Hoài niệm những đêm Rằm

15:24, 22/09/2010

Đêm nay Rằm Trung thu, trăng sẽ sáng hơn ngày thường, tiếng trống lân sẽ rộn ràng khắp các nẻo đường cùng trẻ em múa hát. Năm nào cũng thế, cứ đến Rằm Trung thu là bọn trẻ lại náo nức, nhưng mỗi năm không khí đón Trung thu mỗi khác, không khí Rằm của trẻ thơ cũng khiến người lớn hoài niệm mỗi độ thu về…

 

Tết Trung thu theo âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày Tết của trẻ em, còn được gọi là Tết trôngTrăng hay Tết Thiếu nhi, Tết Nhi đồng. Tết Trung thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của Trung Hoa. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch. Nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa. Sau này người Việt tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa và tiếp đó phổ biến thành ngày lễ truyền thống của dân tộc Đông Á như Hàn Quốc. Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm. Cũng trong dịp này người ta mua bánh Trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung thu, hoa quả, trà và rượu. Người Trung Quốc thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà...

 

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng, tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị…

 

Thời của chúng tôi, thế hệ 7X, đất nước còn khó khăn nhưng không khí Trung thu được cả người lớn và trẻ con háo hức trước cả tháng trời. Chuẩn bị cho ngày Trung thu, mẹ tôi thường nhờ người mua hồng tận Bắc Kạn đem về xâm lỗ, ngâm cho bớt chát để dành bày cỗ, bố thì xin ở đâu đó một ít tre về cặm cụi làm đèn ông sao, lũ trẻ chúng tôi có nhiệm vụ tích trữ giấy bóng kính mầu xanh, đỏ từ trong năm để dán đèn, tích trữ hạt bưởi xâu thành từng xâu phơi khô 3 đến 4 tuần để đúng đêm Rằm đem ra đốt.

 

Đêm Rằm, sau bữa cơm chiều, mấy chị em cứ lăng xăng quanh mẹ chờ xem bầy cỗ trông trăng. Mâm cỗ Trung thu thường có một con chó được làm từ những múi bưởi. Xung quanh bày thêm hoa quả và loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm. Hoa quả thường là chuối, cốm, thị, hồng, na. Đặc biệt bánh Trung thu ngày ấy không phong phú như bây giờ, chỉ phổ biến loại bánh chay có  hình lợn mẹ và đàn con béo ú hoặc hình chú cá chép to. Khi mẹ bày xong mâm cỗ cũng là lúc tiếng trống ếch rộn ràng ngoài ngõ, mấy chị em tay cầm đèn tót ra sân hòa vào đám trẻ trong làng vừa rước đèn vừa ê a hát. Đi từ đầu làng đến cuối làng cũng vừa kịp trăng lên đến đỉnh đầu, cả bọn mệt nhoài kéo nhau về sân kho phá cỗ trông trăng, nghe kể chuyện về chị Hằng, chú Cuội, sự tích bánh Trung thu, đèn kéo quân… Và những đêm Rằm như thế cứ đi theo mãi những năm tháng sau này trong cuộc đời mỗi con người.

 

Bây giờ chuẩn bị cho ngày Rằm Trung thu đơn giản hơn trước kia, cận ngày ra chợ là đủ đầy, từ đồ chơi đến bánh kẹo, hoa quả. Mặt hàng nào cũng phong phú, đa dạng, thoải mái cho người tiêu dùng lựa chọn, âu cũng là điều đáng mừng. Cách thức tổ chức cho trẻ em cũng không giống như ngày trước, cũng rộn rã, náo nức nhưng hình như tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu một điều gì. Tự tay bọn trẻ hiếm khi được bày mâm cỗ trông trăng, bánh kẹo hoa quả ngày thường đã nhiều và Trung thu càng nhiều hơn nữa, nhưng hầu như trẻ con bây giờ không mấy để tâm. Các loại đồ chơi truyền thống dè dặt xuất hiện bên rừng đồ chơi  hiện đại, nhưng ít đứa trẻ lựa chọn và bản thân chúng cũng không hề biết sự tích về những đồ chơi ấy. Ở những nơi trung tâm thành phố, ánh trăng trong trẻo thường bị lấn át bởi ánh đèn đường và đêm Trung thu là dịp để trẻ con, người lớn đổ ra đường chen lấn xô đẩy…

 

Không ai muốn trở về thời “cả đất nước còn gian khó đầy vơi” để đón Trung thu với những hoài niệm cũ, nhưng cũng cần lắm cái không khí tinh thần của những đêm trăng xưa ấy để nuôi lớn những tâm hồn trẻ thơ. Nhưng để có được sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại cho những đêm Rằm phụ thuộc nhiều vào người lớn chúng ta.