Còn 30 ngày nữa là đến ngày lễ chính của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, người dân Thủ đô và cả nước kỳ vọng đây là cơ hội để Hà Nội có thêm tư duy mới, nguồn lực mới để phát triển
Những ngày này, Thủ đô Hà Nội đang tập trung hoàn tất những phần việc cuối cùng để bước vào những ngày đại lễ. Lãnh đạo và nhân dân Hà Nội mong muốn tạo dấu ấn tốt đẹp với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh một Thủ đô hiện đại có nghìn năm tuổi, từ đó tạo niềm hứng khởi tiếp tục lao động sáng tạo xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước.
Nhân dân cả nước cũng kỳ vọng, sau những ngày đại lễ đầy âm thanh và màu sắc, Hà Nội phải để lại những công trình, dấu ấn thực sự có ý nghĩa, xứng đáng với quá khứ nghìn năm hào hùng, xứng tầm với Thủ đô hiện đại.
Hà Nội vốn hào hoa và tinh tế, vì thế không dễ dàng chấp nhận sự ôm đồm hoặc hội chứng "công trình chào mừng"vội vã, hình thức, tốn tiền mau hỏng; cũng không dễ dàng chấp nhận chỉ chăm chú vào những công trình vật thể hoành tráng và tiêu tốn nhiều tiền mà quên bồi đắp dân trí, nhân văn…
Người dân cả nước mong muốn, dịp đại lễ này Hà Nội sẽ có thêm công trình thật sự có tầm vóc, thể hiện trí tuệ, tài hoa của người Hà Nội và hướng tới phục vụ đa số công chúng. Đó có thể là cây cầu bắc qua sông Hồng không chỉ cho người xe qua lại, mà còn là công trình có tính nghệ thuật độc đáo soi mình xuống dòng sông Mẹ tôn thêm vẻ đẹp thành phố
Đó có thể là vườn hoa, công viên, quảng trường tạo điểm nhấn cho Thủ đô vừa được mở rộng quy mô diện tích nhưng còn thiếu những điểm vui chơi giải trí và không gian tổ chức sự kiện lớn… Đó có thể là nhà hát, bảo tàng có kiến trúc riêng, độc đáo mang dấu ấn của kiến trúc văn hoá Hà Nội-Thăng Long bền vững trăm năm… Hơn hết, từ sự kiện nghìn năm này, tinh hoa văn hoá của vùng đất hội tụ khí thiêng này tiếp tục được chấn hưng, bồi đắp, vận hội khơi thông, nhân tài được trọng dụng…
Từ nghìn năm trước, bậc Tiên Đế chọn vùng đất hình thế Thăng Long làm nơi đặt Đô là mong muốn đất nước ngàn năm bền vững, muôn dân được hưởng thái bình… Trải qua nghìn năm, với biết bao thăng trầm lịch sử, Thăng Long-Hà Nội từng hứng chịu binh đao, bom đạn, từng là chiến trường đọ sức với ngoại xâm…
Nhưng thật kỳ lạ, khi kẻ thù đụng đến Thăng Long-Hà Nội, thường đấy là bước đường cùng dẫn đến kết cục thảm bại của chúng. Cảm hứng chủ đạo, khát vọng lớn lao của Thủ đô ngàn đời nước Việt vẫn là "Thăng Long phi chiến địa", là thái bình, an lạc.
Thời hiện đại, Thủ đô Hà Nội từng được từng được tôn vinh Thủ đô Anh hùng-Thành phố vì hoà bình. Vì thế, các sự kiện diễn ra trong đại lễ nghìn năm Thăng Long-Hà Nội phải toát lên thông điệp về tình yêu và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt
Từ dịp đại lễ này, từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân thường, từ người dân Thủ đô đến người dân khắp mọi miền Tổ quốc, từ đồng bào trong nước đến kiều bào nước ngoài… càng thêm niềm yêu, niềm tự hào về Thăng Long-Hà Nội, càng "sửa mình" để xứng đáng với hoài vọng của Tổ tiên.
Sự kiện Thăng Long-Hà Nội nghìn năm tuổi là dấu mốc đặc biệt quan trọng của Thủ đô thời hiện đại. Người dân Thủ đô và nhân dân cả nước nhìn nhận sự kiện-dấu mốc này là cơ hội ngàn năm để Hà Nội có thêm tư duy mới, nguồn lực mới để phát triển Thủ đô. Người dân cũng hy vọng, sau sự kiện, dấu mốc này, Hà Nội thực sự đổi mới, từ tư duy đến hành động, từ tầm nhìn dài rộng đến bước đi cụ thể, để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước, xứng đáng là Thủ đô ta…/.