Làng văn hóa Trường Thịnh

07:47, 15/09/2010

Những ngày này, bà con nhân dân xóm Trường Thịnh, xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên đang khẩn trương chuẩn bị cho Lễ đón bằng công nhận làng văn hoá cấp tỉnh giai đoạn 2000- 2010.

 

Đồng chí Đào Thế Hùng, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Đang mùa thu hoạch lúa, ban ngày chị em đi gặt, nhưng tối đến khi cơm nước xong i là chị em lại có mặt tại đây tập hát múa để diễn trong ngày lễ, không khí tập luyện lúc nào cũng sôi nổi, ai ai cũng hăng hái chuẩn bị cho ngày vui chung của xóm...

 

Chỉ cho chúng tôi xem tấm bằng công nhận làng văn hóa đầu tiên mà xóm được nhận, năm 1999, đồng chí Bí thư chi bộ tâm sự: Đó là năm đầu tiên xóm triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Từ đó đến nay, đã tròn 11 năm Trường Thịnh liên tục được công nhận danh hiệu này. Kết quả này là sự đền đáp xứng đáng cho quá trình hoạt động tích cực của ban chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa xóm và sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trong xóm.

 

Xóm Trường Thịnh nằm ở phía Tây Bắc của xã Nam Tiến, xóm hiện có 160 hộ với trên 600 nhân khẩu, Chi bộ Đảng gồm 37 đảng viên. Nhận thức rõ, trong các chương trình, mục tiêu của cuộc vận động thì phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng hàng đầu, vì vậy nhân dân trong xóm đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với tổng diện tích đất tự nhiên là 68,8 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 18,7 ha, bà con nhân dân đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai có năng suất cao vào sản xuất, nhiều hộ trong xóm đã chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song song với sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã có nhiều hộ gia đình đầu tư vào chăn nuôi với quy mô lớn số lượng trâu bò tăng lên hàng năm: Năm 2000 xóm có 75 con trâu, bò đến năm 2010 xóm có 125 con trâu bò. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế là xóm nằm bám dọc Quốc lộ 3, nhân dân trong xóm đã phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, hiện nay, 40% nhân dân trong xóm làm các loại dịch tvụ cơ khí, sửa chữa, cung cấp vật tư sản xuất… còn lại là làm nông nghiệp. Một trong những mô hình dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao của xóm là gia đình anh Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ nhiệm HTX dịch vụ vận tải Hoàng Long. Từ chỗ gia đình anh có vài chiếc xe cho thuê, hiện anh đã có trên 20 đầu xe, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Kinh tế khá giả, anh có điều kiện để đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xóm và hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Xóm làm đường bê tông, ngoài mức đóng góp theo quy định là 100 nghìn đồng/hộ, gia đình anh hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Xóm xây nhà văn hóa, anh cũng ủng hộ thêm bộ âm ly trị giá 1,5 triệu đồng…

 

Điều đáng ghi nhận ở Trường Thịnh là tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.  Xóm đã xây dựng được quỹ hộ trợ người nghèo với tổng số tiền gần chục triệu đồng. Hằng năm, từ nguồn quỹ này, xóm trích hỗ trợ những gia đình nghèo gần 4 triệu đồng để giúp đỡ họ những lúc giáp hạt hay để động viên khích lệ trong những dịp lễ tết. Ông Dương Đình Sơn, Trưởng xóm cho biết: Đến nay xóm không còn hộ đói số hộ nghèo chỉ còn 4 hộ, số hộ khá giàu chiếm tới 89%. 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 89% hộ có ô tô, xe máy, 100% số hộ trong xóm đã có nhà xây kiên cố, 100% đường giao thông  trong xóm đã được bê tông hoá đến từng hộ bằng nguồn vốn đối ứng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Năm 2004, xóm đã xây dựng được nhà văn hoá trị giá 120 triệu đồng.

 

Bên cạnh việc phát triển kinh tế người dân xóm Trường Thịnh còn rất say mê tham gia các hoạt động văn hoá thể thao, nòng cốt là đoàn thành niên và Hội phụ nữ. Xóm đã thành lập được đội bóng đá, cầu lông, đội văn nghệ, thường xuyên đi giao lưu với các đơn vị bạn. Mọi người dân đều hăng hái xây dựng nếp sống văn hóa, loại bỏ những hủ tục lạc hậu trước kia, thể hiện rõ nhất là trong việc cưới, việc tang đều được thực hiện theo những quy định mà xóm đề ra: Đám hỷ không hút thuốc lá, không kéo dài nhiều ngày, đám hiếu chỉ làm gọn trong vòng 1-2 ngày… Đặc biệt, tổ hòa giải của xóm làm việc rất tích cực, đạt hiệu quả cao, nhiều năm nay các vụ việc mâu thuẫn đều được giải quyết dứt điểm. Đơn cử như vụ tranh chấp đất đai giữa 2 anh em Nguyễn Quang Biển và Nguyễn Quang Hiếu. Sau khi biết chuyện, ban mặt trận xóm đã cùng với Chi hội người cao tuổi, dòng họ Nguyễn Quang và những cao niên có uy tín ở xóm đến giải thích, phân tích những cái được, cái mất về vật chất cũng như tình cảm gia đình. Sau 2 tháng tích cực hòa giải, 2 anh em họ Nguyễn Quang đã hiểu ra và bắt tay làm lành, từ đó đến nay tình cảm giữa 2 gia đình càng thêm  gắn bó.

Không chỉ làm tốt công tác hòa giải, chính quyền và các ban, đoàn thể xóm còn tích cực tham gia phong trào vì an ninh tổ quốc, cảm hóa người lầm lỗi. Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua các TNXH trong xóm hầu như không xảy ra trên địa bàn. Với những thành tích đó, năm 2002, Trường Thịnh đã được công nhận làng văn hoá cấp huyện, năm 2006, được công nhận làng văn hoá cấp tỉnh và ngày 25-9 tới, xóm lại vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích 10 năm trong phong trào xây dựng làng bản văn hoá giai đoạn 2000- 2010. Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến ngày lễ đón nhận phần thưởng này, trên nét mặt những cán bộ làm công tác xã hội và cả những nông dân đang gặt lúa ngoài đồng, ai ai cũng rạng rỡ niềm vui, niềm vui về một Trường Thịnh đang phát triển mạnh mẽ như chính tên gọi của nó.