Lễ Cấp sắc, nét văn hóa đặc trưng của người Sán Dìu

07:55, 16/09/2010

Muốn được làm Lễ Cấp sắc, người con trai Sán Dìu phải đi học chữ Hán Nôm với thầy bề trên. Đến một trình độ hiểu biết nào đó, thầy bề trên sẽ chứng nhận cho “Lập sớ vào đàn” (cấp sắc lần thứ nhất) trở thành một thành viên của hội đồng thầy cúng. Các thầy tiếp tục dìu dắt, theo dõi, thử thách từ 3 đến 5 năm. Nếu ai học nhanh, sáng dạ sẽ được làm lễ cấp sắc lần thứ 2. Đây là lần cấp sắc quan trọng nhất bởi sau lần cấp sắc này, người được cấp sắc mới thật sự trở thành thầy cúng.

 

Một ngày mưa cuối tháng 8, chúng tôi  đến nhà ông Mạc Văn Quang ở xóm Trại Gião, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Hôm đó là ngày trọng đại của anh Bình con trai ông Quang vì qua đêm nay anh sẽ chính thức trở thành thầy cúng trong hội đồng thầy cúng của dân tộc Sán Dìu. Ông Mạc Văn Quang cho biết: để buổi cấp sắc của con trai diễn ra, gia đình tôi đã chuẩn bị thật chu đáo. Phần lễ cúng  gồm có lợn gà rượu, ngoài ra còn có xôi, oản, bánh bẻng (loại bánh đặc trưng của người Sán Dìu)...

 

Anh Bình theo thầy Âu Văn Nhất và thầy Từ Văn Vượng trên xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) đã 5, 6 năm nay và được cấp sắc lần 1 cách đây 4 năm. Đến nay, dù mới ở  tuổi 23, anh đã đủ vững vàng để các thầy bề trên làm lễ cấp sắc lần 2, chính thức trở thành thầy cúng. Thầy Nhất, là người thứ nhất dìu dắt và truyền nghề  cho “đệ tử” được gọi là thầy Bản sư. Thầy Vượng là người dìu dắt thứ hai gọi là thầy Chức sư. Trang trọng hơn là sự có mặt của thầy Tổ sư Trịnh Văn Tiến, người đã được cấp sắc 4 lần, đã được phong Giám độ, có “học hàm, học vị” cao nhất trong hội đồng thầy cúng của người Sán Dìu ở Thái Nguyên. Trong buổi lễ, thầy Tiến (Thầy Cả) giữ vai trò điều hành tất cả mọi việc... Ngoài ra còn có các thầy đến giúp việc cho hai thầy Bản sư và Chức sư. Trong suốt thời gian cúng, thầy Âu Văn Báo là người giữ cho hương không bao giờ tắt. Từ  sáng sớm, các thầy đã chuẩn bị ấn, sớ (hồ sơ) lập đàn cúng và trang trí đàn rất công phu, lộng lẫy. Hồ sơ (sớ) của người được cấp sắc được thầy Bản sư viết ra 20 bộ (chữ Nôm) trên giấy dó trắng, thầy Chức sư viết ra 25 bộ trên giấy dó vàng. Mỗi bộ đều được đóng dấu đỏ riêng của mỗi thầy. Đến quá trưa hôm đó, mọi thứ mới được chuẩn bị xong.

 

Đúng 13h30, lễ cúng bắt đầu. Nghi lễ đầu tiên là lễ cúng mời các vị thần tiên (Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân, Bát tiên, thổ địa gia tiên...) cùng các thầy dạy đến để tấu cáo (báo cáo sự việc). Tiếp đến, các thầy cúng để triệu các vị tướng soái (thiên binh, địa binh) đến bảo vệ buổi lễ, án ngữ ở hai bên tả, hữu của đàn chính, đón tứ phủ công tào (người đưa thư), rồi làm lễ bắc cầu đón tứ phủ (thiên phủ, địa phủ, thủy phủ và ngọc phủ) xuống để chứng kiến sự việc...  Trong suốt thời gian cúng, các thầy thay nhau múa, đọc thơ ở khoảng sân trước đàn chính. Các thầy khác ngồi ở hai bên sẽ “hát” phụ họa theo. Tùy từng phần nghi lễ sẽ có các bài cúng khác nhau. Tất cả các thầy đều “hát”cùng một nhịp giống như một dàn hợp xướng. Tiếng “hát”, tiếng xúc xắc hòa lẫn vào vài tiếng tù và. Tấu sớ xong, 2 bộ sớ (âm): 1 bộ của thầy Chức sư, 1 bộ của thầy Bản sư được đốt cho “Tứ phủ công tào” mang lên Thiên đình cho Tam Thanh, Ngọc Hoàng. Những bộ còn lại (bộ dương) được giữ lại đến khi người được cấp sắc quy tiên mới đốt nhằm giúp Ngọc Hoàng đánh giá về những việc mà người đó đã làm được. “Dâng sớ” xong, đệ tử quàng khăn đỏ, lần lượt khấn lạy tạ ơn các thầy và ông bà, bố mẹ, chú bác... theo thứ tự từ cao đến thấp. Nghi lễ được diễn ra hết sức trang trọng, linh thiêng. Sau đó, người được cấp sắc ngồi lên cho các em, con cháu hai bên nội ngoại quàng khăn đỏ cho mình.

 

Theo một số người già ở đây cho biết, thủ tục này là lúc ý nghĩa và xúc động nhất trong buổi lễ. Vì đây là lúc các thầy bề trên, các bậc tiền bối răn dạy học trò, còn học trò đọc lời thề danh dự trước mặt các thầy và các đấng thần linh. Rồi đến lượt người được cấp sắc lại răn dạy và chúc phúc cho các bậc hậu sinh của mình. Lễ cúng Long Vương xin nước và đất để làm lễ Linh quy là thủ tục quan trọng trước khi truyền phép. Thầy Bản sư dẫn đệ tử và một số thầy khác đi sau, vừa đi vừa khấn để đưa đệ tử qua 9 cây nêu được cắm từ cổng ra đến ngoài đồng. Lễ cúng này mang ý nghĩa tượng trưng rằng đệ tử đã trải qua 9 khúc suối vàng với mọi gian nan vất vả. Quay về đàn chính, đàn Linh quy đã được dựng lên, đệ tử ngồi vào vòng Linh quy, bắc cầu dải lụa đỏ từ đàn chính xuống để cho các vị thần truyền phép (tắc) và học trò xin bổng lộc. Rồi đồ cúng được mang ra để tạ thánh. Trong lúc lễ tạ thánh đang diễn ra ở đàn chính thì ở bên cạnh một đàn khác lại được dựng lên triệu Ngũ bộ thiên lôi đến để chứng kiến việc truyền phép cho đệ tử. Đàn này chính là nơi diễn ra nghi lễ quan trọng nhất - thầy truyền phép cho trò. Trước khi truyền phép, các thầy phải xin quẻ âm, dương và phải được sự đồng ý của các thần. Thầy và trò vai gắn cờ, mỗi người cầm 1 linh bài, múa quanh theo 4 hướng Đông, Nam, Tây, Bắc. Thầy trò ghép linh bài lần cuối ở giữa đàn. Linh bài của trò luôn để cao hơn thầy (ý nói hậu sinh khả úy). Xung quanh, các thầy không ngừng đọc tấu văn. Những giây phút cuối cùng của lễ truyền phép, mọi động tác diễn ra dứt khoát và lời khấn cũng nhanh và rõ ràng hơn.

 

Mặc dù rất mệt, giọng đã bị lạc, tiếng khàn hẳn đi, và nhiều lần bị tôi làm phiền trong lúc điều hành buổi lễ  nhưng thầy cả Trịnh Văn Tiến vẫn vui vẻ: Ai theo nghề này phải kiêng thịt chó cả đời, trước khi làm lễ cấp sắc cả thầy và trò phải tắm rửa sạch sẽ, mặc áo dài tay, đầu đội mũ...

 

Với tôi, dù đã đọc nhiều bài viết về Lễ cấp sắc của các dân tộc thiểu số nhưng đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến lễ cúng  nên mới cảm nhận được một cách sâu sắc không khí linh thiêng cùng những điểm độc đáo trong buổi lễ cấp sắc của người Sán Dìu. Lễ cúng đã phản ánh nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Sán Dìu như câu nói tâm huyết của thầy cả Tiến: “Nghề này không phải ai cũng theo học được mà phải là người sáng dạ và có chí. Hành nghề là để giúp đỡ, làm phúc cho mọi người”.