Dưới cờ phục quốc, bộ phim truyện nhiều tư liệu lịch sử

08:39, 27/09/2010

Nói tới cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra năm 1917, các nhà sử học đều có chung nhận định đó là cuộc khởi nghĩa lớn nhất và có tiếng vang lớn nhất ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Đó còn là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử cận đại Việt Nam với lực lượng là binh lính người Việt Nam ngay trong hàng ngũ quân đội Pháp, cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, công nhân, nông dân.

 

Đó cũng là cuộc khởi nghĩa tuy chỉ làm chủ được tỉnh lỵ 6 ngày nhưng lại là lần đầu tiên thành lập được chính quyền cách mạng với quốc hiệu, quốc kỳ, làm cho kẻ địch hoang mang tột độ, ảnh hưởng không nhỏ tới sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta. Với ý tưởng truyền lại cho khán giả Thái Nguyên và cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về sự kiện lịch sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa, Đài Phát thanh -Truyền hình Thái Nguyên đã quyết định đầu tư sản xuất bộ phim truyện “Dưới cờ phục quốc” gồm 4 tập. Bắt đầu khởi quay từ tháng 8/2010, đến thời điểm này, bộ phim đã cơ bản hoàn thành các cảnh quay, chuẩn bị cho quá trình dựng.

 

Bộ phim nhằm tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn (Trịnh Văn Cấn) và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Lực lượng gồm binh lính trại khố xanh, tù quốc sự phạm, dư binh cuộc khởi nghĩa Yên Thế và người dân Thái Nguyên. Trong hàng ngũ nghĩa quân, sự có mặt của người dân bản địa, người dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên là một lực lượng vô cùng quan trọng. Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra trong thời điểm thế chiến lần thứ nhất đang bước sang giai đoạn quyết liệt. Lúc này lò lửa chiến tranh đang bốc cháy trên đất Pháp. Để phục vụ cho cuộc chiến đẫm máu, thực dân Pháp phải tăng cường mọi thủ đoạn bóc lột nhân dân ta, chúng đã gây ra biết bao tội ác, càng làm tăng thêm lòng hận thù trong dân chúng. Cũng vì vậy, sự suy yếu của thực dân Pháp dần bộc lộ. Về điều này, những binh lính trong hàng ngũ của thực dân Pháp là những người nhận ra rõ nhất. Theo Nhà sử học Trần Huy Liệu và nhiều nhà sử học khác thì cuộc khởi nghĩa nổ ra vào thời điểm đêm ngày 30 rạng sáng ngày 31/8/1917. Theo đó, kế hoạch được định sẵn, quân khởi nghĩa đã giết được Giám binh Nôen và tên tay sai tín cẩn là Phó quản lạp. Ngay sau đó nghĩa quân đã phá nhà tù, giải phóng Lương Ngọc Quyến và các tù phạm, nhập vào đội quân khởi nghĩa. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân khởi nghĩa đã đánh chiếm được các công sở và làm chủ tỉnh lỵ. Lá cờ Nam Binh Phục Quốc tung bay trên nóc nhà công sứ Thái Nguyên.

 

Thấy tầm trọng đại và nguy hiểm của cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đã đã huy động tổng lực để đàn áp. sau trận chiến đấu chống trả quân thù ác liệt, nhiều nghĩa quân đã anh dũng hy sinh, xả thân vì nước, đặc biệt có nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến (Quân sư của cuộc khởi nghĩa), Cai Mánh và nhiều binh lính khác. Về bản chất, Khởi nghĩa Thái Nguyên tuy vẫn mang tính tự phát nhưng đồng thời nó mang màu sắc chính trị rõ rệt vì trực tiếp chịu ảnh hưởng của Việt Nam quang phục Hội - tổ chức cách mạng duy nhất của nước ta lúc đó, với tôn chỉ chính trị “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam” (Phan Bội Châu niên biểu).

 

Bộ phim truyện “Dưới cờ phục quốc” - tác giả kịch bản, nhà văn Hồ Thủy Giang đã cố gắng tái hiện lại cuộc khởi nghĩa, nhằm gợi nhắc những hình ảnh quả cảm, lẫm liệt và bi tráng về tinh thần chống giặc ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ ấy. Kịch bản trung thành, khách quan với các sử liệu. Phim hầu hết khôi phục lại những tên tuổi có thực của cuộc khởi nghĩa. Những lãnh tụ và những nghĩa quân chủ chốt như: Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, Đội Giá, Đội Trường, Cai Mánh… về phía giặc và tay sai có những nhân vật có thật như Chánh sứ Đac-lơ, Giám binh Nô-en, Quyền thống đốc Lơ-gan-lăng, Giám ngục Lô-ê, Phó Quản lạp, Đội Hành… Diễn biến của phim cũng chủ yếu dựa vào diễn biến của cuộc khởi nghĩa. Bộ phim phản ánh khá đầy đủ mọi sự kiện của Cuộc khởi nghĩa, đặc biệt là diễn tả khá trọn vẹn tinh thần quật khởi của nghĩa quân do Đội Cấn làm thủ lĩnh.

 

Để bộ phim đảm bảo chất lượng, Đài PT-TH Thái Nguyên đã mời Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Phương làm Đạo diễn bộ phim, nhà quay phim Hà Sơn và các diễn viên nổi tiếng như NSUT Nam Cường, NSUT Hoàng Mai, NSUT Minh Huyền. Trao đổi cùng chúng tôi, NSND Trần Phương, người rất nổi tiếng với vai diễn đầu tay A Phủ trong phim “Vợ chồng A Phủ” năm 1959 của Đạo diễn Mai Lộc và giành giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 tâm sự: “80 tuổi đời, 51 năm gắn bó với sự nghiệp điện ảnh, lần này được Đài PT-TH Thái Nguyên mời làm đạo diễn bộ phim truyện đầu tay của Đài tôi nhận lời ngay. Lẽ thứ nhất, tôi là người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, nên tôi luôn tâm niệm phải làm một việc gì đó cho quê hương. Vì thế, với vai trò là đạo diễn, rất nhiều phim tôi đã đưa về Thái Nguyên để thực hiện các cảnh quay. Gần đây nhất là bộ phim “Hoàng hôn dang dở”, gần như 100% cảnh quay thực hiện ở tỉnh. Đối với bộ phim “Dưới cờ phục quốc” khi đọc kịch bản, tôi thấy nhiều chỗ tác giả còn chưa gắn với điện ảnh. Vì thế, trong quá trình quay, diễn xuất, tôi cố gắng sửa chữa để phù hợp hơn. Rất ít tỉnh có thể xây dựng được những bộ phim lịch sử như thế này. Tôi hy vọng đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào việc xây dựng các tác phẩm văn học nghệ thuật để làm tài liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”. Còn với nghệ sỹ Nguyễn Hoàng Tùng đã đóng vai Đỗ Kim trong phim “Chạy án”, cùng nhiều phim khác như “Cảnh sát hình sự”, “Nắng trong mắt bão”, lần này được đạo diễn Trần Phương chọn đóng vai Đội Cấn thì cho rằng: “Khi đọc kịch bản phim, tôi thấy rất thú vị bởi giai đoạn xảy ra khởi nghĩa đã lâu rồi, nhưng cách viết không quá khô khan. Tuy nhiên, vì sự kiện diễn ra cách đây gần 1 thế kỷ rồi, nên cũng là khó khăn khi tôi nhập vai bởi cách ăn nói, cử chỉ, đi lại của “người xưa” rất khác hiện nay. Nên tôi dành nhiều thời gian để đọc lại các bài viết về các cuộc khởi nghĩa, cũng như hào khí của những ngày sục sôi cách mạng để nhập vai một cách tốt nhất”.

 

Khi được hỏi về thù lao cho diễn viên, chúng tôi được biết kinh phí để thực hiện bộ phim này rất hạn hẹp chỉ khoảng 800 triệu đồng, nhưng trao đổi cũng chúng tôi từ đạo diễn, quay phim, đến diễn viên đều cho rằng vấn đề thù lao không phải là yếu tố quyết định mà nhiều khi được để lại dấu ấn trên lĩnh vực nghệ thuật mới là quan trọng. Và người viết bài này được chứng kiến Đoàn làm phim phơi mình dưới trời nắng 37-38 độ những ngày trung tuần tháng 9 để tái hiện lại những trận đánh càng hiểu rõ hơn tài năng diễn xuất, cũng như những đóng góp của đạo diễn, diễn viên cho nghệ thuật. Người viết lời cho bài hát cũng không xa lạ với người dân Thái Nguyên đó chính là Nhạc sỹ Phó Đức Phương với ca khúc nổi tiếng “Huyền thoại Hồ Núi Cốc”.

 

Dự kiến bộ phim hoàn thành, phát sóng vào dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; chào mừng sự kiện kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh (1931-2010). Đây là tài liệu lịch sử quý trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân ta phải biết sử ta.