Triển lãm: Qua phố nhớ gì?

07:52, 17/08/2010

Phố phường Hà Nội đặc biệt là khu phố cổ luôn có sức hấp dẫn và thú vị đối với những ai từng đặt chân tới thủ đô.

 

Với mục đích tôn vinh nét đẹp văn hoá đặc sắc của thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đồng thời đưa nghệ thuật đương đại gần hơn tới cộng đồng, đặt nó ở vị trí phản biện xã hội, triển lãm “Qua phố nhớ gì” đã khai mạc chiều 15/8 giới thiệu những bức ảnh tư liệu về hàng phố xưa của Hà Nội kèm các tác phẩm nghệ thuật đương đại, chiếu phim tư liệu về phố Hàng Mã. Đặc biệt, làm sống động, hấp dẫn không gian trưng bày là những gian hàng giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu cho phố Hàng Mã, phố Hàng Lọng. Với bàn tay khéo léo, các nghệ nhân sẽ trình diễn trong suốt thời gian triển lãm. Đây cũng là món quà các nghệ sĩ chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

 

Phố phường Hà Nội đặc biệt là khu phố cổ luôn có sức hấp dẫn và thú vị đối với những ai từng đặt chân tới thủ đô. Điều thú vị ở chỗ những tên phố bắt đầu bằng chữ “hàng” gắn liền với mặt hàng buôn bán truyền thống của con phố đó. Nhưng ít ai biết được rằng các tên phố có tên “hàng” vốn có từ trước, khi người Pháp quy hoạch lại thành phố Hà Nội đã chính thức hoá phần lớn các tên gọi này. Ngoài những cái tên Tây như Phố Pháp Quốc, phố Cộng Hoà, người Pháp hầu như để nguyên những tên hàng phố xưa như Hàng Buồm, Hàng Bè, Hàng Cân, Hàng Hòm...

 

Những đường phố không mang tên của danh nhân, địa danh hay những con số mà mang tên những vật dụng, món ăn, nhạc cụ, tín ngưỡng liên quan mật thiết tới những ngành nghề thủ công là một phần di sản Hà Nội. Anh Trần Hậu Yên Thế (Chủ nhiệm dự án Qua phố nhớ gì) cho biết về mục đích của dự án: “Tôi muốn dùng nghệ thuật đương đại để nói những vấn đề của di sản. Thông qua nghệ thuật đương đại thì thấy di sản rất hiện hữu, chúng ta đang sống trong những giá trị của quá khư đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về nó”.

 

Triển lãm Qua phố nhớ gì đặt ra các câu hỏi: Khi đi qua phố, người ta còn gì để nhớ? Những tên “hàng” gắn với một sản phẩm buôn bán thời xưa giờ còn gì, có chút gì nhắc nhớ đến những phố nghề nữa chăng?...

 

Triển lãm có cấu trúc của 1 không gian bảo tàng sống, mà ở đó nghệ thuật có nhiệm vụ nuôi dưỡng và phục hồi những khu vực ký ức bị vùi lấp trong quên lãng, tìm lại những báu vật di sản và chất vấn những giá trị đích thực của nó. Các tác phẩm đương đại của Nguyễn Huy An, Lê Trần Hậu Anh, Nguyễn Quốc Thành, Trần Hậu Yên Thế là những trải nghiệm đa dạng về thành phố, những đào bới ký ức từ thực tại.

 

Với tác phẩm Những con đường, Hà Nội đối với Nguyễn Huy An thật bé nhỏ, khiêm nhường và lam lũ. Anh đo những con phố của Hà Nội trong nhiều ngày, đi qua rất nhiều con phố cổ, kết quả là một nắm chỉ đen đen, âm ẩm trong lòng bàn tay. Và đấy chính là Hà Nội của An. Nói về tác phẩm của mình Nguyễn Huy An cho biết: “Tác phẩm là một khía cạnh khá khuất về Hà Nội. Qua tác phẩm  này mình muốn ghi lại cảm xúc, sự nhỏ nhắn của những con phố Hà Nội. Đi những con phố nhỏ nhắn rối rắm, nhất là trong buổi tối thì có cảm giác rất đặc biệt”.

 

Các tác phẩm nhiếp ảnh của Nguyễn Quốc Thành trong tác Vô đề thì lại khai thác một số mô típ quen thuộc về Hà Nội cổ trong văn hoá Việt Nam: mái ngói nghiêng, nhà cổ, các cô gái trẻ mặc áo dài. Các tác phẩm là những bức ảnh chân dung thực hiện trên phố. Nguyễn Quốc Thành không có ý định ghi lại hình ảnh của Hà Nội hiện nay hay tái tạo những hình ảnh của Hà Nội cổ xưa mà nhấn mạnh vào những tưởng tượng chung lãng mạn về thành phố này.

  

Hà Nội có một con phố dành cho tuổi thơ: những niềm vui ngây thơ và an lành – đó là phố Hàng Mã. Nhưng giờ đây những đồ chơi dân gian dần biến mất, những người làm ra nó cũng dần đi về thế giới bên kia.

 

Tác phẩm Rằm trung thu của Hậu Anh tạo ra những trải nghiệm về một không gian phố cổ - chật chội và thiếu ánh sáng nơi những bàn tay của các nghệ nhân đang tạo dựng nên những nụ cười đêm Trung Thu. Cái thú vị ở chỗ người xem có thể tham gia tự làm những chiếc đèn ông sao và đồ trung thu khác.

 

Hoạ sĩ Lưu Chí Hiếu cho biết, cái hay của nghệ thuật đương đại ở chỗ: “Đây là triển lãm mang tính tương tác, người xem tham gia vào các hoạt động và gần như họ là người tạo nên tác phẩm. Không chỉ dừng lại ở việc ngắm nhìn mà người xem có thể giao lưu, trò chuyện với tác giả. Ở đây có hiệu quả tổng thể cả về cảm giác, thị giác, đem lại nhiều cái hay”.

 

Tác phẩm Dâng nguyện ước của Trần Hậu Yên Thế là sự tưởng tượng về một lễ dâng hương của các cư dân phố cổ trước vườn hoa Lý Thái Tổ. Tác giả thiết kế các biểu tượng cho các phố bắt đầu bằng các tên “hàng” từ cảm hứng các bát bửu của đạo giáo mà ta thường hay bắt gặp ở các đền miếu. Với 36 bảo bối tượng trưng cho khu phố cổ giống như những lời nguyện cầu mà thần dân dâng lên đức vua. Những lời nguyện cầu giản dị về cơm ăn áo mặc, được vui chơi, học hành... Ở Làng thêu quê em, Trần Thị Thuỳ kể những câu chuyện giản dị về nghề thêu quê mình qua các bức ảnh. Câu chuyện về các bác nghệ nhân già, chị nghệ nhân không may bị tật nguyền, bác thương binh... những câu chuyện về đường kim mũi chỉ thời kinh tế thị trường…

 

Nhóm 36pho.vn góp mặt với triển lãm bằng một bộ phim nhân học về nghề mã ở phố Hàng Mã. Phố Hàng Mã là một trong những con phố cổ nhất của Hà Nội. Từ xưa được biết đến là phố nghề thủ công chuyên làm vàng mã, đồ trang trí, đồ chơi cho trẻ em. Dù biến chuyển của thời gian, phố Hàng Mã vẫn giữ được những nét đặc sắc riêng của mình. Bộ phim ghi lại chân thực cuộc sống của một gia đình làm đồ mã theo lối cổ. Họ kể những câu chuyện sinh động về ý nghĩa của việc hoá vàng mã, thế nào là đồ mã thật, giữ nghề của gia đình...

 

Qua Triển lãm, thông điệp mà các nghệ sĩ muốn gửi gắm là: Chúng ta đang sống trong thời đại tốc độ nhanh, nơi tất cả đều dễ dàng bị quên lãng. Chính vì thế chúng ta cần phải suy nghĩ về việc bảo tồn những gì. Đó là những ký ức và tư tưởng phi vật thể, bởi tinh hoa của di sản phi vật thế được sáng tạo dựa trên ký ức và suy tưởng./.