Thái Nguyên hiện có 8 dân tộc anh em đoàn kết sinh sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa, Dao, Mông. Trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 25% dân số của tỉnh (khoảng 300 nghìn người) và phân bố ở tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh. Mỗi dân tộc lại có những nét riêng về văn hóa, việc bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa ấy đã được thực hiện nhưng kết quả đem lại chưa nhiều…
Trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, hỗ trợ để đồng bào xóa nhà dột nát, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật canh tác và hỗ trợ nhiều chính sách xã hội khác theo Chương trình 135, Chương trình 134 của Chính phủ nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân mỗi năm khoảng 5%.
Tuy nhiên, qua đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy thì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhất là đối với đồng bào dân tộc Mông. Chính vì còn nhiều khó khăn về kinh tế nên vấn đề lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ít được chính quyền cơ sở và người dân bản địa quan tâm. Điều rất đáng buồn là trong những lần tác nghiệp ở các xóm, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi đề nghị bà con mặc đúng trang phục của mình để quay phim, chụp ảnh trong các hoạt động văn hóa, sản xuất nhưng cả bản hàng trăm nóc nhà chỉ còn vài bộ quần ào, đồ trang sức của các cụ già. Nhiều thanh niên trẻ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn biết dệt thổ cẩm, đan lát hoặc sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Một lần công tác ở bản Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), chúng tôi đề nghị với trưởng bản Lý Văn Día cho nghe tiếng Khèn nhưng cả bản duy nhất chỉ có anh Triệu Văn Tài dùng được Khèn còn các thanh niên khác đều xa lạ với thứ nhạc cụ đặc trưng của người Mông. Lần khác cùng đoàn cán bộ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đi thực hiện đề tài "Phục dựng đám cưới người Dao Lô Gang" tại xóm Tân Yên, xã Mỹ Yên (Đại Từ) chúng tôi cũng thấy những giá trị văn hóa phi vật thể của người Dao Lô Gang ở đây đã mai một. Đám cưới (chảu sìn cha) của người Dao Lô Gang có nhiều tập tục như: lễ chạm ngõ (mìng nài); lễ ăn hỏi (quyể lầy), tổ chức đám cưới (chảu sìn cha)…nhưng giờ đã cắt giảm đi nhiều nên ngay cả những người ở bản Tân Yên khi xem đám cưới truyền thống phục dựng lại cũng thấy có nhiều cái quá lạ!
Vài năm gần đây huyện Định Hóa quan tâm và thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thông của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Lễ hội Lồng Tồng (cầu mùa), tổ chức diễn các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao… Những lễ hội truyền thống ở Định Hóa đã thu hút hàng vạn người dân địa phương tham dự và trên từng khuôn mặt của người đến dự hội rạng ngời những nụ cười, niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Còn ở các địa phương khác trong trỉnh vẫn diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chỉ được tổ chức ở phạm vi nhỏ, tự phát ở một xóm, bản nào đó nên việc tuyên truyền, giáo dục, khả năng nhân rộng còn hạn chế. Tổ chức không có quy mô, tự phát nên ngay trong hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại ít nhiều hủ tục cần loại bỏ để nâng cao giá trị văn hóa.
Mục tiêu của việc phục dựng đám cưới hay các lễ hội truyền thống là nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể và qua đó sẽ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong tỉnh. Ý nghĩa hơn là những hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh sống đoàn kết, yêu thương nhau và có tinh thần vươn lên thoát đói nghèo, lạc hậu. Do vậy, hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng nên được quan tâm hơn nữa từ phía các cơ quan chuyên môn của tỉnh và sự vào cuộc có tránh nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã.