Trực tuyến “Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới”

07:06, 12/08/2010

Tại buổi giao lưu, các vị khách mời cũng đã làm rõ những khó khăn trong quá trình Việt Nam lập hồ sơ, đệ trình hồ sơ, đưa ra những căn cứ khoa học để bảo vệ hồ sơ cho đến khi UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.

 

Chiều 11/8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới”. Tham gia giao lưu trực tuyến gồm 5 vị khách mời là các nhà quản lý và chuyên gia đã có nhiều đóng góp về công sức và trí tuệ để Hoàng Thành – Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới: Giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; bà Ngô thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội; ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Nguyễn Cao Sơn, Giám đốc trung tâm Khu di tích Cổ Loa – thành cổ Hà Nội; ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ Việt Nam.

 

Ngày 1/8 vừa qua, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ UNESCO đã ra Nghị quyết công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Đây là món quà vô giá, sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam và thủ đô Hà Nội trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

Trong hơn 1 tiếng đồng hồ giao lưu trực tuyến, các vị khách mời đã trả lời hàng chục câu hỏi của độc giả về quá trình UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới cũng như việc làm thế nào để bảo tồn Di sản quý giá này.

 

Trả lời câu hỏi của độc giả Hoàng Văn Châu ở Đà Nẵng cũng như nhiều độc giả khác về giá trị  của di sản Hoàng thành Thăng Long theo tiêu chí của thế giới, ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết: Giá trị của di sản này trước hết là có bề dày lịch sử với 3 thế kỷ là trung tâm quyền lực và 8 thế kỷ là kinh thành của nước Đại Việt trước đây và Việt Nam hiện nay. Khu di tích quy tụ toàn bộ giá trị nền văn hóa dân tộc vì đây là kinh đô của cả nước. Khu di sản không những đi vào quá khứ mà vẫn hiện tồn cùng đất nước Việt Nam hiện nay.

 

Tại buổi giao lưu, các vị khách mời cũng đã làm rõ những khó khăn trong quá trình Việt Nam lập hồ sơ, đệ trình hồ sơ, đưa ra những căn cứ khoa học để bảo vệ hồ sơ cho đến khi UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.

 

Một nội dung được nhiều độc giả quan tâm là tại sao khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long không còn nguyên vẹn mà hầu hết chỉ là những phế tích nhưng vẫn được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Về nội dung này GS Phan Huy Lê giải thích: Tính toàn vẹn là một tiêu chí bắt buộc với các di tích được công nhận di sản thế giới. Song tính toàn vẹn không có nghĩa là toàn bộ kiến trúc xưa còn lại. Mà quan trọng là chúng ta giữ toàn vẹn những gì đang có. Cũng theo GS Phan Huy Lê, mong ước phục dựng lại một hoặc nhiều công trình kiến trúc trong Hoàng thành Thăng Long là ước mong của nhiều người song với những thông số khoa học hiện nay đây là việc rất khó khăn.

 

Vậy khi Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản Văn hóa thế giới, chúng ta được lợi gì? Theo ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, trước hết đây là niềm tự hào dân tộc. Thứ nữa là tiềm năng giá trị kinh tế. UNESCO đã tính toán, giá trị thương hiệu của 1 di sản văn hóa thế giới là nửa tỷ đô la và 10 triệu người đến thăm.

 

Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới nghĩa là được thừa nhận đảm bảo bởi một công ước quốc tế với 1 di sản có giá trị văn hóa toàn cầu nổi bật, trở thành tài sản của toàn cầu. Việc lập hồ sơ đến khi hồ sơ được công nhận đã khó khăn, nhưng chắc chắn việc bảo tồn, phát huy di sản này sẽ còn khó khăn hơn nhiều./.