắc phong này là tư liệu phục vụ cho các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá khẳng định công lao của một nhân vật tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên đã có công chống giặc Tống giữ yên bờ cõi ở phía bắc nước Đại Việt dưới triều nhà Lý (thế kỷ XII). Sắc phong cổ nhất được phong vào năm Thiệu Trị 6 ngày 15/11/1846.
Bia đá ở đình Thù Lâm được xây mái che, có kích thước 110 x 55cm, 2 mặt khắc chữ, trán bia tạc hình mặt trời bốc lửa, 2 bên có hình rồng cách điệu dưới khuôn thành 5 ô hình bầu dục có 5 chữ: Trường lưu vạn cổ hương. Mặt trước, toàn văn bia bằng chữ Hán nôm, không ghi tên người soạn, người khắc văn bia, có 17 dòng, chữ to, rõ khắc sâu, dòng nhiều nhất có 27 chữ, dòng ít nhất có 1 chữ. Tất cả mặt trước có khoảng 320 chữ. Mặt sau bia 1 dòng ghi niên đại của bia. Nội dung ghi việc công đức 300 quan tiền và ruộng vào đình được bầu làm hậu thần và cho gửi giỗ tại đình. Cuối bia ghi niên đại bia dựng năm Gia Long nguyên niên (1802). Bia khác ở đình Thù Lâm có 2 mặt, mặt trước vô đề. Bia có kích thước 120 x 65cm, chữ mờ, bị đục nhiều chữ, không luận được. Bia dựng ngày lành, tháng ba năm Gia Long thứ 14 (1815). Một tấm bia nữa ở đình Thù Lâm cỡ nhỏ hơn 2 bia trên, kích thước 60 x 35cm, trán bia vuông khắc 6 hình lá đề, dưới có 4 ô hình bầu dục không khắc chữ đại tự, bia khắc cả 2 mặt. Mặt sau bia ghi quy định giỗ hậu và bia dựng vào triều Gia Long thứ 5 (1806), ngày mùng 8 tháng giêng.
Cách đình Thù Lâm 800m có Miếu Sở thờ Vua bà là Lý Chiêu Hoàng - vị vua cuối cùng của nhà Lý. Điều đặc biệt tại sao miếu làng Thù Lâm thờ Lý Chiêu Hoàng này còn là một lời bỏ ngỏ? Liệu ngôi miếu này có sự kiện gì liên quan đến một số di tích trong vùng không như địa danh làng Cổ Pháp cùng xã chẳng hạn? Sát miếu có Văn chỉ của làng. Đây là nơi thờ Khổng Tử và là nơi tôn vinh các bậc tiên hiền của làng thời phong kiến. Văn chỉ làng kiến trúc đơn giản, gồm 3 bệ thờ được xây bằng gạch vôi vữa, không có mái che trên có đặt các bát hương để thờ cúng, xung quanh Văn chỉ được xây tường vây bảo vệ. Cụm di tích đình - chùa Giã Thù và chùa Di còn lưu giữ được 3 sắc phong, 1 văn bia, 3 câu đối. Bia đá chùa Di có kích thước: 60 x 50cm, bia 2 mặt, trán bia vuông, chạm thành 4 hình hoa mai trong ghi 4 chữ Hán có nhan đề: “Mãi hậu thiên bi”. Nội dung chữ khắc có 16 dòng, dòng nhiều nhất có 27 chữ, dòng ít nhất có 16 chữ. Tấm bia được tạo bằng chất liệu đá tốt, chữ khắc sắc nét, nội dung văn bia, niên đại rõ ràng. Ngày mùng 7 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), lập bia, văn bia do Đồng Duy Nguyên soạn”.
Cụm di tích đình - chùa Xuân Trù: Đình và chùa Xuân Trù mới được tôn tạo lại trên nền cũ nhưng còn lưu giữ được khá phong phú cổ vật như: 1 thần tích có giá trị được Viện Hán Nôm sao chép có ký hiệu 5989/951.AE.A18/2 lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, một bản thần sắc sao 7 sắc phong của đình từ thời vua Thiệu Trị thứ 6 (1850) đến thời vua Khải Định thứ 9 (1924), câu đối, hoành phi, bia đá, cây hương đá và nhiều đồ thờ tự. Đình Xuân Trù cũng thờ các vị thần Cao Sơn, Quý Minh và Diên Bình công chúa. Đình còn treo câu đối ca ngợi công đức các vị thần.
Đặc biệt là thần tích đình Xuân Trù. Bản thần tích có tên "Xuân Trù xã Tam vị đại vương linh tích" thờ tại đình được chép lại bằng chữ nho do Hàn lâm viện Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn vào tháng mười năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời vua Lê Anh Tông (1572-1573) và sau đó lại được quan nội các bộ lại chép lại vào tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) đời vua Lê ý Tông (1735-1740) và được sao lại vào năm Duy Tân thứ 6 (1910).
Đình và chùa Xuân Trù là một quần thể di tích tín ngưỡng cổ còn lưu giữ được nhiều di sản Hán Nôm có giá trị nhất định phản ánh về lịch sử, văn hoá của địa phương. Ngoài đình ra, chùa Xuân Trù còn lưu giữ được bia đá ghi tên chùa, 1 chuông đồng ghi tên chùa và họ tên người công đức, tuy không khắc niên đại nhưng qua nghiên cứu phong cách nghệ thuật đúc và trang trí thì có thể cho biết chuông được vào thời vua Tự Đức (1852 - 1882). Đặc biệt đình và chùa còn bảo tồn được nhiều hiện vật cổ đã chứng minh xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên là một trong những làng cổ ở ven sông Cầu. Đình còn lưu giữ được bản thần tích có văn phong hay là một trong nhưng bản thần tích có niên đại cổ vào loại sớm trong tỉnh, nằm trong tuyến tham quan di tích lịch sử văn hoá phía bắc Sông Cầu thuộc tỉnh Thái Nguyên phục vụ khách tham quan muốn nghiên cứu tìm hiểu về các di tích lịch sử cách mạng và tín ngưỡng kết hợp với các điểm di tích khác như: quần thể di tích cách mạng ATK xã Tiên Phong đã được xếp hạng cấp quốc gia; Chùa Hương ấp, làng Cổ Pháp xã Tiên Phong đã đi vào phương ngôn: “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp” (Cổ Bi Gia Lâm) xưa có hành cung của chúa Trịnh, Cổ Loa - Đông Anh có thành cổ đời An Dương Vương, Cổ Pháp; Đình Bảng - Từ Sơn và Yên Dũng, Bắc Giang đêu có họ Lý nổi tiếng) có tài liệu cho rằng là một di tích gắn với quê hương và tuổi thơ của vua Lý Nam Đế và những ngôi đình thờ danh tướng Dương Tự Minh còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá được nhân dân trân trọng gìn giữ như những vật báu để lưu truyền cho hậu thế mai sau.